Luật An ninh mạng
năm 2018 (Số 24/2018/QH14) quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo
đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan. An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng
không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi
ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nhà nước áp
dụng các biện pháp để bảo vệ không gian mạng quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành
vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp
pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Điều 29 Luật An ninh mạng 2018 quy định về bảo vệ trẻ
em trên không gian mạng như sau: Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông
tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời
sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.Chủ quản hệ
thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng
Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm
kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh
nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến
trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội
dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời
thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ
Công an để xử lý. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian
mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của
trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho
trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em. Cơ quan, tổ chức, cha
mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm
bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy
định của pháp luật về trẻ em. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các
cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện,
ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ
em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.
Một buổi tham gia ngoại khóa tìm hiểu pháp luật về an ninh mạng của học sinh Trường Trung học cơ sở Bắc Cường - Thành phố Lào Cai
Đối với việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là một nội dung quan trọng Luật trẻ em
quy định bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ
em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm
hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.Việc bảo
vệ trẻ em trên không gian mạng quy định tại Điều 54, Luật Trẻ em năm 2016 về trách nhiệm bảo
vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách
nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới
mọi hình thức; cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục
kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường
mạng...
Theo Điều 101 Nghị định số
15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin
và giao dịch điện tử, các hành vi chia sẻ thông tin, cổ súy các hủ tục, mê tín,
dị đoan, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục; cung cấp, chia sẻ thông tin
miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; chia sẻ đường dẫn
đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm... có thể bị phạt tiền từ 10 triệu
đồng đến 20 triệu đồng.
Nghị định
130/2021/NĐ-CP ngày 30.12.2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, trong đó có nội dung xử phạt hành chính
về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…Vi phạm
về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng phạt tiền từ
10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi
kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng: Cung cấp, chia sẻ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ
em, thông tin, dịch vụ giả mạo, độc hại, khiêu dâm, bạo lực, xúi giục tự tử,
xuyên tạc, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến quyền và lợi ích
hợp pháp của trẻ em; Không cảnh báo
hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo,
độc hại, khiêu dâm, bạo lực, xúi giục tự tử, xuyên tạc, đe dọa, xúc phạm danh
dự, nhân phẩm, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em; Không sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn
về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh
báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư
của trẻ em; Không thực hiện yêu cầu xóa, gỡ bỏ
các thông tin cá nhân của trẻ em khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám
hộ của trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ trẻ em yêu
cầu; Không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại
theo mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi
tới; Không công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ,
sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em; Không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh,
tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành
mạnh của trẻ em; Không hướng dẫn sử dụng các dịch
vụ, thiết bị công nghệ thông tin để bảo vệ trẻ em; Không có biện pháp bảo vệ người tiếp cận thông tin,
sử dụng dịch vụ là trẻ em. Phạt tiền từ
20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò
chơi điện tử trên mạng khi không có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em
khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử. Trường hợp doanh nghiệp cung
cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có hành vi không áp dụng biện pháp, giải
pháp hạn chế giờ chơi của trò chơi điện tử G1 đối với trẻ em thì bị xử phạt vi
phạm hành chính theo quy định của Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành
chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ
thông tin và giao dịch điện tử.
Chương
IV Nghị
định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em quy định trách nhiệm bảo
vệ trẻ em trên môi trường mạng, gồm:
Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em
Thông tin bí mật đời sống
riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm
nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong
bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người
chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa
chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin
về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin
về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
Truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường
mạng
Cơ quan quản
lý nhà nước về thông tin, truyền thông; về giáo dục, đào tạo; về giáo dục nghề
nghiệp; về trẻ em; các tổ chức hoạt động vì trẻ em; tổ chức hoạt động trên môi
trường mạng có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực,
phổ biến kỹ năng cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, trẻ em và cơ
quan, tổ chức có liên quan về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng
đối với trẻ em; về việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi
trường mạng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông
tin và các lĩnh vực có liên quan.
Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm
giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi
trường mạng; trẻ em có bổn phận tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự
bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
Tổ chức, doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải hướng dẫn việc sử dụng dịch
vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ
em trên môi trường mạng.
Bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi
trường mạng
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi
trường mạng phải phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá
nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng;
ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật về an toàn
thông tin mạng.
Doanh nghiệp
kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng
dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em.
Doanh nghiệp
kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ
thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc
xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên môi trường mạng phải có công cụ kiểm
soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử.
Tổ chức, doanh
nghiệp, cá nhân hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải xây dựng
hoặc sử dụng, phổ biến phần mềm, các công cụ bảo vệ
trẻ em trên môi trường mạng.
Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi
trường mạng
Cơ quan, tổ
chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa
thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của
cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm
bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
Cơ quan, tổ
chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện
pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em,
các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật
đời sống riêng tư của trẻ em.
Cha, mẹ, người
chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có
trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan,
tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa
bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm
sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng
Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và
quản lý nhà nước về trẻ em; tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ
trên môi trường mạng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân
loại mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi
tới; công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo
mức độ an toàn đối với trẻ em; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh,
tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em.
Cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực
hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó Thủ tướng Chính
phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ
và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn
2021-2025”. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì thực hiện
Chương trình, có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc
kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, chính sách
về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng;
xây dựng và triển khai các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ việc kết nối, chia sẻ dữ
liệu, thu thập, phân tích thông tin nhằm ngăn chặn nội dung xâm hại trẻ em...
Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.