Một số kết quả nổi bật trong triển khai thi hành Luật Trồng trọt trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Luật Trồng trọt ra đời đã tạo khung pháp lý bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, toàn diện để phát triển sản xuất trồng trọt theo yêu cầu mới của thị trường. Đặc biệt đối với tỉnh Lào Cai triển khai thi hành Luật Trồng trọt đã góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hoá, bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.
Triển khai thi hành Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 ngày 19/11/2018 được Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19/11/2018, Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 14/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trồng trọt. Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu trình Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch, Đề án liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Trồng trọt và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Trong đó tập trung phổ biến, các quy định về xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quản lý giống cây trồng, phân bón; các quy định về canh tác, đất sản xuất, các chính sách nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm trồng trọt. Các cơ quan chuyên ngành đã tổ chức tuyên truyền phổ biến các quy định của Luật Trồng trọt và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các quy định về sản xuất kinh doanh giống cây trồng, phân bón, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cho 30.638 lượt người; tập huấn hướng dẫn sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho 1.350 lượt người; Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức và người dân tham gia hoạt động trồng trọt luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm. Tỉnh đã tập huấn đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ cho 350 lượt người là cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp các cấp hằng năm; bồi dưỡng chứng nhận chuyên môn về phân bón cho 157 người; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, buôn bán phân bón cho 148 cơ sở kinh doanh. Nguồn kinh phí cho triển khai thực hiện các hoạt động quản lý và phát triển sản xuất trồng trọt được Uỷ ban nhân các cấp quan tâm phân bổ từ nguồn ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương hỗ trợ. Giai đoạn 2020-2024, tỉnh Lào Cai đã bố trí 739.287 triệu đồng cho hoạt đông này.
Tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về trồng trọt được củng cố, kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp xã. Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về sản xuất nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành 05 Nghị quyết về chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Các Nghị quyết sau khi được ban hành đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá gắn với sản phẩm chủ lực, phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Việc ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Lào Cai đã thực hiện 19 đề tài khoa học công nghệ về ứng dụng chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; áp dụng trên 20 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt; tổ chức 1.758 đợt tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề cho 91.589 lượt người. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao ứng dụng vào sản xuất và đời sống đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, đặt biệt là việc đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến an toàn như: Thâm canh lúa cải tiến (SRI), sản xuất VietGAP trên cây chè, rau; công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ nhà lưới… Việc chuyển giao kỹ thuật đưa cơ giới hoá vào sản xuất đã góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có trên 40.150 máy sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp chủ yếu tập trung trong các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch và chế biến. 100% các doanh nghiệp đã đầu tư dây truyền chế biến hiện đại để nâng cao giá trị sản phẩm. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu đối với lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật được thực hiện thường xuyên trên hệ thống 03 phần mềm do Cục Bảo vệ thực vật và Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tài khoản. Về quản lý sản xuất, buôn bán, chất lượng giống cây trồng, hiện tại trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang lưu thông trên 70 loại giống lúa và 50 loại giống ngô và một số giống cây trồng chủ lực khác. Toàn bộ lượng giống cây trồng phục vụ sản xuất được người dân mua tại Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh, 169 cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh và 25 doanh nghiệp ngoài tỉnh. Về quản lý canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa từ năm 2020 đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 948,98 ha đất lúa. Trong đó chuyển sang cây hàng năm 613,94 ha, chuyển sang cây lâu năm 272.88 ha, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản 62,07 ha. Đối với phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung mang lại hiệu quả cao, tỉnh đã xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo 03 vùng sinh thái, 05 ngành hàng chủ lực (chè, chuối, dứa, dược liệu, quế, chăn nuôi lợn) và 02 lĩnh vực tiềm năng (phát triển lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng và sản phẩm tiềm năng của địa phương). Đến hết năm 2023, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 330,450 tấn đảm bảo an ninh lương thực toàn tỉnh; tổng diện tích dược liệu đạt 4.105 ha, tổng sản lượng thu hoạch dược liệu ước đạt 19.000 tấn, đạt doanh thu 400 tỷ đồng; tổng diện tích chè ước đạt 8.295 ha, sản lượng thu hoạch đạt 44.450 tấn đạt 350 tỷ đồng; tổng diện tích chuối là 2.355 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 60.000 tấn, doanh thu đạt trên 400 tỷ đồng; tổng diện tích dứa 2.200 ha, sản lượng đạt 41.900 tấn doanh thu đạt 180 tỷ đồng. Về hợp tác liên kết, sản xuất, tính đến hết năm 2023, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã triển khai 35 dự án liên kết với quy mô liên kết 5.334 ha thu hút 8.261 hộ gia đình tham gia, giá trị liên kết ước đạt 311.506 triệu đồng. Nhiều mô hình giống cây trồng được đưa vào sản xuất mang tính hàng hoá, có tính chuyên canh áp dụng khoa học kỹ thuật như: Rau trái vụ ở Sa Pa, Bát Xát; hoa địa lan ở Sa Pa; cây dược liệu ở Bắc Hà, Sa Pa… Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 105 doanh nghiệp/hợp tác xã với 329 dòng sản phẩm được minh bạch, rõ nguồn gốc xuất xứ tham gia hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản; 206 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân với 399 sản phẩm tham gia hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại; 154 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận hỗ trợ công tác quản lý giám sát chất lượng các sản phẩm trong chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động trồng trọt được tăng cường, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức 584 lượt cơ sở kinh doanh buôn bán phân bón và trên 400 lượt cơ sở kinh doanh giống cây trồng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy các đơn vị đều chấp hành nghiêm các quy định về hoá đơn, xuất xứ hoàng hoá, ghi nhãn/.