Quy định về thiết lập, vận hành Hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước
Đây là Thông tư số 12/2025/TT-BKHCN ngày 11/7/2025 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Thông tư này quy định về việc thiết lập, vận hành Hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước theo khoản 4 Điều 18 Nghị định số 137/2024/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. Đối tượng áp dụng của Thông tư là cơ quan hành chính nhà nước (bao gồm Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cung cấp giải pháp, xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng, vận hành các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, hoặc các hệ thống thông tin khác kết nối với Hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu để phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Theo đó:
Hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (viết tắt là Hệ thống DTM) là một thành phần mở rộng của Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước, nhằm phục vụ hoạt động tổng hợp, phân tích, đánh giá, thu thập thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, đảm bảo tính kịp thời, chính xác, an toàn và hiệu quả.
Hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử theo từng lĩnh vực, địa bàn (viết tắt là Hệ thống QLNN lĩnh vực, địa bàn) là một thành phần của hệ thống thông tin báo cáo, hoặc hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, hoặc hệ thống thông tin, nền tảng số của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thiết lập để thu thập, lưu trữ, xử lý và tổng hợp dữ liệu nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Việc thiết lập Hệ thống DTM bảo đảm thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ (trước đây là Bộ Thông tin và Truyền thông) theo Điều 48 và Điều 50 Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 ngày 22 tháng 6 năm 2023.
Hệ thống DTM bảo đảm các yêu cầu sau:
Tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam.
Kết nối, thu thập dữ liệu từ các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử và các Hệ thống QLNN lĩnh vực, địa bàn theo một trong hai phương thức: (i) kết nối trực tuyến, tự động hoặc (ii) nhập trên Hệ thống DTM theo chế độ báo cáo.
Hệ thống DTM phải đáp ứng các yêu cầu chức năng tối thiểu sau:
Chức năng tiếp nhận dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, hỗ trợ các phương thức và định dạng tiếp nhận đa dạng theo quy định, bảo đảm khả năng mở rộng, tích hợp với các hệ thống khác và tương tác qua chuẩn mở
Chức năng xử lý, phân loại, tổng hợp, làm giàu, phân tích dữ liệu; hỗ trợ khai phá dữ liệu lớn (big data), trực quan hóa kết quả nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, đánh giá và ra quyết định.
Chức năng quản lý lược đồ dữ liệu (schema) và metadata: Cho phép định nghĩa, công bố, kiểm soát lược đồ dữ liệu, metadata kèm theo; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc (data lineage) và chuẩn hóa dữ liệu phục vụ liên thông, chia sẻ.
Chức năng lập báo cáo, thống kê linh hoạt, hỗ trợ truy xuất theo thời gian thực hoặc định kỳ theo yêu cầu quản lý.
Chức năng kiểm thử, giám sát hiệu năng tự động: Hệ thống tự động kiểm tra các chỉ số tải trang, thời gian phản hồi, truy cập đồng thời, cảnh báo sớm khi có dấu hiệu bất thường hoặc vượt ngưỡng quy định.
Chức năng quản trị hệ thống toàn diện, bao gồm quản lý người dùng, phân quyền truy cập, cấu hình tự động, đối soát dữ liệu, sao lưu và phục hồi dữ liệu, hỗ trợ mô hình phân cụm, cân bằng tải và phục hồi sau thảm họa.
Chức năng đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, mã hóa dữ liệu (truyền và lưu trữ), xác thực đa yếu tố (MFA), quản lý chứng thư số, kiểm thử bảo mật định kỳ, ghi nhận và giám sát các sự kiện an toàn thông tin.
Chức năng ghi nhật ký hệ thống, theo dõi, giám sát và lưu trữ toàn bộ hoạt động truy cập, thao tác dữ liệu, thay đổi cấu hình để phục vụ kiểm toán, thanh tra, kiểm tra và đảm bảo trách nhiệm giải trình; nhật ký phải không thể chỉnh sửa và được lưu trữ tối thiểu 1 năm hoặc theo quy định pháp luật.
Chức năng kiểm toán và minh bạch: Cung cấp công cụ, báo cáo kiểm toán tự động về truy cập, thay đổi, chia sẻ dữ liệu, giúp tăng minh bạch và phục vụ công tác thanh tra, điều tra sự cố.
Chức năng chia sẻ dữ liệu chuẩn hóa, liên thông với các hệ thống thông tin khác của bộ, ngành, địa phương, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo mật, quản trị dữ liệu, và hỗ trợ truy cập, khai thác linh hoạt trên nhiều nền tảng (bao gồm cả di động và thiết bị hỗ trợ người khuyết tật).
Hệ thống phải bảo đảm hiệu năng tải trang phù hợp với trải nghiệm của người sử dụng, bao gồm: thời gian hiển thị nội dung đầu tiên, thời gian hiển thị nội dung tối đa, thời gian tải nội dung, thời gian đáp ứng. Các chỉ tiêu chi tiết được quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư.
Hệ thống phải bảo đảm hiệu năng xử lý tổng thể bao gồm: thời gian phản hồi trung bình, thời gian phản hồi tối đa, khả năng đáp ứng số lượng truy cập đồng thời và số người dùng hoạt động đồng thời. Các yêu cầu chi tiết được nêu tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư.
Hệ thống DTM tuân thủ, áp dụng đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Hệ thống DTM phải được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng định kỳ, đột xuất theo quy định và trước khi được đưa vào vận hành, khai thác theo quy định của pháp luật.
Quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước được quy định cụ thể tại Chương III của Thông tư này.
Thông tư số 12/2025/TT-BKHCN có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2026./.
Tải về