Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Lượt xem: 3

Đây là Nghị định số 99/2025/NĐ-CP ngày 06/5/2025 của Chính phủ. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp về: Điều kiện, hình thức tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh của cơ sở huy động. Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Nghị định được áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan trong việc tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh của cơ sở huy động, tham gia hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng và xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chương II Nghị định này không áp dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức ngoài lực lượng vũ trang và doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý không thuộc trường hợp được huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Một số quy định của Nghị định cụ thể như sau:

1. Điều kiện chung áp dụng đối với cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh

Được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh đối với lĩnh vực được huy động.

Đảm bảo bí mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về tội phạm hình sự, kể cả trường hợp đã được xóa án tích theo quy định của pháp luật về hình sự.

2. Chức năng, nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng

Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật; sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất quốc phòng; trong đó, tập trung các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.

Nghiên cứu, làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ lưỡng dụng; chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, đặc biệt là các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.

Huy động tối đa các nguồn lực của Nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng, gồm:

Xây dựng cơ chế thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật của tổ hợp công nghiệp quốc phòng, ưu tiên là các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược;

Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các tổ chức quốc tế;

Thực hiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

Xây dựng phương án và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư để thực hiện nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng;

Huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nghiên cứu, sản xuất sản phẩm phục vụ công nghiệp quốc gia, có ứng dụng công nghệ cao, hiện đại thuộc các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo; chuỗi khối; công nghệ bán dẫn; công nghệ lượng tử; công nghệ sinh học; công nghệ nano; công nghệ robot; Internet vạn vật (IoT); công nghệ vật liệu tiên tiến, siêu bền, siêu nhẹ, siêu chịu nhiệt; công nghệ viễn thông thế hệ mới và công nghệ mới nổi. Chuyển giao công nghệ phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội giúp gia tăng giá trị sản phẩm.

Đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng tập trung vào các quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ phát triển, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, ưu tiên các lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều này.

3. Điều kiện cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng

Chủ trì nghiên cứu, sản xuất thành công ít nhất một loại vũ khí trang bị kỹ thuật có công nghệ hiện đại, có tính tích hợp hệ thống được đưa vào trang bị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Có khả năng ứng dụng, phát triển hoặc tạo ra công nghệ chiến lược, công nghệ nền, công nghệ lõi trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật.

Có đơn vị nghiên cứu phát triển sản phẩm quốc phòng trong cơ cấu tổ chức.

Có hệ thống phòng thí nghiệm, dây chuyền, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất và hoàn chỉnh vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.

Có nhân lực đảm bảo hoạt động quản lý, điều hành, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất và hoàn chỉnh vũ khí trang bị kỹ thuật.

Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là doanh nghiệp phải có tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng trong 03 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đạt tối thiểu 02% tổng doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh.

4. Công nhận hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng

Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt đề nghị công nhận là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc trên môi trường điện tử đến Cơ quan chuyên trách về công nghiệp quốc phòng.

Hồ sơ đề nghị công nhận là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng, gồm:

Văn bản đề nghị công nhận là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

Bản sao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt;

Tài liệu về: Tên, loại hình, địa chỉ, địa bàn hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; các sản phẩm, dịch vụ và nhiệm vụ quốc phòng được Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc chỉ định thầu trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đề nghị công nhận;

Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Trường hợp thành phần hồ sơ không đủ theo quy định tại khoản 2 Điều này, trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan chuyên trách về công nghiệp quốc phòng thông báo bằng văn bản yêu cầu cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan chuyên trách về công nghiệp quốc phòng kiểm tra, thẩm định việc đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 10 Nghị định này của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc công nhận cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng; Cơ quan chuyên trách về công nghiệp quốc phòng thông báo kết quả cho cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bằng văn bản; trường hợp không được công nhận phải nêu rõ lý do.

5. Chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng

Bộ Quốc phòng ban hành chiến lược phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng; giao nhiệm vụ, kế hoạch dài hạn sản xuất quốc phòng và quản lý việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng thông qua hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Thúc đẩy liên doanh, liên kết giữa các thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng:

Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chiến thuật trong lĩnh vực quân sự đối với các sản phẩm của tổ hợp công nghiệp quốc phòng;

Các bộ, ngành theo chức năng quản lý có trách nhiệm hỗ trợ cung cấp cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp để xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng;

Tạo điều kiện cho các thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quân sự, chương trình đào tạo, chương trình khảo sát trong nước và nước ngoài liên quan đến nhóm, chuyên ngành sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Bộ Quốc phòng xây dựng đề án, chương trình phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ số, công nghệ nền, công nghệ lõi thuộc lĩnh vực quản lý trên cơ sở danh mục và chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được phê duyệt để thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, ưu tiên vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược và giao cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng triển khai thực hiện. Kinh phí triển khai đề án, chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước.

 Trên cơ sở chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược quốc gia, Bộ Quốc phòng xây dựng đề án, chương trình phát triển công nghệ chiến lược để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật và giao tổ hợp công nghiệp quốc phòng triển khai thực hiện. Kinh phí triển khai thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng; đảm bảo kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trọng điểm phục vụ nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.

Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng và thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng được sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị do Nhà nước đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Bộ Quốc phòng ưu tiên bố trí kinh phí triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.

6. Yêu cầu trong xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

 Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan, cam kết của Việt Nam về bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ và các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh phải là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt có chức năng xuất khẩu, nhập khẩu.

Đối tác nước ngoài phải cung cấp các giấy tờ, gồm: Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về hợp pháp hoá lãnh sự; giấy chứng nhận người sử dụng cuối cùng do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài nơi người sử dụng cuối cùng cấp; văn bản cam kết mục đích sử dụng.

Đối tác nước ngoài trước khi đàm phán, ký kết hợp đồng nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh phải được thẩm định về lai lịch, chức năng, nhiệm vụ, năng lực bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo phạm vi quản lý. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thẩm định của doanh nghiệp xuất khẩu, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có văn bản trả lời về kết quả thẩm định.

Đối tác nước ngoài không phải thực hiện thủ tục quy định tại khoản 4 Điều này khi được Chính phủ, cơ quan quốc phòng, an ninh, cơ yếu, mật mã các nước ủy quyền, chỉ định nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

7. Quy trình xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

Xây dựng danh mục sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh xuất khẩu.

Đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Thực hiện cấp phép xuất khẩu, miễn thuế, thông quan.

8. Cấp phép xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

Doanh nghiệp xuất khẩu lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phép xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc trên môi trường điện tử đến cơ quan chức năng quản lý thương mại của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo phạm vi quản lý.

 Hồ sơ đề nghị cấp phép xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh, gồm:

Văn bản đề nghị cấp phép xuất khẩu của doanh nghiệp xuất khẩu trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao quản lý doanh nghiệp xuất khẩu theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

Hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài (bản sao có công chứng hoặc chứng thực; kèm theo bản dịch ra tiếng Việt);

Kết quả thẩm định thông tin về đối tác nước ngoài của cơ quan chức năng đối với trường hợp không thuộc quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định này; giấy chứng nhận người sử dụng cuối cùng do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài nơi người sử dụng cuối cùng cấp; văn bản cam kết mục đích sử dụng.

Trường hợp thành phần hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều này, trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan chức năng quản lý thương mại của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo phạm vi quản lý có văn bản yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu bổ sung.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng quản lý thương mại của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo phạm vi quản lý báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cấp phép xuất khẩu cho doanh nghiệp xuất khẩu hoặc có văn bản trả lời, nêu rõ lý do từ chối cấp phép.

Nghị định số 99/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025./.

Tải về

Trần Lan Hương