Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự
Đây là Nghị định số 200/2025/NĐ-CP ngày 09/7/2025 của Chính phủ. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự, bao gồm: Thông tin về sự cố, thảm họa; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự; lực lượng phòng thủ dân sự; công trình phòng thủ dân sự; ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; thống kê, đánh giá thiệt hại; huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ; quỹ phòng thủ dân sự; nội dung chi ngân sách cho hoạt động phòng thủ dân sự; chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự. Nghị định được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân là công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, đang cư trú, hoạt động hoặc tham gia phòng thủ dân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Một số quy định của Nghị định cụ thể như sau:
1. Số điện thoại tiếp nhận thông tin và nội dung thông tin về sự cố, thảm họa
Số điện thoại 112 tiếp nhận nội dung thông tin về sự cố, thiên tai, thảm họa, những nguy cơ xảy ra, yêu cầu trợ giúp của tổ chức, cá nhân. Tổng đài 112 được đặt tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh (gọi chung là Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh).
Hệ thống Tổng đài 112 tiếp nhận thông tin từ:
Tổ chức, cá nhân;
Hệ thống Tổng đài 113, 114, 115;
Hệ thống thông tin liên lạc khác phục vụ trong lĩnh vực phòng thủ dân sự.
Nội dung tiếp nhận thông tin
Tên cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin;
Thời gian, địa điểm xảy ra sự cố, thảm họa; diễn biến, phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng; những yêu cầu trợ giúp và thông tin cần thiết khác phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Hoạt động của hệ thống Tổng đài 112
Hệ thống Tổng đài 112 liên thông với các Tổng đài 113, 114, 115;
Hệ thống Tổng đài 112 hoạt động 24 giờ tất cả các ngày;
Miễn phí cước gọi từ thuê bao điện thoại cố định, di động vào số điện thoại 112;
Hệ thống Tổng đài 112 lưu trữ tất cả các cuộc gọi đến để phục vụ công tác kiểm tra, nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự.
2. Lực lượng phòng thủ dân sự chuyên trách
Bộ Quốc phòng
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn đường không, đường biển; lực lượng ứng phó, khắc phục sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân; lực lượng ứng phó sập đổ công trình; lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu; lực lượng ứng phó sự cố, thảm họa khác theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các cấp.
Bộ Xây dựng
Lực lượng chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Lực lượng chuyên ngành về: Khí tượng, thủy văn; biến đổi khí hậu; tai biến địa chất.
Lực lượng y tế thuộc bộ, ngành, địa phương.
Lực lượng chuyên ngành ứng phó sự cố tràn dầu thuộc Tập đoàn công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam.
Lực lượng chuyên ngành cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý để tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự chuyên trách bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
3. Lực lượng phòng thủ dân sự kiêm nhiệm
Bộ Quốc phòng
Lực lượng thuộc các đơn vị quân đội đóng quân độc lập từ cấp đại đội và tương đương trở lên.
Bộ Công an
Lực lượng Công an phòng, chống tội phạm về môi trường, quản lý hành chính về trật tự xã hội, giao thông, an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cảnh sát cơ động, Công an xã và các lực lượng khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Lực lượng quản lý đê điều; lực lượng kiểm lâm; lực lượng làm nhiệm vụ kiểm dịch động, thực vật; lực lượng kiểm ngư.
Các bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang bộ
Lực lượng tự vệ thuộc các cơ quan, tổ chức và lực lượng kiêm nhiệm khác.
Các địa phương
Lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng; lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở;
Lực lượng thuộc các trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn do địa phương thành lập.
3. Công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng
Công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng là công trình do Nhà nước đầu tư, quản lý và sử dụng vào mục đích phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, gồm:
Công trình dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động khi có sự cố, thảm họa;
Công trình khí tượng thủy văn;
Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền;
Hạ tầng phòng cháy, chữa cháy;
Công trình trú ẩn cho Nhân dân;
Hệ thống các kho dự trữ quốc gia;
Công trình huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự;
Đường cứu nạn.
Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang bộ và cấp tỉnh rà soát, tổng hợp danh mục các công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc lĩnh vực quản lý, báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
4. Nguyên tắc thống kê, đánh giá thiệt hại
Việc thống kê, đánh giá thiệt hại thực hiện theo quy định của pháp luật thống kê và pháp luật chuyên ngành.
Thống kê, đánh giá thiệt hại phải được thực hiện kịp thời, liên tục, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự.
Bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, phản ánh đúng thực tế về mức độ thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra.
Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự.
5. Huy động, vận động đóng góp tự nguyện
Việc huy động, vận động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân cho công tác phòng thủ dân sự được thực hiện dưới các hình thức: Đóng góp vào quỹ xã hội, quỹ từ thiện; tham gia vận động đóng góp tự nguyện theo quy định của pháp luật và hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra.
Việc huy động, vận động đóng góp tự nguyện nguồn lực quốc tế để cứu trợ, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa thực hiện theo điều ước quốc tế có liên quan và quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai; quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam và quy định của pháp luật có liên quan.
6. Phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ
Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định sử dụng nguồn lực để ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Trường hợp thiệt hại lớn, vượt quá khả năng cân đối nguồn lực của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn lực. Đối với nguồn dự phòng ngân sách trung ương thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Ngân sách nhà nước; đối với nguồn vốn khác, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật liên quan
Căn cứ quyết định cứu trợ, hỗ trợ nguồn lực để khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của Ủy ban nhân dân cấp trên, chậm nhất 20 ngày kể từ ngày có quyết định cứu trợ, hỗ trợ, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp dưới tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp phân bổ để triển khai thực hiện; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp trên. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia trước ngày 20 tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự địa phương các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét thu hồi, điều chuyển nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ và xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích, đối tượng hoặc để chậm trễ, gây lãng phí, kém hiệu quả.
7. Trách nhiệm, thẩm quyền phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ đề xuất của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cùng cấp quyết định sử dụng ngân sách địa phương, quỹ phòng thủ dân sự và các nguồn lực hợp pháp khác để cứu trợ, hỗ trợ, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.
Bộ trưởng, Trưởng ngành trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ căn cứ đề xuất của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự để bố trí, phân bổ nguồn lực trong phạm vi chức năng, quyền hạn để khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa thuộc phạm vi quản lý và cứu trợ, hỗ trợ các địa phương theo thẩm quyền; trường hợp quá khả năng, báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia để tổng hợp, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
8. Chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự được quy định cụ thể tại Chương IX của Nghị định này.
9. Trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang bộ và địa phương
Các bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang bộ theo lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công về lĩnh vực phòng thủ dân sự, chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia chỉ đạo hoạt động phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước.
Các bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang bộ thực hiện việc tổ chức lại Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; thực hiện tuyên truyền về phòng thủ dân sự theo lĩnh vực quản lý.
Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc tổ chức lại Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; chỉ định tổ chức, cán bộ thuộc quyền chủ trì tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự theo từng lĩnh vực quản lý được phân công; thực hiện tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện phòng thủ dân sự theo phạm vi quản lý.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính thành lập bộ máy quản lý Quỹ và ban hành Quy chế hoạt động của Quỹ Phòng thủ dân sự cấp tỉnh.
Nghị định số 200/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/8/2025.
Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành./.
Tải về