Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.
Lượt xem: 67

Đây là Nghị định số 66/2025/NĐ-CP ngày 12/3/2025 của Chính phủ. Nghị định này quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách, bao gồm: đối tượng áp dụng, điều kiện, nguyên tắc, mức hưởng chính sách, quy trình xét duyệt hưởng chính sách, cấp phát gạo và kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh trường dự bị đại học, học viên cơ sở giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Nghị định được áp dụng đối với đối tượng trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên bao gồm (Trẻ em nhà trẻ bán trú học tại cơ sở giáo dục mầm non; (ii) Học sinh bán trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông; Học viên bán trú học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; Học sinh dân tộc nội trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Trường Hữu nghị 80, Trường Hữu nghị T78; Học sinh dự bị đại học học tại trường dự bị đại học, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc). Đối tượng cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh được hưởng chính sách bao gồm (Cơ sở giáo dục mầm non công lập có tổ chức ăn, ngủ trưa cho trẻ em nhà trẻ bán trú; Trường phổ thông dân tộc bán trú, cơ sở giáo dục phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú; Trường phổ thông dân tộc nội trú, cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, Trường Hữu nghị 80, Trường Hữu nghị T78, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc được hưởng chính sách tại Nghị định này đối với đối tượng học sinh dân tộc nội trú, dự bị đại học). Một số quy định của Nghị định cụ thể như sau:

1. Điều kiện được hưởng chính sách trẻ em nhà trẻ bán trú, học sinh bán trú, học viên bán trú

(i) Trẻ em nhà trẻ bán trú phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

Trẻ em nhà trẻ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo;

Trẻ em nhà trẻ người dân tộc thiểu số thường trú tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang học tại cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc một trong các trường hợp sau:

Trẻ em thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ;

Trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Trẻ em là con liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh, con đối tượng chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có);

Trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

(ii) Học sinh bán trú phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

Học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông (hoặc điểm trường) thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, nhà ở xa trường từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở, hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn phải qua biển, hồ, sông, suối, qua đèo, núi cao, qua vùng sạt lở đất, đá, thuộc một trong các trường hợp sau:

Bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn;

Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Học sinh trung học phổ thông đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông, nhà ở xa trường từ 10 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn phải qua biển, hồ, sông, suối, qua đèo, núi cao, qua vùng sạt lở đất, đá, thuộc một trong các trường hợp sau:

Người dân tộc thiểu số mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn;

Người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn;

Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(iii) Học viên bán trú đang học tại cơ sở giáo dục thường xuyên mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn, nhà ở xa nơi học tập từ 7 km trở lên đối với học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, 10 km trở lên đối với học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông; hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn phải qua biển, hồ, sông, suối, qua đèo, núi cao, qua vùng sạt lở đất, đá thuộc một trong các trường hợp sau:

Là người dân tộc thiểu số;

Là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ.

2. Nguyên tắc hưởng chính sách

(i) Trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên thuộc đối tượng áp dụng chính sách quy định tại Nghị định này, đồng thời thuộc đối tượng áp dụng của chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó.

(ii) Học sinh, học viên là đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội, học bổng khuyến khích học tập thì vẫn được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này.

(iii) Học sinh, học viên nếu bị lưu ban thì năm học lưu ban đầu tiên vẫn được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này. Trường hợp học sinh, học viên phải tạm dừng học do ốm đau, tai nạn hoặc vì lí do bất khả kháng không do kỷ luật hoặc tự thôi học thì vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị định này trong thời gian tạm dừng học.

3. Mức hưởng chính sách đối với trẻ em nhà trẻ bán trú, học sinh bán trú, học viên bán trú, học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học

(i) Chính sách đối với trẻ em nhà trẻ bán trú

Hỗ trợ tiền ăn trưa: Mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ mỗi tháng là 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

(ii) Chính sách đối với học sinh bán trú và học viên bán trú

Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng là 936.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

Hỗ trợ tiền nhà ở: Mỗi học sinh bán trú, học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường hoặc học sinh lớp 1, lớp 2, học sinh khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc thì mỗi tháng được hỗ trợ 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

Học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số có học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 thì được hưởng thêm 01 tháng các chính sách quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này.

(iii) Chính sách đối với học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học

Học bổng chính sách: Quy định tại Điều 9 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục;

Khen thưởng: Trong năm học, học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” được thưởng 800.000 đồng/học sinh; học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Giỏi” được thưởng 600.000 đồng/học sinh;

Trang cấp đồ dùng cá nhân và học phẩm

Học sinh dân tộc nội trú ở mỗi cấp học và học sinh dự bị đại học được cấp một lần bằng hiện vật: Chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh;

Mỗi năm học, học sinh được cấp 02 bộ quần áo đồng phục và học phẩm gồm: Vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh;

Tiền tàu xe: Học sinh dân tộc nội trú được cấp tiền tàu xe 02 lần vào dịp tết nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng (trường hợp địa bàn không có phương tiện giao thông công cộng thì được tính theo quãng đường và giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn tương đồng khác của tỉnh). Học sinh dự bị đại học và học sinh dân tộc nội trú cuối cấp chỉ được cấp tiền tàu xe một lần vào dịp tết nguyên đán (cả lượt đi và lượt về);

Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

4. Mức hưởng chính sách đối với cơ sở giáo dục

(i) Cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em nhà trẻ bán trú được hưởng các chính sách sau:

Được hỗ trợ tiền để mua giấy, truyện tranh, sáp màu, bút chì, đồ chơi và các đồ dùng, học liệu học tập khác; chăn, màn và các đồ dùng cá nhân cho trẻ em nhà trẻ bán trú với mức kinh phí là 1.350.000 đồng/trẻ em nhà trẻ bán trú/năm học;

Được hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của trẻ em nhà trẻ bán trú với định mức là 5KW điện/tháng/trẻ em nhà trẻ bán trú và 1mnước/tháng/trẻ em nhà trẻ bán trú theo giá quy định tại địa phương và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Nơi chưa có điều kiện cung cấp các dịch vụ điện, nước hoặc bị mất điện, nước thì nhà trường được sử dụng kinh phí để mua thiết bị thắp sáng và nước sạch cho trẻ em;

Được hỗ trợ kinh phí để thực hiện quản lý buổi trưa đối với nhóm trẻ em nhà trẻ: Mỗi nhóm 15 trẻ em từ 03 đến 12 tháng tuổi, trong đó ít nhất có 04 trẻ em nhà trẻ bán trú thì được hưởng 01 định mức; mỗi nhóm 20 trẻ em từ 13 đến 24 tháng tuổi, trong đó ít nhất có 06 trẻ em nhà trẻ bán trú thì được hưởng 01 định mức; mỗi nhóm 25 trẻ em từ 25 đến 36 tháng tuổi, trong đó ít nhất có 08 trẻ em nhà trẻ bán trú thì được hưởng 01 định mức là 700.000 đồng/tháng/nhóm trẻ em nhà trẻ và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Số dư từ 50% trở lên so với số trẻ em nhà trẻ và số trẻ em nhà trẻ bán trú của mỗi nhóm thì được tính 01 định mức.

(ii) Trường phổ thông dân tộc bán trú được hưởng các chính sách sau:

Được đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị theo quy định của Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

Được hỗ trợ kinh phí để mua sắm, bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình và các vật dụng khác phục vụ sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ là 180.000 đồng/học sinh bán trú/năm học;

Được hỗ trợ kinh phí để tổ chức khám sức khỏe hằng năm cho học sinh bán trú, lập tủ thuốc dùng chung cho học sinh, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp sơ cứu ban đầu với mức hỗ trợ là 180.000 đồng/học sinh bán trú/năm học;

Được hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh bán trú ăn ở tại trường với định mức là 15KW điện/tháng/học sinh bán trú và 3m3 nước/tháng/học sinh bán trú theo giá quy định tại địa phương và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Nơi chưa có điều kiện cung cấp các dịch vụ điện, nước hoặc bị mất điện, nước thì nhà trường được sử dụng kinh phí để mua thiết bị thắp sáng và nước sạch cho học sinh;

Được hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú ăn, ở tại trường như sau: cứ 45 học sinh bán trú thì được hưởng 01 định mức hỗ trợ là 4.738.500 đồng/tháng, số dư từ 20 học sinh bán trú trở lên được tính 01 định mức. Trường hợp có số lượng dưới 45 học sinh bán trú thì được tính 01 định mức. Thời gian được hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học;

Được hỗ trợ kinh phí thực hiện quản lý học sinh bán trú ngoài giờ lên lớp như sau: cứ 45 học sinh bán trú thì được hưởng 01 định mức hỗ trợ là 2.050.000 đồng/tháng, số dư từ 20 học sinh bán trú trở lên được tính 01 định mức. Trường hợp có số lượng dưới 45 học sinh bán trú thì được tính 01 định mức. Thời gian được hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học.

(iii) Cơ sở giáo dục phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú (không bao gồm trường phổ thông dân tộc bán trú) được hưởng các chính sách sau:

Được hỗ trợ các chính sách quy định tại các điểm b, c, đ khoản 2 Điều này;

Được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ học tập, ăn ở, sinh hoạt cho học sinh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này tùy theo số lượng học sinh bán trú và nguồn kinh phí hiện có;

Được hỗ trợ tiền điện, nước và kinh phí thực hiện quản lý học sinh quy định tại các điểm d, e khoản 2 Điều này.

(iv) Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học được hưởng các chính sách sau:

Được đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

Được cấp kinh phí để tổ chức hoạt động giáo dục đặc thù, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và mua sắm, bổ sung dụng cụ, thiết bị phục vụ cho các hoạt động của học sinh với mức hỗ trợ bằng 5% quỹ học bổng của học sinh;

Được cấp kinh phí để tổ chức khám sức khỏe hằng năm cho học sinh, lập tủ thuốc dùng chung cho khu nội trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp sơ cứu ban đầu với mức là 270.000 đồng/học sinh/năm học; mua bảo hiểm y tế cho học sinh theo quy định;

Được cấp kinh phí để tổ chức tết nguyên đán, tết dân tộc (nếu có) cho học sinh ở lại trường không về nhà với định mức là 180.000 đồng/học sinh/lần ở lại trường;

Được cấp kinh phí để mua sắm, bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn, nhà bếp là 180.000 đồng/học sinh/năm học;

Được cấp kinh phí mua sách giáo khoa để mỗi học sinh được mượn một bộ sách giáo khoa theo lớp học. Hằng năm, trường được mua bổ sung số sách giáo khoa không quá 10% số sách giáo khoa tại thư viện của nhà trường;

Được hỗ trợ kinh phí làm thẻ học sinh và phù hiệu cá nhân, công tác tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp, thi cuối khóa với định mức là 180.000 đồng /học sinh/năm học;

Được hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh với mức định mức là 25KW điện/tháng/học sinh và 4m3 nước/tháng/học sinh theo giá quy định tại địa phương và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

Được hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học như sau: cứ 45 học sinh thì được hưởng 01 định mức hỗ trợ là 4.738.500 đồng/tháng, số dư từ 20 học sinh trở lên được tính 01 định mức. Thời gian hỗ trợ và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

Được hỗ trợ kinh phí thực hiện quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp như sau: cứ 45 học sinh thì được hưởng 01 định mức hỗ trợ là 2.050.000 đồng/tháng, số dư từ 20 học sinh trở lên được tính 01 định mức. Thời gian hỗ trợ và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

Cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú (không bao gồm trường phổ thông dân tộc nội trú) được hưởng các chính sách quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k khoản 4 Điều này tính theo số lượng học sinh dân tộc nội trú và được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ học tập, ăn ở, sinh hoạt cho học sinh dân tộc nội trú theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này tùy theo nguồn kinh phí hiện có.

5. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh)

(i) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Các chính sách tại Nghị định này được quy định ở mức tối thiểu. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể ban hành thêm chính sách hỗ trợ cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên và cơ sở giáo dục ngoài các chính sách quy định tại Nghị định này.

(ii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách theo quy định tại Nghị định này, trong đó có hướng dẫn việc lựa chọn phương án tổ chức nấu ăn và sử dụng kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú, học sinh dân tộc nội trú phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng thụ hưởng để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện và thực hiện chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của Chính phủ;

Bảo đảm kinh phí thực hiện chính sách theo quy định tại Nghị định này;

Ban hành văn bản để quy định:

Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 của Nghị định này và điều kiện thực tế của địa phương để quy định cụ thể địa bàn làm căn cứ xác định học sinh, học viên không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, trong đó quy định khoảng cách, địa bàn có địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn phải qua biển, hồ, sông, suối, qua đèo, núi cao, qua vùng sạt lở đất, đá để xác định học sinh, học viên được hưởng chính sách hỗ trợ;

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 của Nghị định này để quy định cụ thể danh mục trang cấp đồ dùng cá nhân, học phẩm cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú phù hợp đặc thù của mỗi vùng, miền, từng cấp học và chương trình giáo dục phổ thông hiện hành;

Xây dựng dự toán ngân sách hằng năm, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để quyết định các giải pháp bảo đảm cân đối nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách tại địa phương; tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với quá trình chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán trực thuộc theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn hiện hành;

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, xây dựng thêm chính sách hỗ trợ cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên và cơ sở giáo dục ngoài các chính sách quy định tại Nghị định này, trong đó có nội dung, mức hỗ trợ cho học sinh dân tộc nội trú, học sinh bán trú, học viên bán trú năm cuối cấp trung học phổ thông và cơ sở giáo dục để ôn thi tốt nghiệp, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Nghị định số 66/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2025 và thay thế Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.

Các chính sách quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT được thực hiện đến hết năm 2024. Chính sách quy định tại Nghị định này được thực hiện từ năm 2025./.

Tải về

Trần Lan Hương
Tin khác
1 2 3 4 5