Quy định mới về thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương
20/07/2025
Lượt xem: 16
Ngày 17/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 187/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2025/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) và Nghị định số 79/2025/NĐ-CP (về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, xử lý văn bản quy phạm pháp luật).
Một nội dung mới đáng chú ý được quy định tại Nghị định này là việc bổ sung Mục 6 vào sau Mục 5 Chương IV của Nghị định 78, nhằm thiết lập trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trình tự, thủ tục rút gọn trong ban hành nghị quyết của HĐND các cấp
Theo quy định tại Điều 59a, việc đề nghị và quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn có thể được thực hiện trước hoặc trong quá trình soạn thảo nghị quyết. Hồ sơ gửi thẩm định hoặc thẩm tra được yêu cầu đầy đủ các tài liệu liên quan như tờ trình, dự thảo văn bản, bản so sánh nội dung, báo cáo thẩm định và báo cáo tiếp thu, giải trình.
Thời hạn thẩm định hoặc thẩm tra được rút ngắn rõ rệt, cụ thể là 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, hoặc không quá 15 ngày đối với các dự thảo có nội dung phức tạp, liên ngành.
Việc xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết theo thủ tục rút gọn được thực hiện theo điểm d khoản 7 Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với yêu cầu hồ sơ chặt chẽ, đầy đủ.
Trình tự, thủ tục rút gọn trong ban hành quyết định của UBND, Chủ tịch UBND
Tương tự, Điều 59b quy định thủ tục rút gọn trong việc ban hành quyết định của UBND các cấp và của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Nội dung này kế thừa các quy trình từ Điều 59a, đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ động của cơ quan chủ trì trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định.
Thẩm định dự thảo quyết định cũng được rút ngắn thời gian tối đa, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản trong các tình huống cần thiết, phù hợp với yêu cầu cấp bách về chính sách, quản lý nhà nước tại địa phương.
Nghị định số 187/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và là căn cứ pháp lý quan trọng để các địa phương chủ động trong việc đề xuất, triển khai các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.
Hà Phương