Chính phủ ban hành Nghị quyết mới tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch phân khu trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính
Ngày 18/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 661/2025/NQ-CP nhằm xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc lập mới, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch phân khu đối với khu vực hình thành đô thị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp.
Gỡ “nút thắt” quy hoạch trong quá trình sắp xếp hành chính
Theo Nghị quyết, quy định mới sẽ được áp dụng đối với các khu vực dự kiến hình thành đô thị có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng quy mô dân số dự báo trong 10 năm tới như sau:
Từ 45.000 người trở lên đối với các thành phố trực thuộc trung ương;
Từ 15.000 người trở lên đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới được hình thành sau sắp xếp;
Từ 21.000 người trở lên đối với các tỉnh còn lại.
Quy hoạch phân khu có thể lập đồng thời với quy hoạch tỉnh
Nghị quyết nêu rõ, việc lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu có thể thực hiện đồng thời với quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung đô thị, và được phê duyệt trước các quy hoạch này để bảo đảm tính chủ động và thống nhất.
Sau khi được phê duyệt, quy hoạch phân khu sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong phát triển không gian đô thị và kết cấu hạ tầng.
Yêu cầu chặt chẽ về nội dung và trình tự thực hiện
Quy hoạch phân khu phải xác định rõ ranh giới, quy mô diện tích, tính chất, chức năng và vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, cũng như khả năng kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, phải tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị và pháp luật liên quan.
Thẩm quyền và trình tự thực hiện được giao rõ ràng cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho cơ quan trực thuộc lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch phân khu;
Cơ quan chuyên môn về quy hoạch đô thị và nông thôn cấp tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định;
UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở báo cáo thẩm định;
Trong một số trường hợp đặc biệt, UBND tỉnh phải báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi phê duyệt, ví dụ như khi quy hoạch làm thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh hoặc dân số dự báo thấp hơn quy định tại Điều 1 Nghị quyết.
Thời hạn và hiệu lực áp dụng
Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ban hành (18/7/2025) đến hết ngày 28/02/2027. Trong thời gian này, nếu các văn bản pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực trước ngày 01/3/2027, thì những quy định liên quan trong Nghị quyết này sẽ chấm dứt hiệu lực tương ứng.
Trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của Nghị quyết này với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện quản lý nhà nước thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này./.