Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
Lượt xem: 63

Đây là Nghị định số 174/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 của Chính phủ. Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Nghị định được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm quy định tại Nghị định này. Tổ chức bao gồm (Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (sau đây gọi tắt là chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam);  Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, văn phòng đại diện của doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, văn phòng đại diện của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, văn phòng đại diện của tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam); Tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm; Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;  Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức khác có tư cách pháp nhân); các tổ chức khác có liên quan quy định tại Nghị định này. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và cơ quan tổ chức, cá nhân khác có liên quan quy định tại Nghị định này. Một số quy định của Nghị định cụ thể như sau:

1. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả

(i) Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

(ii)  Cảnh cáo áp dụng đối với cá nhân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này.

(iii)  Mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức:

Mức xử phạt bằng tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức xử phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại Điều 9, Điều 10, khoản 2 Điều 11, Điều 12, Điều 14, khoản 2 Điều 15, Điều 16, khoản 2 Điều 18, Điều 20, Điều 21, khoản 2 Điều 22, Điều 24, Điều 25, điểm b, điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 27, Điều 28, Điều 33, khoản 1 Điều 38, Điều 40 của Nghị định này chỉ áp dụng để xử phạt đối với tổ chức;

Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm;

Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức tối đa là 200.000.000 đồng.

(iv) Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Buộc thực hiện công bố hoặc công bố đúng quy định hoặc thông báo hoặc buộc cải chính thông tin;

Buộc chuyên gia tính toán thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định pháp luật; buộc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô sử dụng chuyên gia tính toán thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định pháp luật;

Buộc cung cấp cho bên mua bảo hiểm các tài liệu trong quá trình giao kết của các hợp đồng bảo hiểm chưa hết thời hạn hợp đồng tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;

Buộc giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm chưa hết thời hạn hợp đồng tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;

Buộc cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm chưa hết thời hạn hợp đồng tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;

Buộc thông báo cho Bộ Tài chính về việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng;

Buộc thực hiện đúng quy định pháp luật;

Buộc dừng sử dụng người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm;

Buộc nộp lại Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép đặt Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam;

Buộc hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt.

2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

(i) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

(ii) Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được quy định như sau:

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;

Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm.

(iii) Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là ngày thực hiện đúng các quy định pháp luật trừ các trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều này. Trường hợp không xác định được ngày thực hiện đúng các quy định pháp luật thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là ngày phát hiện hành vi vi phạm.

(iv) Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt đối với một số hành vi vi phạm tại Chương II Nghị định này được quy định như sau:

Đối với hành vi gian lận các tài liệu đối với hồ sơ đã được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tại Điều 6 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày phát hiện hồ sơ đã được cấp phép bị gian lận;

Đối với hành vi không ban hành quy trình, quy chế, không phê duyệt chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, không xây dựng các chính sách quản trị rủi ro, quy định nội bộ về quản trị rủi ro quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9, điểm a khoản 1 Điều 13, điểm b khoản 1 Điều 33 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày thực hiện ban hành quy trình, quy chế, phê duyệt chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, xây dựng các chính sách quản trị rủi ro, quy trình nội bộ về quản trị rủi ro theo quy định của pháp luật;

Đối với hành vi vi phạm quy định về chế độ báo cáo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 12, điểm b khoản 1 Điều 20, điểm b khoản 2 Điều 32, điểm d khoản 1 Điều 33, điểm b khoản 1 Điều 34, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm d khoản 1 Điều 36, Điều 37 và Điều 39 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày thực hiện báo cáo đúng theo quy định của pháp luật;

Đối với hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin quy định tại Điều 39 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày thực hiện công khai hoặc công khai đúng nội dung, hình thức theo quy định.

3. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền và thời hạn đình chỉ trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; vi phạm hành chính nhiều lần

(i) Khi xác định mức phạt tiền hoặc thời hạn đình chỉ đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

(ii) Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm áp dụng như sau:

Nếu không có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng thì áp dụng mức trung bình của khung tiền phạt;

Trường hợp có 01 tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình giữa mức trung bình và mức tối thiểu của khung tiền phạt;

Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt;

Trường hợp có 01 tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức trung bình giữa mức trung bình và mức tối đa của khung tiền phạt;

Trường hợp có 02 tình tiết tăng nặng trở lên thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

(iii) Thời hạn đình chỉ cụ thể đối với hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động có thời hạn:

Nếu không có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng thì áp dụng thời hạn đình chỉ trung bình của khung xử phạt;

Trường hợp có 01 tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng thời hạn đình chỉ trung bình giữa mức trung bình và mức tối thiểu của khung xử phạt;

Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng thời hạn đình chỉ tối thiểu của khung xử phạt;

Trường hợp có 01 tình tiết tăng nặng thì áp dụng thời hạn đình chỉ trung bình giữa mức trung bình và mức tối đa của khung xử phạt;

Trường hợp có 02 tình tiết tăng nặng trở lên thì áp dụng thời hạn đình chỉ tối đa của khung xử phạt.

(iv) Vi phạm hành chính nhiều lần:

Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ các hành vi vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 13, khoản 2 Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, khoản 3 Điều 20, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 27, khoản 3 Điều 30, Điều 31 Nghị định này.

4. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phù hợp với hoạt động môi giới bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 137 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

5. Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về môi giới bảo hiểm

(i) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Không thoả thuận bằng văn bản với khách hàng khi thực hiện cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm hoặc có thỏa thuận bằng văn bản nhưng thỏa thuận không nêu rõ nội dung hoạt động môi giới bảo hiểm, thời hạn thỏa thuận, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo quy định của pháp luật;

Ngăn cản bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; khuyến mại dưới hình thức hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm; xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực để mua hợp đồng bảo hiểm mới, quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 3 Điều 137 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15;

Không bảo mật thông tin do khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam cung cấp, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 137 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15;

Không bồi thường thiệt hại cho khách hàng do hoạt động môi giới bảo hiểm gây ra theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 137 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15;

Không công khai thông tin cho khách hàng các nội dung theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 137 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

(ii) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài với các điều kiện, điều khoản kém cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khác nhằm thu được hoa hồng môi giới bảo hiểm cao hơn, quy định tại điểm d khoản 3 Điều 137 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15;

Cung cấp cho khách hàng thông tin sai lệch, không phù hợp nội dung điều kiện, điều khoản bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 137 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

(iii) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, quy định tại khoản 2 Điều 138 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

(iv) Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với nghiệp vụ bảo hiểm liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm một trong các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

(v) Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện đúng quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này;

Buộc doanh nghiệp môi giới bảo hiểm dừng sử dụng người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

6. Thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

(i) Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính có quyền:

Phạt cảnh cáo;

Phạt tiền đến 500.000 đồng;

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều 3 của Nghị định này.

(ii) Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính có quyền:

Phạt cảnh cáo;

Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều 3 của Nghị định này.

(iii) Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có quyền:

Phạt cảnh cáo;

Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều 3 của Nghị định này,

(iv) Giám đốc Công an tỉnh có quyền:

Phạt cảnh cáo;

Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều 3 của Nghị định này.

(v) Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có quyền:

Phạt cảnh cáo;

Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều 3 của Nghị định này.

(vi) Thanh tra viên ngân hàng có quyền:

Phạt cảnh cáo;

Phạt tiền đến 500.000 đồng;

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều 3 của Nghị định này.

(vii) Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền:

Phạt cảnh cáo;

Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều 3 của Nghị định này.

(viii) Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định này:

Phạt cảnh cáo;

Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều 3 của Nghị định này.

Nghị định số 174/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2025.

Bãi bỏ các nội dung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm quy định từ Điều 1 đến Điều 33 Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 của Chính phủ, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP ngày 01/11/2019 của Chính phủ và Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ.

Điểm a khoản 1 Điều 28, khoản 1, điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 32 của Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2027.

Điểm d khoản 1 Điều 28, điểm đ khoản 3 Điều 31, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37 của Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2028./.

Tải về

Trần Lan Hương
Tin khác
1 2