Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
Lượt xem: 64

Đây là Thông tư số 22/2025/TT-BTC ngày 09/5/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Thông tư này quy định chế độ quản lý, tính hao mòn đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là tài sản cố định và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa do Nhà nước đầu tư, quản lý.Thông tư này được áp dụng đối với: Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 12/2025/NĐ-CP. Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (sau đây gọi là cơ quan quản lý tài sản) quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 12/2025/NĐ-CP. Tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện kế toán, quản lý, lưu trữ hồ sơ, báo cáo kê khai, đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 12/2025/NĐ-CP. Các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Một số quy định của Thông tư như sau:

1. Tiêu chuẩn tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa xác định là tài sản cố định

Xác định tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa:

Tài sản sử dụng độc lập được xác định là một tài sản.

Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được thì hệ thống đó được xác định là một tài sản.

Trường hợp một hệ thống được giao cho nhiều cơ quan quản lý thì phần tài sản được giao cho từng cơ quan là một tài sản.

Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quy định tại khoản 1 Điều này được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn sau đây:

Có thời gian sử dụng từ 01 (một) năm trở lên.

Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.

2. Nguyên tắc quản lý và trách nhiệm của cơ quan quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa

Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này phải được lập hồ sơ tài sản để quản lý chặt chẽ về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan. Các chỉ tiêu về nguyên giá, hao mòn, giá trị còn lại của tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa xác định là tài sản cố định là số nguyên; trường hợp kết quả xác định các chỉ tiêu này là số thập phân thì được làm tròn theo quy định tại pháp luật về kế toán.

Mỗi một tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quy định tại Điều 4 Thông tư này là một đối tượng ghi sổ kế toán. Kế toán tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải phản ánh, ghi chép đầy đủ thông tin về nguyên giá, hao mòn, giá trị còn lại của tài sản.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa không còn nhu cầu sử dụng nhưng chưa tính đủ hao mòn theo quy định thì cơ quan quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản tài sản theo quy định hiện hành và tính hao mòn theo quy định tại Thông tư này cho đến khi được xử lý theo quy định.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã tính đủ hao mòn nhưng vẫn tiếp tục sử dụng được thì cơ quan quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, sử dụng, theo dõi, bảo quản tài sản theo quy định hiện hành và không phải tính hao mòn.

Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã tính đủ hao mòn nhưng sau đó thuộc trường hợp thay đổi nguyên giá theo quy định tại Điều 7 Thông tư này thì phải tính hao mòn theo quy định cho thời gian sử dụng còn lại (nếu có) sau khi thay đổi nguyên giá.

Trường hợp cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thì cơ quan quản lý tài sản đó tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi và tính hao mòn tài sản theo quy định tại Thông tư này trong thời gian cho thuê quyền khai thác tài sản.

Trường hợp chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thì trong thời gian chuyển nhượng, cơ quan quản lý tài sản (bên chuyển nhượng):

Có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.

Không thực hiện tính hao mòn tài sản theo quy định tại Thông tư này và phải tiếp tục theo dõi nguyên giá tài sản đã hạch toán tại thời điểm chuyển nhượng trên sổ kế toán và theo dõi trên thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định của chế độ kế toán hiện hành.

Khi hết thời hạn chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (bao gồm cả trường hợp chấm dứt hợp đồng trước hạn), cơ quan quản lý tài sản tiếp nhận lại tài sản theo hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản và quy định của pháp luật; xác định lại nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản theo quy định tại khoản 5 Điều 6, Điều 12 Thông tư này để thực hiện quản lý, tính hao mòn theo quy định tại Nghị định số 12/2025/NĐ-CP và Thông tư này.

Trường hợp sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện có để tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì trong thời gian bàn giao tài sản cho nhà đầu tư thực hiện dự án, cơ quan quản lý tài sản:

Có trách nhiệm theo dõi, báo cáo phần tài sản được sử dụng để tham gia dự án trong quá trình giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Không thực hiện tính hao mòn tài sản theo quy định tại Thông tư này và phải tiếp tục theo dõi nguyên giá tài sản đã hạch toán tại thời điểm bàn giao tài sản cho nhà đầu tư thực hiện dự án và theo dõi trên thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định của chế độ kế toán hiện hành.

Khi nhà đầu tư chuyển giao tài sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan quản lý tài sản tiếp nhận lại tài sản theo quy định, xác định lại giá trị còn lại của tài sản theo quy định tại khoản 6 Điều 6, Điều 12 Thông tư này để thực hiện quản lý, tính hao mòn theo quy định tại Nghị định số 12/2025/NĐ-CP và Thông tư này.

Cơ quan quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm:

Thực hiện kế toán đối với toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được giao quản lý theo quy định của chế độ kế toán hiện hành; thực hiện báo cáo tình hình tăng, giảm, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.

Thực hiện kiểm kê tài sản định kỳ hằng năm; thực hiện điều chỉnh số liệu kế toán nếu có chênh lệch phát sinh khi thực hiện kiểm kê nhằm đảm bảo số liệu trên sổ kế toán và số liệu thực tế của tài sản cố định khớp đúng.

Thực hiện báo cáo kê khai, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 12/2025/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này.

3. Các trường hợp thay đổi (điều chỉnh) nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa

Đánh giá lại giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa khi thực hiện kiểm kê theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm cả trường hợp dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng tài sản khác nhưng trong dự án có nội dung đầu tư vào tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện có và trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng tài sản không phải là cơ quan quản lý tài sản).

Tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (trong trường hợp giá trị bộ phận tài sản tháo dỡ đang được hạch toán chung trong nguyên giá tài sản), trừ trường hợp việc tháo dỡ để thay thế khi bảo trì công trình.

Lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, trừ trường hợp lắp đặt để thay thế khi bảo trì công trình.

Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa bị mất một phần hoặc hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác (trừ trường hợp tài sản được khắc phục sự cố theo quy định của pháp luật về bảo trì đường thủy nội địa hoặc được khôi phục lại thông qua bảo hiểm, bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân có liên quan).

Thông tư số 22/2025/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/6/2025 và được áp dụng từ năm tài chính 2025.

Các nội dung quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tại các Điều và Phụ lục của Thông tư số 75/2018/TT-BTC ngày 17/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi hết hiệu lực thi hành khi Thông tư này có hiệu lực thi hành./.

Tải về

Trần Lan Hương
Tin khác
1 2 3 4 5  ...