Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chính phủ ban hành Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
Lượt xem: 39

Ngày 09/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định này quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, bao gồm: Dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; Thông tin trên mạng; Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; Giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Nghị định được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Một số quy định của Nghị định cụ thể như sau:

1. Điều kiện hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng

(i) Đại lý Internet được phép hoạt động khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Đăng ký kinh doanh đại lý Internet;

Ký hợp đồng đại lý Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet;

Trường hợp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định này.

Chủ điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp không phải đăng ký kinh doanh đại lý Internet và ký hợp đồng đại lý Internet. Trường hợp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định này.

(ii)Chủ điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và các điểm công cộng khác khi cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng trong phạm vi các địa điểm này:

Không phải đăng ký kinh doanh đại lý Internet và ký hợp đồng đại lý Internet nếu không thu cước;

Phải đăng ký kinh doanh đại lý Internet và ký hợp đồng đại lý Internet nếu có thu cước.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định các biện pháp về thời gian hoạt động của các đại lý Internet và điểm truy nhập Internet công cộng không cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên địa bàn.

2. Trách nhiệm của chủ điểm truy nhập Internet công cộng

(i) Đại lý Internet có trách nhiệm sau đây:

Thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối tại địa điểm được quyền sử dụng để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng dịch vụ tại địa điểm đó;

Treo biển “Đại lý Internet” trên đó bao gồm thông tin về số đăng ký kinh doanh đại lý Internet. Trường hợp Đại lý Internet đồng thời là điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng thì treo biển theo quy định tại Điều 63 Nghị định này;

Niêm yết công khai nội quy sử dụng dịch vụ Internet ở nơi dễ nhận biết, bao gồm các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 9 Luật Viễn thông, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;

Cung cấp dịch vụ truy nhập Internet theo chất lượng và giá cước trong hợp đồng đại lý Internet;

Trường hợp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, đại lý Internet còn có trách nhiệm của chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng theo quy định tại Điều 68 Nghị định này;

Không được tổ chức hoặc cho phép người sử dụng Internet sử dụng các tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 9 Luật Viễn thông;

Được yêu cầu doanh nghiệp ký hợp đồng đại lý Internet với mình hướng dẫn, cung cấp thông tin về dịch vụ truy nhập Internet và chịu sự kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp Internet đó;

Được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về Internet do cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tổ chức trên địa bàn;

Thực hiện quy định về bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin mạng;

Đại lý Internet không cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tuân thủ thời gian hoạt động theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đại lý Internet có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tuân thủ thời gian hoạt động theo quy định tại khoản 8 Điều 68 Nghị định này.

(ii) Chủ điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

Treo biển “Điểm truy nhập Internet công cộng”, trên đó bao gồm thông tin về tên doanh nghiệp và số giấy phép cung cấp dịch vụ Internet của doanh nghiệp; trường hợp điểm truy nhập Internet công cộng đồng thời là điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng thì treo biển theo quy định tương ứng tại điểm b khoản 2 Điều 62 Nghị định này;

Trách nhiệm quy định tại các điểm a, điểm c, điểm đ, điểm e, điểm h, điểm i khoản 1 Điều 6;

Điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp không cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tuân thủ thời gian hoạt động theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tuân thủ thời gian hoạt động theo quy định tại khoản 8 Điều 68 Nghị định này.

(iii) Chủ điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và các điểm công cộng khác khi cung cấp dịch vụ truy nhập Internet có thu cước có trách nhiệm sau đây:

Tuân thủ giờ mở, đóng cửa của địa điểm;

Trách nhiệm quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 1 Điều này.

(iv) Chủ điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và các điểm công cộng khác khi cung cấp dịch vụ truy nhập Internet không thu cước có trách nhiệm sau đây:

Tuân thủ giờ mở cửa, đóng cửa theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định này;

Trách nhiệm quy định tại điểm a, điểm c, điểm e, điểm h, điểm i khoản 1 Điều này.

3. Trách nhiệm của người sử dụng Internet

Người sử dụng Internet có trách nhiệm sau đây:

(i) Tuân thủ thời gian hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng.

(ii) Tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin mạng và các quy định khác có liên quan tại Nghị định này.

4. Phân loại trang thông tin điện tử

Trang thông tin điện tử được phân loại như sau:

(i) Báo điện tử và tạp chí điện tử.

(ii) Trang thông tin điện tử tổng hợp.

(iii) Trang thông tin điện tử nội bộ.

(iv) Trang thông tin điện tử cá nhân.

(v) Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành.

(vi) Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ mạng xã hội theo quy định tại Nghị định này.

(vii) Trang thông tin điện tử cung cấp thông tin dưới hình thức Cổng thông tin điện tử.

5. Nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng

(i) Việc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng dưới hình thức báo điện tử, xuất bản điện tử và quảng cáo trên mạng phải tuân theo các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, quảng cáo và sở hữu trí tuệ.

(ii) Việc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng dưới hình thức mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp phải tuân theo quy định tại Mục 2 Chương III và các quy định có liên quan tại Nghị định này và các quy định có liên quan về báo chí.

(iii) Việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động phải tuân theo quy định tại Chương IV, các quy định có liên quan tại Nghị định này và quy định của pháp luật về viễn thông.

(iv) Việc quản lý, cung cấp, sử dụng nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành phải tuân theo quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định có liên quan của Nghị định này.

(v) Việc quản lý, cung cấp và sử dụng nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tin điện tử nội bộ phải tuân theo các quy định về đăng ký và sử dụng tài nguyên Internet và các quy định có liên quan tại Nghị định này.

(vi) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về các thông tin mà mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp hoặc phát tán trên mạng.

(vii) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng không được tiết lộ thông tin của người sử dụng dịch vụ trừ các trường hợp sau đây:

Người sử dụng dịch vụ đồng ý cung cấp thông tin;

Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

(viii) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi lưu trữ, truyền đưa trên mạng thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm mã hóa thông tin theo quy định của pháp luật.

6. Phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi

Trò chơi điện tử trên mạng được phân loại theo các độ tuổi như sau:

(i) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 18 tuổi trở lên (ký hiệu là 18+) là trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại khiêu dâm; đối với trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu thì có sử dụng hình ảnh vũ khí cận cảnh, nhân vật mô phỏng người thật;

(ii) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 16 tuổi trở lên (ký hiệu là 16+) là trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người; đối với trò chơi có hoạt động đối kháng, thì không có hình ảnh, hoạt động thể hiện tính chất bạo lực;

(iii) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 12 tuổi trở lên (ký hiệu là 12+) là trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người; đối với trò chơi có hoạt động đối kháng thì chỉ sử dụng các nhân vật hoạt họa mô phỏng hoặc không mô phỏng người thật hoặc chỉ sử dụng các trang thiết bị, phương tiện chiến đấu mà không có sự hiện diện của nhân vật mô phỏng người thật trong quá trình chơi, có sử dụng vũ khí dưới hình ảnh hoạt họa và hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu;

(iv) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi mọi lứa tuổi (ký hiệu 00+) là trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hoạt động, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, hình ảnh nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

7. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có trách nhiệm sau:

(i) Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để phục vụ thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của người chơi đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định;

(ii) Có trang thông tin điện tử giới thiệu, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng và hiển thị đầy đủ các thông tin sau:

Phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi đối với từng trò chơi;

Quy tắc của từng trò chơi (bao gồm cả việc thu tiền của người chơi);

Các quy định quản lý nội dung, thông tin, quản lý hoạt động của trò chơi;

Các quy tắc về giải quyết khiếu nại, tranh chấp quyền lợi phát sinh giữa người chơi và doanh nghiệp, giữa người chơi với người chơi;

Hiển thị thông tin của doanh nghiệp gồm: Tên doanh nghiệp; địa chỉ văn phòng giao dịch; số điện thoại liên hệ; số Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận/Quyết định phát hành; đoạn mã được liên kết đến mục số liệu cấp phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

Khi cung cấp trò chơi trên kho ứng dụng, phần mô tả thông tin của trò chơi trên kho ứng dụng phải thể hiện số Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận/Quyết định phát hành; ngày, tháng, năm cấp; đoạn mã được liên kết đến mục số liệu cấp phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

(iii) Áp dụng các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của trò chơi do doanh nghiệp cung cấp, bao gồm:

Nội dung quảng cáo, giới thiệu về trò chơi (trên chương trình quảng cáo, trên trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng trên mạng của doanh nghiệp) phải đúng với nội dung, kịch bản, âm thanh, hình ảnh trong trò chơi đã được cấp phép, tuân thủ các quy định về quảng cáo và phải bao gồm các thông tin sau: Tên trò chơi; phân loại trò chơi theo độ tuổi; khuyến cáo về những tác động ngoài mong muốn về thể chất, tinh thần có thể xảy ra đối với người chơi;

Thực hiện việc đăng ký, lưu trữ, xác thực và quản lý nội dung, thông tin của người chơi theo quy định của pháp luật, đảm bảo chỉ những người chơi đã cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Nghị định này mới được tham gia chơi trò chơi; cung cấp trò chơi có nội dung phù hợp với lứa tuổi; cảnh báo mức độ ảnh hưởng của việc chơi quá thời gian/ngày và áp dụng biện pháp giới hạn giờ chơi đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; bảo đảm người sử dụng dịch vụ có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được sử dụng thông tin của mình cho mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

(iv) Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người chơi theo đúng quy tắc của trò chơi đã công bố; chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin; có bộ phận để tiếp nhận và giải quyết khiếu nại và các tranh chấp phát sinh giữa người chơi và doanh nghiệp, giữa người chơi với người chơi.

(v) Tuân thủ quy định về vật phẩm ảo, điểm thưởng, đơn vị ảo theo quy định tại Điều 57 Nghị định này.

(vi) Trường hợp ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải: Thông báo trên trang thông tin điện tử cung cấp trò chơi tối thiểu 90 ngày trước ngày dự kiến ngừng cung cấp dịch vụ (trừ trường hợp phải dừng, đình chỉ hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền); có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của người chơi; báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền cấp phép về các nội dung này 15 ngày trước ngày chính thức ngừng cung cấp dịch vụ.

(vii) Triển khai các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý nội dung diễn đàn, nội dung chia sẻ, trao đổi giữa các người chơi theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định này.

(viii) Không được quảng cáo trò chơi điện tử trên mạng khi chưa được cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng hoặc cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng tại các diễn đàn, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và phương tiện thông tin đại chúng khác.

(ix) Nộp phí thẩm định trò chơi điện tử trên mạng theo quy định về phí và lệ phí.

(x) Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định này và gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động.

(xi) Chịu sự thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền.

(xii) Tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản có liên quan về quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin, bảo mật thông tin của người chơi; Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật; cung cấp thông tin của người chơi cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

(xiii) Tuân thủ quy định về việc phát hành và quản lý thẻ game theo quy định tại Điều 58 Nghị định này.

(xiv) Kết nối với các hình thức thanh toán hợp pháp để thu tiền người chơi, thanh toán cho trò chơi điện tử trên mạng do doanh nghiệp phát hành.

(xv) Triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.

8. Thông tin người chơi

(i) Khi đăng ký tài khoản sử dụng trò chơi điện tử trên mạng, người chơi phải cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin sau đây: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số điện thoại di động tại Việt Nam. Trường hợp người chơi dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát và quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập.

(ii) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải lưu giữ các thông tin của người chơi trong suốt quá trình người chơi sử dụng dịch vụ và trong 06 tháng sau khi người chơi ngừng sử dụng dịch vụ, bảo đảm người chơi có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được sử dụng thông tin của mình cho mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác; phải triển khai hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để xác thực thông tin của người chơi.

9. Điều kiện hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

(i) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

(ii) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng;

Có biển hiệu “Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” ghi rõ tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh. Trường hợp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đồng thời là đại lý Internet thì thêm nội dung “Đại lý Internet”. Trường hợp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đồng thời là điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp thì thêm nội dung “Điểm truy nhập Internet công cộng”;

Có thiết bị và nội quy phòng cháy, chữa cháy theo quy định về phòng, chống cháy, nổ của Bộ Công an.

(iii) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế và cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng áp dụng trên địa bàn;

Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã trong việc phổ biến pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn; chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị danh sách các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng được cấp và bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn, danh sách các trò chơi điện tử trên mạng đã được cấp Quyết định/Giấy xác nhận phát hành và danh sách các trò chơi điện tử trên mạng đã bị thu hồi hoặc dừng hoạt động; thông báo cho các chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn danh sách các trò chơi điện tử trên mạng đã được cấp Quyết định/Giấy xác nhận phát hành và danh sách các trò chơi điện tử trên mạng đã bị thu hồi hoặc dừng hoạt động và thực hiện báo cáo định kỳ chậm nhất ngày 20 tháng 11 hàng năm về Sở Thông tin và Truyền thông các nội dung theo Mẫu số 49 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) chậm nhất ngày 25 tháng 11 hàng năm.

Hình thức gửi báo cáo: Nộp trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Sở Thông tin và Truyền thông địa phương hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở Thông tin và Truyền thông

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

10. Trách nhiệm của chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

Chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng có trách nhiệm sau đây:

(i)  Được thiết lập hệ thống thiết bị để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tại địa điểm ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đã được cấp.

(ii) Được cung cấp dịch vụ truy nhập Internet sau khi đã ký hợp đồng đại lý Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet.

(iii) Được yêu cầu doanh nghiệp ký hợp đồng đại lý Internet với mình hướng dẫn, cung cấp thông tin về dịch vụ truy nhập Internet và chịu sự kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp đó.

(iv) Được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về Internet, trò chơi điện tử do các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức trên địa bàn.

(v) Có bảng niêm yết công khai nội quy sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử ở nơi mọi người dễ nhận biết, bao gồm các điều cấm quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng; Điều 7, Điều 69 Nghị định này.

(vi) Có bảng niêm yết danh sách cập nhật các trò chơi điện tử trên mạng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép phát hành tại điểm cung cấp dịch vụ kèm theo phân loại trò chơi theo độ tuổi (thông tin được cập nhật từ trên trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

(vii) Không được tổ chức hoặc cho phép người sử dụng Internet sử dụng các tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện các hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng.

(viii) Không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau.

(ix) Thực hiện quy định về bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

(x) Chịu sự thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.

11. Quyền và nghĩa vụ của người chơi

Người chơi có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

(i) Được chơi các trò chơi điện tử trên mạng đã được cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng, cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.

(ii) Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet quy định tại Điều 7 Nghị định này.

(iii) Được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử bảo đảm quyền lợi theo quy tắc của trò chơi điện tử và quy tắc giải quyết khiếu nại, tranh chấp được công bố trên trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.

(iv) Lựa chọn trò chơi điện tử phù hợp với độ tuổi của mình.

(v) Không được lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

(vi) Thực hiện việc đăng ký thông tin người chơi theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Nghị định này, đảm bảo các thông tin đăng ký là chính xác.

(vii) Chấp hành quy định về quản lý giờ chơi, quy định về thời gian hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 12 năm 2024. Nghị định này bãi bỏ các quy định sau:

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

Điều 2 Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông./.

Tải về

Trần Lan Hương