Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Kết quả triển khai thi hành Nghị định số 144/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 1181

Để kịp thời triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018) và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 336/KH-UBND ngày 26/12/2017 về việc triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo Sở Tư pháp, các cơ quan, ban ngành có liên quan chủ động trong chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Nghị định số 144/2017/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo nhân dân thông qua nhiều hình thức khác nhau thì UBND tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, ban ngành bảo đảm về biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại và kinh phí hoạt động cho Trung tâm trợ giúp pháp lý để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo Luật Trợ giúp pháp lý.

Qua quá trình triển khai thực hiện, tổ chức bộ máy của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã được kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối theo quy định tại Điều 48 Luật TGPL năm 2017 và Kế hoạch số 286/KH-UBND ngày 30/10/2020 của UBND tỉnh về việc sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ. Tổ chức bộ máy của Trung tâm trợ giúp pháp lý hiện có: Ban lãnh đạo (Giám đốc và 02 Phó giám đốc); 03 phòng (giảm 01 phòng) gồm: phòng Hành chính-tổng hợp, phòng nghiệp vụ 1, phòng nghiệp vụ 2 và 08 chi nhánh trực thuộc đặt tại 07 huyện và thị xã Sa Pa (giảm 01 chi nhánh tại địa bàn thành phố Lào Cai). Trung tâm có 19 trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) trên tổng số 32 viên chức (chiếm 59,3%) được phân bổ ở trung tâm và các chi nhánh trực thuộc, trong đó 03 TGVPL được bổ nhiệm trên 10 năm, 11 TGVPL được bổ nhiệm từ 05 - 10 năm, 05 TGVPL được bổ nhiệm dưới 05 năm. Hiện tại, Trung tâm có 06 viên chức đã hoàn thành khóa đào tạo nghề luật sư (trong đó, 02 viên chức đã trải qua thời gian tập sự trợ giúp viên pháp lý, đủ điều kiện tham gia đợt kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý năm 2023 theo văn bản của Bộ Tư pháp; 04 viên chức đang trong thời gian tập sự trợ giúp pháp lý) tạo nguồn bổ nhiệm TGVPL.

anh tin bai

Trợ giúp viên pháp lý tham gia phiên tòa xét xủ lưu động tại nhà văn hóa xã Lùng Vai, Mường Khương

Với cơ cấu tổ chức bộ máy như hiện nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, thực hiện có hiệu quả việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh và các hoạt động TGPL trong chương trình mục tiêu quốc gia. Các Chi nhánh đều được bố trí từ 01- 02 trợ giúp viên pháp lý thực hiện hoạt động TGPL tại chi nhánh. Việc duy trì và giữ nguyên mô hình hoạt động của các chi nhánh TGPL đặt tại các huyện, thị xã là cần thiết trong thời gian tới, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu về trợ giúp pháp lý của người dân, đặc biệt là người dân tại các địa bàn xa trung tâm, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và các yêu cầu tham gia tố tụng phát sinh, đặc biệt là địa bàn không có tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.

Từ ngày 01/01/2018 đến 15/9/2023, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã thực hiện tổng số 4.915 vụ việc cho 4.915 người được TGPL. Trong đó số vụ việc tham gia tố tụng là 2.455 vụ, số vụ việc tư vấn pháp luật là  2.453 vụ, số vụ đại diện ngoài tố tụng là 07 vụ. Trung tâm cũng tổ chức được 1.078 đợt truyền thông về TGPL tại cơ sở và thực hiện các nhiệm vụ phát sinh theo yêu cầu. Các vụ việc tham gia tố tụng chủ yếu do các TGVPL của Trung tâm và các chi nhánh thực hiện.

Sau gần 6 năm triển khai thi hành Luật TGPL và Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 ở địa phương, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của các cơ quan nhà nước đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cán bộ, nhân dân về hoạt động này đã thay đổi rõ rệt. Công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện các hoạt động TGPL ngày càng được tăng cường và chặt chẽ, góp phần bảo đảm quyền được TGPL của người thuộc diện TGPL trên địa bàn tỉnh.

Với đặc thù của tỉnh Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới, người dân tộc thiểu số chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh, có khoảng 70% người dân trên địa bàn thuộc diện trợ giúp pháp lý. Do đó, việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trên cơ sở quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn tại Nghị định 144/2017/NĐ-CP đã có những tác động tích cực tới đời sống xã hội, qua đó góp phần vào ổn định tình hình chính trị tại địa phương. Thông qua việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý đã góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân cho nhóm đối tượng yếu thế không có đủ điều kiện tiếp cận với các dịch vụ pháp lý có thu phí và những người thuộc diện chính sách cần được quan tâm giúp đỡ; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, giải toả vướng mắc pháp luật và giảm bớt khiếu kiện trong cộng đồng dân cư, từ đó họ có thể tự lựa chọn những hành vi xử sự đúng pháp luật.

Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện Luật TGPL và Nghị định số 144/2017/NĐ-CP còn nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được xem xét nghiên cứu sửa đổi bổ sung như trường hợp TGPL khi phải có điều kiện khó khăn về tài chính đối với một số nhóm đối tượng là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, người khuyết tật, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật phòng chống mua bán người quy định tại khoản 7 điều 7 Luật TGPL năm 2017; Về thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định 144/2017/NĐ-CP chưa quy định cho trợ giúp viên pháp lý được hưởng thù lao đối với vụ việc tư vấn pháp luật mặc dù trên thực tế có rất nhiều vụ việc tư vấn pháp luật phức tạp mất nhiều thời gian công sức và tư vấn pháp luật cũng là một trong ba hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Về chế độ chính sách đối với người thực hiện TGPL cần bổ sung thêm chế độ phụ cấp thâm niên để tạo thêm động lực cho các Trợ giúp viên yên tâm công tác và cống hiến lâu dài cho công tác trợ giúp pháp lý.Về hồ sơ, thủ tục chi trả thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý còn khá nhiều loại giấy tờ, biểu mẫu, mất nhiều thời gian hoàn thiện và cập nhật hồ sơ trên phần mềm quản lý vụ việc trợ giúp pháp lý nên chưa thu hút được đội ngũ luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Về quy định chưa cụ thể “bộ phận chuyên môn” thuộc trung tâm và thẩm quyền bổ nhiệm lãnh đạo các bộ phận chuyên môn thuộc cấp nào, do đó cũng rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Về điều kiện thành lập Chi nhánh Trợ giúp pháp lý còn bất cập trên thực tế có những huyện gần trung tâm nhưng các xã lại rất xa (có những xã đến gần 100 km), điều kiện giao thông đi lại khó khăn.

 Qua thực tiễn triển khai thực hiện cho thấy cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý theo hướng mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý đề nghị nghiên cứu bỏ điều kiện khó khăn về tài chính đối với 03 nhóm đối tượng là người khuyết tật, người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật phòng chống mua bán người. Đồng thời, bổ sung thêm người thuộc diện được TGPL là người mới thoát nghèo và khắc phục những bất cập nảy sinh như trên để việc triển khai cung cấp dịch vụ TGPL cho người dân trong thời gian tới được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Mỹ Chi
Tin khác
1 2 3 4 5  ...