Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Quy định về dữ liệu cá nhân, chủ thể dữ liệu cá nhân; quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân
Lượt xem: 10

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân số: 91/2025/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 26/6/2025. Luật gồm 5 Chương và 39 Điều quy định về dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật này áp dụng đối với: Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Dữ liệu cá nhân, chủ thể dữ liệu cá nhân; quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân được quy định cụ thể tại các khoản 1, 5 Điều 2 và Điều 4 Chương I của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó:

Dữ liệu cá nhân là dữ liệu số hoặc thông tin dưới dạng khác xác định hoặc giúp xác định một con người cụ thể, bao gồm: dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Dữ liệu cá nhân sau khi khử nhận dạng không còn là dữ liệu cá nhân.

Chủ thể dữ liệu cá nhân là người được dữ liệu cá nhân phản ánh.

Quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân

Quyền của chủ thể dữ liệu cá nhân bao gồm:

Được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân;

Đồng ý hoặc không đồng ý, yêu cầu rút lại sự đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân;

Xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân;

Yêu cầu cung cấp, xóa, hạn chế xử lý dữ liệu cá nhân; gửi yêu cầu phản đối xử lý dữ liệu cá nhân;

Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân bao gồm:

Tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình;

Tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người khác;

Cung cấp đầy đủ, chính xác dữ liệu cá nhân của mình theo quy định của pháp luật, theo hợp đồng hoặc khi đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình;

Chấp hành pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tham gia phòng, chống hoạt động xâm phạm dữ liệu cá nhân.

Chủ thể dữ liệu cá nhân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sau đây:

Thực hiện theo quy định của pháp luật; tuân thủ nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân theo hợp đồng. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân phải nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính chủ thể dữ liệu cá nhân đó;

Không được gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý của bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân;

Không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, không được gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

Khi nhận được yêu cầu của chủ thể dữ liệu cá nhân để thực hiện quyền của chủ thể dữ liệu cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này, bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải kịp thời thực hiện trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân  có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026./.

Trần Lan Hương
Tin khác
1 2 3 4 5  ...