Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Quy trình kỹ thuật kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học
Lượt xem: 99

Quy trình kỹ thuật kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học được ban hành kèm theo Thông tư số 53/2024/TT-BTNMT ngày 31/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thông tư này quy định về quy trình kỹ thuật kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học đối với các chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao. Thông tư được áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học. Theo đó:

Quy trình kỹ thuật kiểm kê tổng số lượng của khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao

(i) Các chỉ tiêu cần kiểm kê:

Tổng số lượng khu bảo tồn: tổng số lượng khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và toàn quốc;

Tổng số lượng cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học: tổng số lượng cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học thành lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và toàn quốc;

Tổng số lượng hành lang đa dạng sinh học: tổng số lượng hành lang đa dạng sinh học trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và toàn quốc;

Tổng số lượng khu vực đa dạng sinh học cao: tổng số lượng khu vực đa dạng sinh học cao trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và toàn quốc.

(ii) Quy trình kỹ thuật kiểm kê trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến các chỉ tiêu kiểm kê tính từ thời điểm kiểm kê trở về trước để làm số liệu nền của từng chỉ tiêu kiểm kê trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Phân nhóm các thông tin, số liệu theo từng chỉ tiêu kiểm kê;

Tổng hợp các thông tin, số liệu hiện có; đánh giá, đối chiếu, so sánh số liệu nền với số liệu hiện có và hiệu chỉnh sai lệch (nếu có);

Ghi số liệu, kết quả tổng hợp vào biểu mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

Cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và gửi kết quả kiểm kê về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

(iii) Quy trình kỹ thuật kiểm kê trên toàn quốc:

Tiếp nhận kết quả kiểm kê của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Xử lý, tổng hợp số liệu kiểm kê tổng số lượng của khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao trong toàn quốc;

Chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu kiểm kê toàn quốc vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia.

Quy trình kỹ thuật kiểm kê diện tích và tổng diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao

(i) Các chỉ tiêu cần kiểm kê:

Diện tích của từng khu bảo tồn: diện tích theo quyết định thành lập hoặc điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền và thực tế được giao quản lý của khu bảo tồn thiên nhiên;

Diện tích của các phân khu của khu bảo tồn: diện tích của từng phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính theo quyết định thành lập hoặc điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền và thực tế được giao quản lý;

Diện tích của từng cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học: diện tích theo quyết định thành lập hoặc điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền và thực tế được giao quản lý của từng cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được thành lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học;

Diện tích của từng hành lang đa dạng sinh học: diện tích theo quyết định thành lập hoặc điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền và thực tế được giao quản lý của từng hành lang đa dạng sinh học;

Diện tích của từng khu vực đa dạng sinh học cao: diện tích theo quyết định thành lập hoặc điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền và thực tế được giao quản lý của từng khu vực đa dạng sinh học cao;

Tổng diện tích đất khu bảo tồn: tổng diện tích đất của các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và toàn quốc;

Tổng diện tích đất cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học: tổng diện tích đất của các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học thành lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và toàn quốc;

Tổng diện tích hành lang đa dạng sinh học: tổng diện tích của các hành lang đa dạng sinh học trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và toàn quốc;

Tổng diện tích khu vực đa dạng sinh học cao: tổng diện tích khu vực đa dạng sinh học cao trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và toàn quốc.

(ii) Quy trình kỹ thuật kiểm kê trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến chỉ tiêu kiểm kê về diện tích theo các văn bản, quyết định thành lập, điều chỉnh (nếu có) do cơ quan có thẩm quyền ban hành của các khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao tính đến thời điểm kiểm kê để làm số liệu nền của chỉ tiêu kiểm kê trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Đánh giá, đối chiếu, so sánh số liệu nền với thực tế được giao quản lý của khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao;

Trường hợp số liệu nền khớp với thực tế được giao quản lý thì ghi số liệu, kết quả tổng hợp vào biểu mẫu tại Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

Trường hợp số liệu nền chưa khớp với thực tế, cần kiểm chứng thì tổ chức hoạt động điều tra thực địa như sau:

Tổ chức hoạt động điều tra, khảo sát thực địa để kiểm chứng số liệu: xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện trên thực địa; khảo sát, đo đạc, tính toán và ghi chép số liệu trên thực địa; tổng hợp các thông tin, số liệu kết quả điều tra, khảo sát thực địa và làm rõ lý do sai lệch;

Xây dựng bản đồ hiện trạng của từng chỉ tiêu kiểm kê đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ (nếu có);

Ghi số liệu, kết quả tổng hợp vào biểu mẫu tại Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

Cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và gửi kết quả kiểm kê về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

(iii) Quy trình kỹ thuật kiểm kê trên toàn quốc:

Tiếp nhận số liệu, kết quả kiểm kê của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Xử lý, tổng hợp số liệu kiểm kê tổng diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao trong toàn quốc;

Chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu kiểm kê toàn quốc vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia.

Quy trình kỹ thuật kiểm kê hệ sinh thái rừng

(i) Các chỉ tiêu cần kiểm kê:

Diện tích rừng tự nhiên: tổng diện tích rừng tự nhiên trong từng khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao;

Diện tích rừng ngập mặn: tổng diện tích rừng ngập mặn trong từng khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao.

(ii) Quy trình kỹ thuật kiểm kê:

Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến chỉ tiêu kiểm kê tính từ thời điểm kiểm kê trở về trước để làm số liệu nền của chỉ tiêu kiểm kê hệ sinh thái rừng;

Tổ chức hoạt động điều tra thực địa được triển khai theo quy trình điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

Đánh giá, đối chiếu, so sánh giữa số liệu nền với số liệu thực tế đo đạc trên thực địa và làm rõ lý do sai lệch (nếu có);

Xây dựng bản đồ hiện trạng các hệ sinh thái rừng tự nhiên, rừng ngập mặn trong từng khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ (nếu có);

Ghi số liệu, kết quả tổng hợp vào biểu mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và gửi kết quả kiểm kê về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quy trình kỹ thuật kiểm kê loài trong cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học

(i) Các chỉ tiêu cần kiểm kê:

Danh mục loài trong cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học: tổng số lượng và tên gọi (tên địa phương và tên khoa học) của các loài trong cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm các loài được cứu hộ hoặc nhân nuôi phục vụ mục đích bảo tồn;

Số lượng cá thể các loài trong cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học: số lượng cá thể từng loài trong cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm các loài được cứu hộ hoặc nhân nuôi phục vụ mục đích bảo tồn.

(ii) Quy trình kỹ thuật kiểm kê:

Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến chỉ tiêu kiểm kê tính từ thời điểm kiểm kê trở về trước để làm số liệu nền của chỉ tiêu kiểm kê loài trong cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học;

Tổ chức khảo sát, kiểm đếm trực tiếp và ghi chép số liệu tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học;

Đánh giá, đối chiếu, so sánh giữa dữ liệu thu thập với số liệu kiểm đếm trên thực tế và làm rõ lý do sai lệch (nếu có);

Ghi số liệu, kết quả tổng hợp vào biểu mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này;

Cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và gửi kết quả kiểm kê về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quy trình kỹ thuật quan trắc hệ sinh thái rừng

(i) Các chỉ thị cần quan trắc:

Diện tích rừng: tổng diện tích rừng trong từng khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao;

Tỷ lệ che phủ rừng: tỷ lệ phần trăm giữa diện tích rừng so với tổng diện tích đất tự nhiên trên phạm vi của khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao.

(ii) Quy trình kỹ thuật quan trắc:

Tổ chức hoạt động điều tra thực địa được thực hiện theo quy trình điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

Xây dựng bản đồ hiện trạng rừng trong từng khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ (nếu có);

Ghi số liệu, kết quả tổng hợp vào biểu mẫu tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này;

Cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và gửi kết quả quan trắc về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trách nhiệm thi hành

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý, đơn vị quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao và các tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét, quyết định áp dụng quy trình kỹ thuật kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học thuộc phạm vi quản lý phù hợp với nội dung quy định tại Thông tư này, đáp ứng yêu cầu về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học theo quy định.

Thông tư số 53/2024/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2025./.

Tải về

Trần Lan Hương
Tin khác
1 2 3 4 5