Nâng cao năng lực và kỹ năng cho hoà giải viên ở cơ sở trên địa bàn huyện Văn Bàn
Thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”. UBND huyện Văn Bàn đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND về triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” và Kế hoạch số 92/KH-UBND về triển khai, thực hiện công tác Hòa giải ở cơ sở. Theo đó, UBND huyện đã kiện toàn đội ngũ tập huấn viên cấp huyện và yêu cầu UBND các xã, thị trấn rà soát, đánh giá, kiện toàn tổ hoà giải, bảo đảm số lượng, tiêu chuẩn, thành phần theo đúng quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ủy ban nhân dân các xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải trên địa bàn. Thông qua vai trò của Mặt trận trong việc thành lập Tổ hòa giải ở thôn, bản đã góp phần khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khi giải quyết tận “gốc” các mâu thuẫn, tranh chấp.
Triển khai kế hoạch 231/KH-UBND về triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”. Phòng tư pháp đã triển khai tổ chức 05/05 Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải ở cơ sở cho 967 đại biểu là Lãnh đạo UBND xã, thị trấn, Chủ tịch UBMTTQ xã, thị trấn, công chức TP-HT, Tổ Trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên của 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt 100% kế hoạch đề ra. Phối hợp với Hội Luật gia tỉnh Lào Cai tổ chức 01 hội nghị truyền thông về Luật hòa giải ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới cho 168 cán bộ thôn của 4 xã Liêm Phú, Tân An, Hòa Mạc, Khánh Yên Thượng. Trong các hội nghị tập huấn, hoà giải viên được các báo cáo viên bố trí thời gian thực hành theo phương pháp nhập vai xử lý tình huống hoà giải, trong quá trình tập huấn báo cáo viên còn lồng ghép tuyên truyền những nội dung pháp luật liên quan đến thực tế hoà giải ở cơ sở như: luật đất đai, luật hôn nhân gia đình…và một số kỹ năng hoà giải trong giải quyết tranh chấp đất đai, trao đổi, thảo luận về những khó khăn vướng mắc thường gặp tại cơ sở. Bên cạnh đó, các hoà giải viên tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do tỉnh, huyện tổ chức. Các hoà giải viên thường xuyên được cập nhật kiến thức qua các hội nghị phổ biến pháp luật các đợt trong năm và hội nghị tập huấn chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2024. Trong năm, phòng Tư pháp in và cấp phát 2.000 tờ rơi nội dung về hòa giải ở cơ sở cho 193 tổ hòa giải trên địa bàn huyện. UBND huyện đã cấp kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở là 746.500.000 đồng, trong đó cấp huyện là 200.000.000 đồng, cấp xã là 546.500.000 đồng.
Tính đến ngày 30/11/ 2024 trên địa bàn huyện có 193 tổ hòa giải với 934 hòa giải viên, các tổ hoà giải đã tiếp nhận tổng số 171 vụ việc, trong đó, hòa giải thành 166/171 vụ việc đạt 97%; Hòa giải không thành: 05 vụ việc chiếm 3%, vụ đang giải quyết 0. (so với năm 2023 có tổng số 295 vụ việc trong đó, hòa giải thành 283/295 vụ việc đạt 96%; Hòa giải không thành: 12 vụ việc chiếm 4%). Tỷ lệ hoà giải thành năm 2024 tăng 1% sơ với năm 2023. Các vụ việc tranh chấp chủ yếu thuộc các lĩnh vực như: về đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình…. Đến nay toàn huyện đã thành lập mô hình tổ hòa giải ở cơ sở điển hình được thành lập và ra mắt đi vào hoạt động tại 22/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nhờ phát huy tốt hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở, đã góp phần giảm thiểu công việc giải quyết các vụ việc ở cơ sở của cán bộ, công chức chính quyền cấp xã, tiết kiệm được thời gian, công sức của người dân, thông qua đó, tiết kiệm được chi phí so với việc đẩy vụ việc lên cơ quan cấp xã, cấp huyện giải quyết. Khơi dậy và phát huy tình đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, cảm thông giữa các gia đình, giữa các cá nhân, không nặng nề về thắng thua, hơn thiệt, kết quả hòa giải ở thôn, tổ dân phố được nhân dân đồng tình ủng hộ, đã góp phần triệt tiêu các mâu thuẫn, mọi người sống vui vẻ, hòa thuận. Phát huy điểm mạnh của hoạt động hòa giải ở cơ sở, các xã, thị trấn đã đi đến thống nhất thành lập Mô hình hòa giải điển hình ở thôn, bản, tổ dân phố.
Từ thực tế trên cho thấy, yêu cầu nâng cao chất lượng năng lực và kỹ năng cho hoà giải viên ở cơ sở rất cần thiết. UBND huyện Văn Bàn tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” như sau:
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Duy trì củng cố kiện toàn mạng lưới tổ hoà giải ở cơ sở và đội ngũ hoà giải viên… nhằm giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.
- Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên mới được kiện toàn.
- Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng các quy định của pháp luật về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của tổ hòa giải và chi thù lao cho hòa giải viên tham gia hòa giải vụ việc; kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện và biểu dương, khen thưởng những tổ hòa giải, hòa giải viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.