Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố môi trường
Đây là Thông tư số 41/2025/TT-BNNMT ngày 14/7/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Thông tư này hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố môi trường theo pháp luật về bảo vệ môi trường. Thông tư được áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố môi trường. Một số quy định của Thông tư cụ thể như sau:
1. Nguyên tắc phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải
Khuyến khích áp dụng công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Tăng cường phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh để giảm thiểu chất thải phải xử lý.
Hạng mục, công trình lưu giữ, xử lý chất thải bảo đảm tính bền vững, an toàn trong quá trình vận hành.
Ưu tiên cao nhất việc cứu nạn, sơ tán người ra khỏi khu vực xảy ra sự cố chất thải.
Thực hiện các biện pháp cô lập, ngăn chặn phát tán chất thải ra môi trường xung quanh.
2. Nhận diện, xác định phương tiện, hạng mục, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải
Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại.
Khu vực, kho lưu giữ chất thải (chất thải rắn, lỏng).
Hồ chứa nước thải, hồ chứa bùn thải; hồ chứa hoặc bãi chứa chất thải (chất thải rắn, lỏng) từ khai thác quặng, tuyển làm giàu quặng (sau đây gọi là hồ chứa chất thải).
Bãi chôn lấp chất thải (chất thải rắn).
Hệ thống xử lý nước thải, khí thải thuộc trường hợp cấp giấy phép môi trường theo quy định, không bao gồm hồ chứa nước thải, hồ chứa bùn thải quy định tại khoản 3 Điều này.
Hệ thống xử lý chất thải thuộc trường hợp cấp giấy phép môi trường theo quy định nhưng chưa được quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.
3. Dự báo nguyên nhân gây ra sự cố chất thải
Nguyên nhân chủ quan:
Phân loại chất thải không đúng quy định; vận hành phương tiện vận chuyển, hạng mục, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải không đúng quy trình, kỹ thuật theo thiết kế;
Thực hiện chưa đầy đủ công tác bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn, giám sát đối với phương tiện vận chuyển, hạng mục, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải;
Nguyên nhân chủ quan khác.
Nguyên nhân khách quan:
Do thiên tai làm phát tán, tràn đổ chất thải ra môi trường;
Nguyên nhân khách quan khác.
4. Dự báo chất ô nhiễm, chất thải rò rỉ, tràn đổ, phát tán ra môi trường khi xảy ra sự cố chất thải
Chất ô nhiễm (thông số ô nhiễm), nồng độ của chất ô nhiễm (không áp dụng đối với chất thải y tế lây nhiễm) phát tán vào môi trường khi xảy ra sự cố chất thải đối với trường hợp chất thải là nước thải, khí thải.
Loại, khối lượng chất thải rò rỉ, tràn đổ, phát tán ra môi trường khi xảy ra sự cố chất thải đối với trường hợp chất thải là chất thải rắn, lỏng.
Thành phần, tính chất của chất thải rò rỉ, tràn đổ, phát tán ra môi trường khi xảy ra sự cố chất thải đối với trường hợp chất thải là chất thải rắn, lỏng.
Dự báo khác (nếu có).
5. Các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và tổ chức ứng phó sự cố chất thải được quy định cụ thể tại các mục: 2,3 Chương II của Thông tư.
6. Quy định chung về phục hồi môi trường sau sự cố môi trường
Chất thải phát sinh từ quá trình xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường phải được phân định, phân loại, thu gom, xử lý theo đúng quy định.
Phục hồi môi trường sau sự cố môi trường phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh theo quy định tại khoản 5 Điều 126 Luật Bảo vệ môi trường.
Ưu tiên phục hồi các thành phần môi trường sau sự cố môi trường bằng các giải pháp, kỹ thuật, công nghệ thân thiện môi trường.
7. Kỹ thuật phục hồi môi trường sau sự cố môi trường
Căn cứ tính chất, đặc điểm của khu vực ô nhiễm môi trường do sự cố chất thải, việc phục hồi môi trường có thể được thực hiện theo cách tiếp cận phục hồi cho từng thành phần môi trường bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường, cụ thể như sau:
Phục hồi môi trường không khí;
Phục hồi môi trường nước mặt;
Phục hồi môi trường nước dưới đất;
Phục hồi môi trường đất.
Căn cứ thành phần môi trường bị ô nhiễm do sự cố chất thải để lựa chọn phương pháp, kỹ thuật sau đây:
Phương pháp vật lý, cơ học;
Phương pháp nhiệt;
Phương pháp hóa học;
Phương pháp sinh học (thiếu khí, hiếu khí, kỵ khí);
Phương pháp khác.
Một số phương pháp phục hồi môi trường sau sự cố môi trường phổ biến được mô tả trong Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
Chủ dự án đầu tư, cơ sở gây ra sự cố chất thải và các cơ quan liên quan lựa chọn, xác định các giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường trong kế hoạch phục hồi môi trường. Ưu tiên các giải pháp công nghệ thân thiện môi trường theo hướng kinh tế tuần hoàn nhằm tái sử dụng chất thải và giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình phục hồi.
Thông tư số 41/2025/TT-BNNMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2025./.
Tải về