Những quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình
Ngày 31 tháng 12
năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống
tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia
đình. Trong đó, Nghị định quy định rõ về những quy định chung như sau:
Nghị định này quy định các hành vi vi phạm
hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng
hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức
phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong
lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng
cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Các
hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác trực tiếp liên quan đến lĩnh
vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy,
chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình không được quy định
tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử
phạt.
Đối tượng áp dụng:
Cá
nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành
chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã
hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình
trong phạm vi lãnh thổ, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam.
Công
dân, tổ chức Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này ở
ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử phạt vi
phạm hành chính theo quy định của Nghị định này.
Cơ quan, người có thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã
hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng,
chống bạo lực gia đình và cá nhân, tổ chức có liên quan.
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và
biện pháp khắc phục hậu quả
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an
ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa
cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, cá nhân, tổ chức vi phạm
phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Phạt cảnh cáo;
Phạt tiền.
Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi
phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống
tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia
đình còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Đình chỉ
hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện
được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện
vi phạm hành chính); Trục xuất.
Ngoài các biện pháp
khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý
vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính quy định tại
Nghị định này có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau
đây:
Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép;
Buộc nộp lại giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ
khí, công cụ hỗ trợ và pháo; giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ; giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu; giấy phép vận
chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm
duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; chứng
chỉ hành nghề, giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa
cháy; giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy bị tẩy xóa,
sửa chữa làm sai lệch nội dung (sau đây gọi chung là giấy phép, chứng chỉ hành
nghề, giấy đăng ký hoạt động);
Buộc nộp lại Giấy
chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
Buộc nộp lại con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu;
Buộc hủy bỏ văn bản, giấy tờ đóng dấu sai quy định;
Buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết,
hình ảnh dùng để vi phạm hành chính;
Buộc thu hồi, nộp lại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước;
Buộc gỡ bỏ tài liệu bí mật nhà nước;
Buộc bảo quản, bố trí, sắp xếp hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ
theo quy định hoặc buộc giảm số lượng, khối lượng, chủng loại hàng hóa nguy
hiểm về cháy, nổ theo quy định hoặc buộc di chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy,
nổ đến kho, địa điểm theo quy định;
Buộc thực hiện biện pháp thông gió theo quy định;
Buộc lắp đặt, duy trì hoạt động của thiết bị, hệ thống chống
tĩnh điện theo quy định;
Buộc lắp đặt và trang bị các thiết bị phát hiện, xử lý rò rỉ
chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
Buộc lắp đặt hệ thống điện phục vụ yêu cầu phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ;
Buộc lắp đặt hệ thống chống sét bảo đảm quy định hoặc buộc
khắc phục những sai sót, hư hỏng của hệ thống chống sét;
Buộc thực hiện các giải pháp ngăn cháy lan bảo đảm quy định
của pháp luật;
Buộc cập nhật cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy theo
quy định;
Buộc duy trì chế độ hoạt động thường xuyên của thiết bị
truyền tin báo sự cố;
Buộc thu hồi phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy
hoặc buộc thu hồi biên bản kiểm định;
Buộc xin lỗi công khai;
Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng;
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại
giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm
sai lệch nội dung: Người có thẩm quyền ra quyết định, cá nhân, tổ chức vi
phạm có trách nhiệm thi hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy
phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai
lệch nội dung thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 85 Luật
Xử lý vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền ra quyết định thi hành biện pháp
khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản này phải thông báo bằng văn
bản cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề,
giấy đăng ký hoạt động đó.
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức
bị xử phạt vi phạm hành chính
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia
đình đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng;
mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với cá
nhân là 40.000.000 đồng, đối với tổ chức là 80.000.000 đồng; mức phạt tiền tối
đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân là
50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa
trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội đối với cá nhân là 75.000.000 đồng,
đối với tổ chức là 150.000.000 đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức
phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức
có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Tổ chức quy định tại các
khoản 1 và 2 Điều này bao gồm:
Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh
nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn,
công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp;
Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác
xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
Tổ chức xã hội, tổ
chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
Đơn vị sự nghiệp;
Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc
nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
Tổ hợp tác.
Hộ gia đình, hộ kinh
doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật vi phạm các quy
định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh,
trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu
nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là 01 năm.
Thời điểm để tính thời hiệu phạt vi phạm hành chính được quy
định như sau: Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời
hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với hành vi vi phạm
hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm
quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp xử phạt vi phạm
hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm
hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại
khoản 1 Điều này và các điểm a và b khoản này tính đến thời điểm ra quyết định
xử phạt vi phạm hành chính.
Thủ tục xử phạt đối với những hành vi đồng
thời được quy định trong Bộ luật Hình sự
Khi phát hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này
thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ
quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có
quyết định không khởi tố vụ án hình sự; quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ
án hình sự; quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự; quyết định đình chỉ
điều tra bị can; quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can;
quyết định đình chỉ vụ án; quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và trả
lại hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến, thì
chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo
quy định tại khoản 3 Điều 62 và Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử
phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.