Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp dành cho người khuyết tật
Quy chế tổ chức và hoạt động của trường lớp dành cho người khuyết tật được ban hành kèm theo Thông tư số 27/2024/TT-BGDĐT ngày 16/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Quy chế quy định về tổ chức và hoạt động của trường, lớp dành cho người khuyết tật, bao gồm: quy định chung; tổ chức bộ máy, nhân sự; hoạt động giáo dục; tài chính và tài sản; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được áp dụng đối với trường, lớp dành cho người khuyết tật (Trường giáo dục chuyên biệt, Lớp giáo dục chuyên biệt) và tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó:
Trường giáo dục chuyên biệt là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, dành cho đối tượng học sinh khuyết tật cần các yêu cầu giáo dục đặc biệt theo phương thức giáo dục chuyên biệt với mục tiêu bảo đảm quyền được tham gia giáo dục, mở ra cơ hội học tập và học tập suốt đời đối với học sinh khuyết tật; Trường giáo dục chuyên biệt có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; Trường giáo dục chuyên biệt được thành lập mới hoặc được tổ chức lại và hoạt động sau khi Thông tư này có hiệu lực do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Trường giáo dục chuyên biệt bao gồm hai loại hình: công lập và tư thục.
Lớp giáo dục chuyên biệt là lớp học của học sinh khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục chuyên biệt được tổ chức cùng với các lớp học sinh khác trong trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là trường có Lớp giáo dục chuyên biệt).
Trường giáo dục chuyên biệt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định đối với cơ sở giáo dục cùng cấp học, loại hình; các quy định tại Quy chế này; ngoài ra thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác như sau: (i) Xây dựng kế hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phối hợp tổ chức hoạt động can thiệp về y tế, phục hồi chức năng cho học sinh khuyết tật; (ii) Thực hiện nhiệm vụ về giáo dục học sinh khuyết tật: can thiệp giáo dục sớm, hỗ trợ giáo dục hòa nhập khi được cấp có thẩm quyền giao. Các hoạt động này thực hiện theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Cơ quan có thẩm quyền khi giao nhiệm vụ cần bảo đảm các điều kiện để Trường giáo dục chuyên biệt triển khai; (iii) Được hợp tác với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với học sinh khuyết tật theo quy định; (iv) Được tiếp nhận khoản viện trợ phục vụ công tác giáo dục học sinh khuyết tật theo quy định; (v) Được tổ chức bán trú, nội trú phục vụ học sinh khuyết tật nếu đủ điều kiện.
Trường có Lớp giáo dục chuyên biệt ngoài quyền hạn, nhiệm vụ của một cơ sở giáo dục theo quy định, trường có Lớp giáo dục chuyên biệt thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác như sau: (i) Xây dựng kế hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phối hợp tổ chức hoạt động can thiệp về y tế, phục hồi chức năng cho học sinh khuyết tật; (ii) Được hợp tác với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện hoạt động giáo dục đối với học sinh khuyết tật theo quy định; (iii) Được tiếp nhận các khoản viện trợ phục vụ hoạt động giáo dục học sinh khuyết tật theo quy định; (iv) Được tổ chức bán trú phục vụ học sinh khuyết tật nếu đủ điều kiện.
Trường giáo dục chuyên biệt, trường có Lớp giáo dục chuyên biệt có trách nhiệm duy trì điều kiện về bảo đảm chất lượng giáo dục theo quy định, trong đó thực hiện các hoạt động cụ thể sau: (i) Xây dựng kế hoạch bảo đảm chất lượng, mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn và năm học, công khai đến thành viên trong nhà trường và các bên liên quan để thực hiện và giám sát việc thực hiện. (ii) Tổ chức rà soát, tự đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật và kết quả triển khai thực hiện kế hoạch giai đoạn, kế hoạch năm học. Duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng, có kế hoạch cải tiến để nâng cao chất lượng giáo dục. (iii) Báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp để được hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: (i) Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc tổ chức và hoạt động của các Trường giáo dục chuyên biệt, trường có Lớp giáo dục chuyên biệt trên địa bàn. (ii) Phê duyệt đề án vị trí việc làm, bố trí biên chế và kinh phí để tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, viên chức đối với vị trí việc làm khác, lao động hợp đồng; đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với học sinh khuyết tật cho các Trường giáo dục chuyên biệt công lập, trường có Lớp giáo dục chuyên biệt công lập phục vụ cho công tác dạy học, giáo dục đối với học sinh khuyết tật. (iii) Phê duyệt danh mục thiết bị dạy học đặc thù sử dụng cho các Trường giáo dục chuyên biệt, trường có Lớp giáo dục chuyên biệt phù hợp với điều kiện của địa phương để đầu tư, trang bị cho các Trường giáo dục chuyên biệt, Lớp giáo dục chuyên biệt. (iv) Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế trong việc triển khai các chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ về y tế và phục hồi chức năng nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đối với học sinh khuyết tật của các Trường giáo dục chuyên biệt, Lớp giáo dục chuyên biệt trên địa bàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm: (i) Quản lý, chỉ đạo hoạt động của Trường giáo dục chuyên biệt trên địa bàn. (ii) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Trường giáo dục chuyên biệt, trường có Lớp giáo dục chuyên biệt trên địa bàn; kịp thời chấn chỉnh, xử lý khi có vi phạm. (iii) Công khai danh sách Trường giáo dục chuyên biệt, trường có Lớp giáo dục chuyên biệt trên địa bàn: thời gian thành lập, địa điểm được cấp phép hoạt động trên cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo để học sinh và xã hội tham gia giám sát. (iv) Định kỳ hằng năm, phê duyệt kế hoạch của Trường giáo dục chuyên biệt, Lớp giáo dục chuyên biệt theo thẩm quyền; kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của Trường giáo dục chuyên biệt, Lớp giáo dục chuyên biệt trên địa bàn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.
Thông tư số 27/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025./.
Tải về