Quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch pháp chế viên
Đây là Thông tư số 03/2025/TT-BTP ngày 31/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch pháp chế viên, gồm pháp chế viên cao cấp, pháp chế viên chính và pháp chế viên. Thông tư được áp dụng đối với công chức các ngạch pháp chế viên tại các bộ, cơ quan ngang bộ (bao gồm cả các Cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ), cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Một số quy định của Thông tư cụ thể như sau:
1. Thời gian của người làm công tác pháp chế thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của công tác pháp chế và văn bản xác nhận
Thời gian của người làm công tác pháp chế thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của công tác pháp chế là thời gian được tính cộng dồn, không kể thời gian tập sự của người thực hiện công việc theo vị trí việc làm về công tác pháp chế, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật và làm một trong các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024).
Văn bản xác nhận thời gian của người làm công tác pháp chế thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của công tác pháp chế gồm bản sao các tài liệu sau: bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật; quyết định bổ nhiệm vào các ngạch, chức danh nghề nghiệp theo vị trí việc làm về công tác pháp chế hoặc văn bản có nội dung thay đổi ngạch, chức danh nghề nghiệp theo vị trí việc làm về công tác pháp chế (nếu có) hoặc hợp đồng làm việc đối với chức danh nghề nghiệp, nhân viên pháp chế.
Thời gian của người làm công tác pháp chế được tính tương đương thời gian thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của công tác pháp chế là thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (nếu thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), không kể thời gian tập sự; có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật và làm công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm về công tác pháp chế. Thời gian trên được tính là tương đương thời gian giữ các ngạch pháp chế viên.
Văn bản xác nhận thời gian của người làm công tác pháp chế được tính tương đương thời gian thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của công tác pháp chế gồm bản sao các tài liệu sau: bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật; quyết định bổ nhiệm ngạch công chức, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, văn bản có nội dung thay đổi ngạch, chức danh (nếu có) hoặc hợp đồng làm việc có yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm về công tác pháp chế hoặc chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc chức danh trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội; giấy tờ khác chứng minh thời gian được tính tương đương thực hiện một trong các nhiệm vụ của công tác pháp chế.
2. Mã số các ngạch pháp chế viên
Pháp chế viên cao cấp: Mã số 15.001.
Pháp chế viên chính: Mã số 15.002.
Pháp chế viên: Mã số 15.003.
3. Tiêu chuẩn chung các ngạch pháp chế viên
Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.
Công chức được bổ nhiệm vào các ngạch pháp chế viên, nâng ngạch, chuyển ngạch phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và quy định tại Thông tư này.
4. Xếp lương đối với các ngạch pháp chế viên
Công chức các ngạch pháp chế viên được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009; Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2012; Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013; Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016) như sau:
Ngạch pháp chế viên áp dụng bảng lương công chức loại A1;
Ngạch pháp chế viên chính áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm A2.1;
Ngạch pháp chế viên cao cấp áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm A3.1.
Việc chuyển xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.
Thông tư số 03/2025/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 15/5/2025./.
Tải về