Chính phủ quy định chi tiết về cách viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 17/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 187/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2025/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) và Nghị định số 79/2025/NĐ-CP (về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, xử lý văn bản quy phạm pháp luật).
Một điểm mới đáng chú ý tại Nghị định này là việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 68 của Nghị định số 78/2025/NĐ-CP, nhằm chuẩn hóa việc viện dẫn văn bản trong dự thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, chính xác và dễ tra cứu trong toàn hệ thống pháp luật.
Cụ thể, nội dung khoản 1 Điều 68 được sửa đổi như sau:
1. Việc viện dẫn văn bản được thực hiện như sau:
a) Đối với văn bản được viện dẫn là luật, pháp lệnh, khi viện dẫn lần đầu, phải ghi đầy đủ tên văn bản và số, ký hiệu của văn bản. Trường hợp văn bản đã được sửa đổi, bổ sung thì ghi thêm sau tên văn bản, số, ký hiệu cụm từ “được sửa đổi, bổ sung bởi” và ghi tên loại văn bản, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung. Từ lần sửa đổi, bổ sung thứ hai trở đi, chỉ cần ghi tên loại văn bản, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung.
Khi viện dẫn lần tiếp theo, chỉ cần ghi tên loại văn bản, số, ký hiệu; nếu văn bản đã được sửa đổi, bổ sung thì tiếp tục ghi thêm cụm từ “được sửa đổi, bổ sung bởi” và tên loại văn bản, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung.
b) Đối với văn bản khác, khi viện dẫn lần đầu, phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, số, ký hiệu và tên gọi của văn bản. Trường hợp đã được sửa đổi, bổ sung thì ghi thêm cụm từ “được sửa đổi, bổ sung bởi” kèm theo tên loại văn bản, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung. Từ lần sửa đổi, bổ sung thứ hai trở đi, chỉ cần ghi tên loại văn bản, số, ký hiệu.
Khi viện dẫn lần tiếp theo, chỉ cần ghi tên loại văn bản, số, ký hiệu; nếu văn bản đã được sửa đổi, bổ sung thì tiếp tục ghi thêm cụm từ “được sửa đổi, bổ sung bởi” và tên loại văn bản, số, ký hiệu tương ứng.
Việc sửa đổi quy định về cách viện dẫn văn bản nhằm bảo đảm sự rõ ràng, thống nhất và thuận tiện trong quá trình trích dẫn pháp lý, đặc biệt là trong quá trình xây dựng, thẩm định, thẩm tra và ban hành văn bản quy phạm pháp luật các cấp.
Nghị định số 187/2025/NĐ-CP là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy cách trình bày và viện dẫn, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất và khả thi trong thực tiễn thi hành.