Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Quy định cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Lượt xem: 170

Đây là nội dung Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Một số quy định của Thông tư cụ thể như sau:   

1. Cấp giấy chứnh nhận lương y

1.1. Đối tượng đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y. Gồm 6 đối tượng, cụ thể như sau:

(i) Đối tượng đã được chuẩn hóa lương y có đủ các chứng chỉ học phần quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư này trước ngày 30 tháng 6 năm 2004 nhưng chưa được kiểm tra sát hạch.

(ii) Đối tượng đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận lương y chuyên sâu trước ngày 30 tháng 6 năm 2004.

(iii) Đối tượng đã được Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam bồi dưỡng và được Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên (theo phân loại của Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam) trước ngày 30 tháng 6 năm 2004.

(iv) Đối tượng đã được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân có phạm vi hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhưng không phải là bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền và chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

(v) Đối tượng đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ đủ 30 năm trở lên.

(vi) Đối tượng có kết quả đạt tại kỳ kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư số 13/1999/TT-BYT ngày 06 tháng 7 năm 1999 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân thuộc lĩnh vực hành nghề y, dược cổ truyền (sau đây viết tắt là Thông tư số 13/1999/TT-BYT) trước ngày 14 tháng 02 năm 2004 nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

1.2. Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y. Thông tư quy định Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với từng đối cụ thể:

(i) Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này:

Có đủ 10 chứng chỉ học phần do cơ sở đào tạo y, dược hoặc Trung ương Hội Đông y Việt Nam hoặc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền (Viện, bệnh viện y học cổ truyền) phối hợp với trường trung cấp hoặc cao đẳng y tế, Hội Đông y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội Đông y tỉnh) tổ chức bồi dưỡng chuẩn hóa và cấp trước ngày 30 tháng 6 năm 2004. Các chứng chỉ học phần bao gồm:

- Lý luận cơ bản về y học cổ truyền;

- Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh nội khoa;

- Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh ngoại khoa;

- Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh nhi khoa;

- Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh phụ khoa;

- Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh ngũ quan;

- Chứng chỉ điều trị bằng những phương pháp không dùng thuốc;

- Chứng chỉ dược liệu học;

- Chứng chỉ về bào chế;

- Chứng chỉ về các bài thuốc cổ phương.

Trình độ học vấn: Người sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 1960 và dân tộc ít người phải đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ; người sinh từ ngày 01 tháng 01 năm 1960 trở về sau phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương;

Có kết quả đạt tại kỳ kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư này.

(ii) Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này:

Có giấy chứng nhận lương y chuyên sâu do Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp trước ngày 30 tháng 6 năm 2004;

Đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này.

(iii) Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này:

Có giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên (theo phân loại của Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam) do Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp trước ngày 30 tháng 6 năm 2004;

Đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này.

(iv) Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư này:

Người có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề được cấp theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân, trong đó phạm vi hành nghề là khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhưng không phải là bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền và chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

(v) Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư này:

Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp từ đủ 30 năm trở lên:

- Nếu người khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế cấp xã thì phải được Trưởng Trạm y tế xác nhận bằng văn bản; căn cứ để xác nhận dựa vào hợp đồng lao động hoặc giấy tờ khác chứng minh đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, không có sai sót về chuyên môn và được người bệnh tín nhiệm;

- Nếu người khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì phải được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó xác nhận;

- Người xác nhận quy định tại điểm này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận của mình.

Có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên tính đến ngày 26 tháng 11 năm 2015.

(vi) Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư này:

Đạt kết quả kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư số 13/1999/TT-BYT nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

1.3. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lương y

(i) Bộ trưởng Bộ Y tế giao Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư này theo mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

(ii)  Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 1, 4, 5 và khoản 6 Điều 1 Thông tư này theo mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

1.4. Thu hồi giấy chứng nhận lương y

Giấy chứng nhận lương y bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

(i) Giấy chứng nhận cấp không đúng thẩm quyền.

(ii) Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y.

(iii) Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y không đúng quy định.

1.5. Trình tự thu hồi giấy chứng nhận lương y

(i) Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện người đã được cấp giấy chứng nhận lương y thuộc trường hợp phải thu hồi theo quy định tại Điều 18 Thông tư này gửi thông báo cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận lương y theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

(ii) Cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận lương y có trách nhiệm xác minh hồ sơ, tài liệu và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp, nếu thuộc trường hợp thu hồi thì ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận lương y.

2. Cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

2.1. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

2.2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

(i) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

(ii) Bản thuyết minh về bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền theo mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

(iii) Bản sao hợp lệ kết quả thử độc tính cấp và bán trường diễn đối với bài thuốc gia truyền.

(iv) Bản sao hợp pháp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.

(v)  02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

2.3. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền do bị mất, bị hỏng

(i) Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận theo mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

(ii) 02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

2.4. Trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

(i) Người đề nghị cấp giấy chứng nhận gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tới cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú qua bưu điện hoặc trực tiếp hoặc qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp cho người đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

(ii) Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho người đề nghị cấp giấy chứng nhận để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mà người đề nghị cấp giấy chứng nhận không sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận không còn giá trị. Người đề nghị nộp lại hồ sơ đề nghị theo quy định tại Điều 21 Thông tư này nếu có nhu cầu.

(iii) Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức Hội đồng để thẩm định.

(iv) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản họp Hội đồng thẩm định, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận theo mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này hoặc ban hành văn bản về việc từ chối cấp giấy chứng nhận và nêu rõ lý do từ chối.

2.5. Trình tự thủ tục cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

(i) Cá nhân đề nghị cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền gửi 01 bộ hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền nơi đã cấp qua bưu điện hoặc trực tiếp hoặc qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

(ii) Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

(iii) Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền cho đối tượng đề nghị.

2.6. Thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

(i) Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

(ii) Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền không đúng quy định.

(iii) Có kết luận của Hội đồng chuyên môn do cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập về bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền không bảo đảm an toàn, hiệu quả.

(iv) Có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền không phải là người giữ quyền sở hữu bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Thông tư  số 02/2024/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 12/3/2024.

Các văn bản sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:

(i) Thông tư số 29/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế quy định cấp, cấp lại giấy chứng nhận là lương y;

(ii) Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT ngày 12/11/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế xét duyệt cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền;

(iii) Thông tư số 50/2010/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Y tế hướng dẫn việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

(iv) Bãi bỏ khoản 5 Điều 2 Thông tư số 20/2023/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2023 của Bộ Y tế bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Tải về

Trần Lan Hương
Tin khác
1 2 3 4 5  ...