Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực liên quan đến hoạt động mua bán điện và tình huống bảo đảm cung cấp điện
Đây là Nghị định số 18/2025/NĐ-CP ngày 08/02/2025 của Chính phủ. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực, bao gồm: Khoản 6 Điều 44 về biện pháp bảo đảm, chất lượng điện năng của Bên mua điện trong Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích ngoài sinh hoạt; điều kiện giao kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt; Khoản 7 Điều 48 về ghi chỉ số đo điện năng; Khoản 5 Điều 53 về các tình huống cấp bách đe dọa nghiêm trọng đến khả năng bảo đảm cung cấp điện. Nghị định được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực, sử dụng điện tại Việt Nam. Một số quy định của Nghị định như sau:
Bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện
(i) Bên mua điện là khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên theo đăng ký tại hợp đồng mua bán điện có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực. Trường hợp sản lượng điện tiêu thụ bình quân đăng ký tại hợp đồng mua bán điện thấp hơn mức này, nhưng sản lượng điện tiêu thụ thực tế bình quân 12 tháng gần nhất từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên, bên mua điện có trách nhiệm phối hợp với bên bán điện sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện đã ký để bổ sung nội dung về bảo đảm thực hiện hợp đồng và thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng sửa đổi, bổ sung có hiệu lực. Hằng năm, bên bán điện và bên mua điện thỏa thuận giá trị thực hiện bảo đảm hợp đồng phù hợp với sản lượng điện bình quân sử dụng thực tế trong 12 tháng trước liền kề.
(ii) Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng do các bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận trong phạm vi dải giá trị từ 10 đến 15 ngày tiền điện, được tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ bình quân tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện hoặc sản lượng điện tiêu thụ thực tế bình quân 12 tháng gần nhất và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng.
(iii) Biện pháp, hình thức, hiệu lực bảo đảm, quyền và nghĩa vụ trong việc bảo đảm hợp đồng do các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng mua bán điện; khuyến khích việc thực hiện biện pháp bảo lãnh qua ngân hàng.
(iv) Quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện không áp dụng đối với trường khách hàng sử dụng điện với mục đích cấp điện cho trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Trách nhiệm bảo đảm chất lượng điện năng của bên mua điện ngoài mục đích sinh hoạt
(i) Bên mua điện có trách nhiệm bảo đảm các thiết bị sử dụng điện của mình đáp ứng yêu cầu về chất lượng điện năng theo quy chuẩn về kỹ thuật điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
(ii) Bên mua điện để sản xuất, kinh doanh có trạm điện riêng hoặc có công suất sử dụng cực đại từ 40 kW trở lên trong 3 chu kỳ ghi chỉ số đo điện năng liên tiếp có trách nhiệm:
Đăng ký biểu đồ phụ tải và đặc tính kỹ thuật công nghệ của thiết bị sử dụng điện với bên bán điện;
Đảm bảo hệ số cosφ ≥ 0,9 tại điểm đặt thiết bị đo đếm điện trong điều kiện hệ thống điện đảm bảo chất lượng điện năng theo Quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trường hợp hệ số cosφ < 0,9, bên mua điện phải mua thêm công suất phản kháng trên hệ thống điện của bên bán điện theo quy định tại Điều 5 Nghị định này;
Đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về sóng hài, dao động điện áp, nhấp nháy điện áp theo Quy định về hệ thống truyền tải điện, phân phối điện và đo đếm điện năng do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
(iii) Trường hợp bên mua điện có khả năng phát công suất phản kháng lên hệ thống điện và bên bán điện có nhu cầu mua công suất phản kháng, hai bên có thể thỏa thuận việc mua, bán công suất phản kháng thông qua hợp đồng.
(iv) Trường hợp bên mua điện có yêu cầu chất lượng điện năng cao hơn quy định của Bộ Công Thương, bên mua điện và bên bán điện có thể thỏa thuận và quy định cụ thể về yêu cầu chất lượng điện năng trong hợp đồng mua bán điện.
Điều kiện giao kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt
(i) Tổ chức, cá nhân khi đề nghị giao kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải bảo đảm các điều kiện sau:
Chủ thể đề nghị giao kết hợp đồng của bên mua điện là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của bên mua điện thực hiện giao kết hợp đồng;
Chủ thể đề nghị giao kết hợp đồng của bên bán điện là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của đơn vị bán lẻ điện đáp ứng nhu cầu của Bên mua điện thực hiện giao kết hợp đồng;
Chủ thể tham gia đề nghị giao kết hợp đồng bảo đảm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của người mất năng lực hành vi dân sự là chủ thể tham gia đề nghị giao kết hợp đồng;
Trường hợp bên mua điện gồm nhiều hộ sử dụng điện chung giao kết 01 hợp đồng thì chủ thể giao kết hợp đồng của Bên mua điện là đại diện số hộ dùng chung ký hợp đồng và có văn bản ủy quyền của các hộ dùng chung khác. Tại hợp đồng phải ghi rõ số hộ dùng chung (có danh sách kèm theo) và giá bán điện được áp dụng theo quy định của pháp luật về điện lực. Việc ủy quyền thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự;
Trường hợp bên mua điện là người thuê nhà để ở thì chủ thể giao kết hợp đồng của bên mua điện là chủ sở hữu nhà ở hoặc người thuê nhà được chủ sở hữu nhà ở ủy quyền bằng văn bản. Trong đó, chủ sở hữu nhà ở có cam kết thanh toán tiền điện trong trường hợp người thuê nhà được ủy quyền chủ thể giao kết hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền điện;
Tại một địa điểm đăng ký mua điện, bên mua điện là một hộ gia đình thì chỉ được giao kết 01 hợp đồng.
(ii) Bên mua điện lập hồ sơ đề nghị giao kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt bằng văn bản giấy hoặc hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản theo quy định của pháp luật, gửi 01 bộ hồ sơ tới bên bán điện trong trường hợp bằng văn bản giấy. Hồ sơ đề nghị giao kết hợp đồng mua bán điện bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây:
Đề nghị giao kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt;
Số định danh cá nhân của người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của bên mua điện do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập. Trong trường hợp không tra cứu được trên Cơ sở dữ liệu quốc gia thì sử dụng bản sao của thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú của người đại diện bên mua điện có thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện hoặc một trong số các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở; giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); quyết định phần nhà; hợp đồng mua bán nhà; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng địa điểm mua điện có thời hạn từ 01 năm trở lên để đăng ký mua điện.
(iii) Bên bán điện phải thực hiện giao kết hợp đồng và cấp điện cho bên mua điện trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày các bên đáp ứng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Nghị định số 18/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các quy định về hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt quy định tại Điều 11 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP và quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện, chất lượng điện năng, ghi chỉ số công tơ điện quy định tại Điều 12, Điều 15 và Điều 17 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Đối với các hợp đồng mua bán điện đã được ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện theo hợp đồng đã được ký kết. Đối với những khách hàng đã thực hiện bảo đảm hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này thì có quyền đề nghị bên bán điện sửa đổi hợp đồng mua bán điện theo quy định tại Nghị định này./.
Tải về