Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thực hiện đánh giá tác động của biến đổi khí hậu
Lượt xem: 947

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu là việc xác định mức độ ảnh hưởng tích cực, tiêu cực, ngắn hạn và dài hạn; tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu đến hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội trong phạm vi không gian và thời gian xác định.

Thông tư  01/2022/TT-BTNMT ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; hoạt động kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; hoạt động liên quan đến các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Quy định  về yêu cầu thực hiện đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (Điều 4) như sau: Việc đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu (gọi tắt là đánh giá tác động của biến đổi khí hậu) phải đảm bảo khách quan, có cơ sở khoa học; phản ánh đầy đủ, nhất quán thông tin, phương pháp sử dụng và kết quả đánh giá. Việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu phải thực hiện đầy đủ nội dung, trình tự đánh giá theo quy định tại Thông tư này.

 Quy định về thông tin, dữ liệu phục vụ đánh giá biến đổi khí hậu (Điều 5) về  Kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, gồm các bản đồ và thông tin, dữ liệu theo không gian, thời gian như sau:

 Nhiệt độ: bao gồm nhiệt độ trung bình năm, trung bình theo mùa và nhiệt độ tối cao, tối thấp; Lượng mưa: bao gồm lượng mưa trung bình năm, trung bình theo mùa; lượng mưa một ngày lớn nhất, năm ngày lớn nhất và số ngày mưa lớn hơn 50 mm; Các hiện tượng khí hậu cực đoan: bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới, gió mùa, rét đậm, rét hại, nắng nóng, hạn hán và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác; Nước biển dâng: bao gồm nước biển dâng khu vực ven biển và hải đảo, mực nước cực trị (nước dâng do bão, thủy triều ven bờ biển, nước dâng do bão kết hợp với thủy triều), nguy cơ ngập do nước biển dâng; Các thông tin khác có liên quan.

 Thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn và các hiện tượng cực đoan liên quan trong quá khứ và hiện tại. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực. Các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, suất đầu tư do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Số liệu thống kê và các tài liệu khác có liên quan.

Điều 6 nội dung đánh giá tác động của biến đổi khí hậu bao gồm:

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống tự nhiên, gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, tài nguyên biển, đảo và các tài nguyên, yếu tố môi trường khác;

 Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống kinh tế, gồm hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và đô thị, công nghiệp, năng lượng, thông tin và truyền thông, du lịch, thương mại và dịch vụ, các hoạt động khác có liên quan;

 Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống xã hội, gồm phân bố dân cư, nhà ở và điều kiện sống, dịch vụ y tế, sức khỏe, văn hóa, giáo dục, đối tượng dễ bị tổn thương, giới và giảm nghèo.

Việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu theo lĩnh vực, khu vực cụ thể cần căn cứ nội dung đánh giá được quy định tại khoản I Điều này để áp dụng cho phù hợp với phạm vi đánh giá.

Trình tự thực hiện đánh giá  (Điều 7)

Xác định phạm vi đánh giá: Phạm vi không gian là phạm vi địa lý xác định cho khu vực đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; Phạm vi thời gian là giai đoạn thực hiện đánh giá, bao gồm khoảng thời gian trong quá khứ và tương lai. Khoảng thời gian trong quá khứ ít nhất là 5 năm tính từ thời điểm đánh giá, khoảng thời gian trong tương lai được xác định theo mục tiêu đánh giá.  Xác định đối tượng đánh giá bao gồm: các đối tượng thuộc hệ thống tự nhiên, hệ thống kinh tế, hệ thống xã hội quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

Phân tích kịch bản biến đổi khí hậu căn cứ phạm vi và đối tượng đánh giá đã xác định, thực hiện: Bổ sung, chi tiết hóa thông tin, dữ liệu cho phạm vi, đối tượng đánh giá; Phân tích các đặc trưng, xu hướng thay đổi của khí hậu; Xác định, phân tích các yếu tố khí hậu quan trọng đối với đối tượng đánh giá; Tính toán bổ sung các thông số liên quan khác phục vụ đánh giá.

Phân tích dự báo phát triển kinh tế - xã hội phân tích các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực và các tài liệu liên quan khác để xác định: Mục tiêu, định hướng phát triển trong tương tai của khu vực, lĩnh vực đánh giá; Nội dung, phạm vi không gian về kế hoạch phát triển trong tương lai liên quan đến đối tượng đánh giá.

 Lựa chọn phương pháp đánh giá, đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu áp dụng phương pháp định lượng và phương pháp định tính. Phương pháp định lượng gồm mô hình dự báo, chồng xếp bản đồ, đánh giá nhanh, thống kê thực nghiệm. Phương pháp định tính gồm ma trận đánh giá, lập bảng liệt kê, phương pháp mạng lưới, điều tra phỏng vấn, phương pháp chuyên gia, đánh giá có sự tham gia; Đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu áp dụng phương pháp điều tra phỏng vấn, tham vấn, thống kê thực nghiệm, mô hình hóa, chồng xếp bản đồ; Đánh giá tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu áp dụng phương pháp xác định tổn thất, thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế. Phương pháp xác định tổn thất, thiệt hại về kinh tế gồm các phương pháp: điều tra khảo sát, thống kê, phân tích chi phí - lợi ích. Phương pháp xác định tổn thất, thiệt hại phi kinh tế gồm: mô hình dự báo, phân tích chỉ số rủi ro tổng hợp, đánh giá có sự tham gia; Việc lựa chọn, áp dụng phương pháp đánh giá quy định tại điểm a, b, c khoản này phải phù hợp với đối tượng và phạm vi đánh giá; khả năng đáp ứng các yêu cầu về thông tin và mức độ sẵn có của dữ liệu.

 Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhận diện, sàng lọc và xác định các loại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dựa trên đối tượng đánh giá, kịch bản biến đổi khí hậu và các nội dung cần thực hiện; gồm các ảnh hưởng tích cực, tiêu cực, ngắn hạn và dài hạn; Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin phục vụ việc xác định ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong quá khứ gồm thông tin về hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội của đối tượng đánh giá quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư. Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin để dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong tương lai gồm dữ liệu, bản đồ của các yếu tố trong kịch bản biến đổi khí hậu; thông tin và bản đồ thể hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển (bản đồ sử dụng đất, kế hoạch phát triển đô thị và dân cư, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng) và thông tin khác có liên quan; Phân tích, xác định ảnh hưởng tích cực, tiêu cực, ngắn hạn và dài hạn của biến đổi khí hậu đối với đối tượng đánh giá.

 Đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu, xác định hiểm họa đối với đối tượng đánh giá trên cơ sở phân tích ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu; Xác định các chỉ số thành phần phản ánh hiểm họa, mức độ phơi bày, mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng phù hợp với phạm vi và đối tượng đánh giá, bảo đảm tính đại diện và khả thi. Các chỉ số thành phần của hiểm họa được xác định dựa trên các yếu tố thay đổi khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng, hiện tượng khí hậu cực đoan) có thể gây ra các tác động tiêu cực đến đối tượng đánh giá. Các chỉ số thành phần của mức độ phơi bày được xác định dựa trên mức độ tiếp xúc (vị trí) của đối tượng đánh giá với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.  Các chỉ số thành phần của mức độ nhạy cảm được xác định dựa trên các yếu tố khí hậu có ảnh hưởng lớn tới đối tượng đánh giá. Các chỉ số thành phần của khả năng thích ứng được xác định dựa trên năng lực của tổ chức, năng lực kỹ thuật, tài chính và các yếu tố khác; Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin liên quan để xác định các chỉ số thành phần của mức độ nhạy cảm, khả năng thích ứng, hiểm họa và mức độ phơi bày; Chuẩn hóa giá trị các chỉ số thành phần đã lựa chọn trong khoảng giá trị từ 0 đến 1. Từng chỉ số thành phần được chuẩn hóa theo phạm vi không gian đánh giá và dựa trên mối quan hệ đồng biến hoặc nghịch biến giữa chỉ số thành phần cần chuẩn hóa với chỉ số tính dễ bị tổn thương hoặc chỉ số rủi ro để áp dụng công thức tính chuẩn hóa cho phù hợp; Xác định trọng số của từng chỉ số thành phần dựa trên mức độ quan trọng của chỉ số thành phần đó; Xác định tính dễ bị tổn thương dựa trên mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng; xác định rủi ro dựa trên hiểm họa, mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương. Chi tiết về lựa chọn, xác định các chỉ số phản ánh tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu được hướng dẫn tại Phụ lục I.1 ban hành kèm theo Thông tư này; Tổng hợp, phân cấp tính dễ bị tổn thương, rủi ro dựa trên kết quả tính toán có giá trị trong khoảng từ 0 đến 1 và phân thành 05 cấp: rất thấp, thấp, trung bình, cao hoặc rất cao; Lập bản đồ phân cấp tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu cho từng đối tượng đánh giá với từng loại hiểm họa theo quy định kỹ thuật về đo đạc, bản đồ.

 Đánh giá tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu: Xác định các chỉ số tổn thất, thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế đối với hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội theo nguyên tắc: tổn thất, thiệt hại có thể nhận diện, mang tính trực tiếp, đo đếm được về khối lượng và mức độ tổn thất, thiệt hại. Chỉ số tổn thất, thiệt hại về kinh tế áp dụng đối với hệ thống kinh tế gồm các chỉ số thành phần về hoạt động sản xuất, thương mại và dịch vụ, cơ sở hạ tầng, nhà ở và tài sản, thu nhập, việc làm và các loại khác. Chỉ số tổn thất, thiệt hại phi kinh tế áp dụng đối với các hệ thống tự nhiên, xã hội. Đối với hệ thống tự nhiên, các chỉ số thành phần gồm mất đất do ngập lụt, sạt lở đất, nhiễm mặn, mất đa dạng sinh học, suy giảm dịch vụ hệ sinh thái và các loại khác. Các chỉ số thành phần đối với xã hội gồm thiệt hại về người, sức khỏe, tri thức truyền thống, di sản văn hóa và các loại khác; Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu về tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu trong quá khứ. Thông tin, dữ liệu điều tra, thu thập gồm thời gian xảy ra, khối lượng, quy mô, mức độ thiệt hại, chi phí khắc phục và thông tin khác có liên quan; Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu về tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu trong tương lai căn cứ mốc thời gian theo mục tiêu đánh giá. Thông tin, dữ liệu điều tra, thu thập gồm dự báo về khối lượng, quy mô, mức độ tổn thất, thiệt hại;

 Tính toán, phân tích tổn thất, thiệt hại về kinh tế trong quá khứ và tương lai theo đối tượng, các chỉ số tổn thất, thiệt hại đã xác định. Giá trị tổn thất, thiệt hại tính toán trong quá khứ và tương lai phải được quy về thời điểm đánh giá dựa trên tỷ lệ chiết khấu phù hợp. Tỷ lệ chiết khấu phù hợp được cân nhắc dựa trên tỷ lệ sinh lời thực tế, tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ bù đắp rủi ro. Giá trị các tỷ lệ này cần tính trung bình căn cứ trên số liệu của giai đoạn tối thiểu là 05 năm trước thời điểm đánh giá;Phân tích tổn thất, thiệt hại phi kinh tế trong quá khứ và tương lai theo đối tượng và chỉ số tổn thất, thiệt hại thông qua việc mô tả, đánh giá đối với các loại tổn thất, thiệt hại đã xác định;Tổng hợp kết quả tính toán, xác định tổn thất, thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế đối với đối tượng đánh giá; Chi tiết về xác định tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu được hướng dẫn tại Phụ lục I.2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Xây dựng báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (Điều 8)

Báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục I.3 ban hành kèm theo Thông tư này. Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu gồm:a) Mục tiêu, nội dung, đối tượng, phạm vi và phương pháp đánh giá; Đặc điểm khu vực và đối tượng đánh giá; Phân tích kịch bản biến đổi khí hậu; Phân tích dự báo phát triển kinh tế - xã hội và tài liệu khác có liên quan; Kết quả đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu; Đề xuất giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cơ quan, tổ chức thực hiện đánh giá có trách nhiệm công bố báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trên trang thông tin điện tử của mình.

Bình An
Tin khác
1 2 3