Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một
Lượt xem: 282

Ngày 11/12/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một. Thông tư này quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, bao gồm: Nội dung dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thông tư được áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi điều kiện giao tiếp tiếng Việt của trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một còn hạn chế; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.Theo đó:

Việc quy định dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một với 03 mục đích: (i)  Tổ chức, quản lí, hướng dẫn hoạt động dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một. (ii) Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tạo hứng thú, chủ động cho trẻ trong học tập; hình thành một số kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một. (iii) Xác định được những nội dung cần phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.

Yêu cầu đối với giáo viên và trẻ. Thông tư quy định cụ thể các yêu cầu đối với giáo viên và trẻ em. Trong đó: Yêu cầu đối với giáo viên, gồm 04 yêu cầu cụ thể: (i)) Giáo viên nắm được nội dung và phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, phương pháp dạy ngôn ngữ thứ hai để chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ. (ii) Giáo viên biết xây dựng kế hoạch bài học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đưa ra giải pháp giáo dục, điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với trẻ để trẻ thấy tự tin, thoải mái, thích đến lớp. (iii) Giáo viên có kĩ năng và phương pháp phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ trong việc chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe, tinh thần của trẻ khi đến lớp. (iv) Giáo viên có khả năng xây dựng môi trường học tập thân thiện giúp trẻ khám phá và tương tác với giáo viên, bạn bè; sử dụng phương pháp dạy học tích cực giúp trẻ được trải nghiệm trong việc học và hình thành các kĩ năng học tập cần thiết.

02 Yêu cầu đối với trẻ em gồm: (i) Về tâm thế học tập: Trẻ luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi được đến trường, thích đi học; tự lập, biết tự phục vụ bản thân như: tự phục vụ trong bữa ăn (đối với trẻ tham gia bán trú); tự vệ sinh cá nhân; tự chuẩn bị trang phục, sách vở, tài liệu học tập trước khi đi học.Trẻ tự tin và chủ động thực hiện những nhiệm vụ được giao; hứng thú, tham gia tích cực các hoạt động của trường, lớp; mạnh dạn giao tiếp và có ứng xử phù hợp với những người xung quanh. (ii) Về kết quả học tập:

Trẻ được hình thành các kĩ năng học tập cơ bản như sử dụng đồ dùng học tập; làm việc theo cặp đôi, theo nhóm; nhận nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ và tự trình bày kết quả với thầy cô, bạn bè. Trẻ được hình thành và phát triển năng lực về nghe, nói, đọc, viết ở mức độ ban đầu; được phát triển năng lực giao tiếp tiếng Việt và kĩ năng ứng xử trong môi trường mới.

Trách nhiệm của gia đình trong công tác phối hợp với Nhà trường và xã hội. Thông tư quy định gia đình có trách nhiệm: (i)  Cho trẻ đi học đúng độ tuổi, ra lớp chuyên cần, tạo điều kiện, khuyến khích trẻ đi học đầy đủ, đúng giờ. Theo dõi sự thay đổi về tinh thần, sức khỏe của trẻ trong những ngày đầu đi học lớp Một. (ii)  Chuẩn bị trang phục sạch sẽ, đồ dùng học tập đầy đủ cho trẻ trước khi đến lớp; chuẩn bị góc học tập có đủ bàn ghế, ánh sáng và sắp xếp gọn gàng, trang trí đẹp mắt để tạo hứng thú học tập; hướng dẫn trẻ khi tự học, tự phục vụ ở nhà. (iii) Không gây áp lực về thành tích học tập đối với trẻ. Giải tỏa tâm lí và tinh thần cho trẻ bằng cách lôi cuốn trẻ vào các hoạt động thư giãn khác như: làm việc nhà, thể dục nhẹ nhàng, tham gia các hoạt động vui chơi, nghệ thuật... (iv) Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt ở gia đình: nói chuyện với trẻ bằng tiếng Việt, dùng ngôn ngữ phổ thông trong giao tiếp với người khác khi có mặt trẻ. (v) Triển khai hoạt động nhóm cha mẹ/người giám hộ cùng chia sẻ kiến thức kinh nghiệm phối hợp với nhà trường về nuôi dạy trẻ. Tham gia cùng trẻ vào những hoạt động hỗ trợ học tập theo hướng dẫn của giáo viên.

Căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định về nhân sự, kinh phí để thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một tại địa phương theo thẩm quyền quy định. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một trên địa bàn; bố trí nhân sự, đảm bảo cơ sở vật chất, nguồn lực, kinh phí để chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một theo thẩm quyền quy định.

Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 23/01/2024./.

Tải về

Lan Hương
Tin khác
1 2 3