Năm 2023, nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Lào Cai được triển khai
Trong những năm vừa qua, công tác xử
phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố đã được lãnh đạo các cấp, ngành
quan tâm chỉ đạo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc theo đúng
trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả
quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Từ
đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan, đơn vị thành phố và UBND các xã, phường đã
triển khai, tuyên truyền các quy định mới của pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính được đẩy mạnh và được tiến hành thường xuyên cho 2.321 lượt người; biên
soạn và cấp phát trên 400 cuốn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ xử lý vi phạm về đất
đai, vi phạm về trật tự xây dựng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên
địa bàn; đã tổ chức 05 Hội nghị tập huấn triển khai (Triển khai Luật sửa đổi
một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số
118/2022/NĐ-CP, Nghị định số 116/2022/NĐ-CP, Nghị định số 04/2020; chính…),
03 Hội nghị tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính cho lãnh
đạo, công chức các cơ quan, đơn vị thành phố, UBND các xã, phường; thường xuyên
kiểm tra công tác quản lý đất đai, xây dựng, y tế, lâm nghiệp, vệ sinh an toàn
vệ sinh, an ninh trật tự… qua đó đã phát hiện và xử lý 743 trường hợp vi phạm,
thu nộp ngân sách nhà nước 979 triệu đồng, buộc phá dỡ 37 công trình xây dựng
trái phép và sử dụng đất không đúng mục đích... Cùng với đó, thành phố Lào Cai
đã thành lập 04 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý kỷ luật
trong thi hành pháp luật Xử lý vi phạm hành chính tại các xã, phường (Lào
Cai, Pom Hán, Duyên Hải, Đồng Tuyển) nhằm chấn chỉnh, xử lý những sai phạm
trong công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn; đã xử lý kỷ luật hành
chính đối với 05 cán bộ, công chức có liên quan để xẩy ra các vi phạm trong
lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Ảnh: Một công trình xây dựng
trái phép bị buộc tháo dỡ
Bên cạnh những kết quả đạt
được, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn
thành phố còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: trình tự, thủ tục
ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa đảm bảo đúng, đủ các bước
theo quy định (cơ quan, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính xác
định không đúng bản chất và hành vi vi phạm; một số vụ việc vi phạm có tính
chất phức tạp, chậm chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử lý...) dẫn đến
quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện gây ảnh
hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước; việc thi hành quyết định xử phạt vi
phạm hành chính chưa triệt để; công tác lưu trữ hồ sơ, thống kê, theo dõi, tổng
hợp, báo cáo kết quả xử phạt vi phạm hành chính chưa đầy đủ, kịp thời; công tác
phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành
chính chưa thường xuyên, liên tục, chưa có sự thống nhất.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn
chế trên, nhưng cơ bản vẫn là do cán bộ, công chức chưa thật sự đầu tư thời
gian để nghiên cứu, hiểu rõ các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và
các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như những văn bản pháp luật chuyên ngành,
nên khi áp dụng xác định hành vi vi phạm, mức phạt còn nhầm lẫn, sai sót; Ý
thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân còn thấp (có đối tượng cố
tình vi phạm pháp luật, khi bị xử phạt lại cố tình chây ỳ, không tự giác chấp
hành quyết định xử phạt); có đối tượng sau khi vi phạm lại không có điều kiện
thi hành quyết định xử phạt; công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong
việc tuyên truyền chưa đều khắp ở các lĩnh vực; chưa có cơ chế rõ ràng trong
việc phối hợp thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính giữa các cơ quan
nhà nước và chính quyền cơ sở.
Từ thực trạng thi hành pháp luật
xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua và yêu
cầu nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo, để tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố
đối với công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng
thời nâng cao nhận thức pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với mọi tầng
lớp Nhân dân trên địa bàn, Thành phố Lào Cai đã đề ra một số giải pháp như
sau:
Một là, tăng cường
công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về XLVPHC và các văn bản pháp
luật thuộc các lĩnh vực hay phát sinh vi phạm hành chính như đất đai, xây dựng,
môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, giao thông, an ninh trật tự, phòng,
chống cháy nổ... đến mọi tầng lớp Nhân dân, nâng cao nhận thức, ý thức thượng
tôn Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội.
Hai là, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về
XLVPHC cho đội ngũ tham mưu quản lý nhà nước về XLVPHC và những người có thẩm
quyền XLVPHC trên địa bàn, qua đó, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ XLVPHC,
kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật
về XLVPHC, hạn chế những sai sót trong quá trình thực thi công vụ về XLVPHC;
Ba là, xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy cho các cơ quan chức năng, tăng
cường đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác thi hành pháp
luật XLVPHC đủ về số lượng và có năng lực nghề nghiệp, trình độ
chuyên môn vững vàng về XLVPHC;
Bốn là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá
trình kiểm tra và xử lý các quyết định xử phạt VPHC. Tăng cường trách
nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt VPHC thông qua cơ chế kiểm tra, xử lý kỷ
luật theo quy định tại Nghị định 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ
quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật XLVPHC;
Năm là, quan tâm bảo đảm các điều kiện cho công tác thi hành pháp
luật XLVPHC như xây dựng cơ chế tài chính, cơ sở vật chất và trang
thiết bị, cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác thi hành pháp luật về XLVPHC; chuẩn
bị các điều kiện để tiếp nhận và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong
quản lý dữ liệu XLVPHC (Phần mềm dùng chung quản lý, theo dõi các vụ
vi phạm hành chính) theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.
Sáu là, thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật để phát hiện và
kịp thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật
về XLVPHC nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ của pháp
luật về XLVPHC trên các lĩnh vực.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp
nêu trên, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, sự giám
sát của Nhân dân, công tác quản lý XLVPHC trên địa bàn thành phố Lào
Cai năm 2023 sẽ có những chuyển biến tích cực, khắc phục được những tồn tại,
hạn chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phát
triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.