Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Một số kết quả nổi bật qua 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 311

Qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Từ đó, quan tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, thực hiện.

Triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 03 Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh  ban hành 39 văn bản; Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành 12 văn bản; các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh ban hành 28 văn bản; Ủy ban nhân dân, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành 225 văn bản triển khai thực hiện Luật. Qua 10 năm triển khai thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Công tác quán  triệt, phổ biến truyền thông về Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đến các đối tượng liên quan đã được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai bằng nhiều hình thức. Sở Tư pháp đã tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Hòa giải ở cơ sở tại Hội nghị tuyên truyền pháp luật đợt II/2013 cho 194 đại biểu là báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Lồng ghép phổ biến các quy định của pháp luật về hoà giải ở cơ sở tại 23 hội nghị nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cho hơn 5.000 lượt người; 19 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho gần 4.000 lượt người. Biên soạn, cấp phát 5.942 tài liệu về hoà giải ở cở sở cho Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố; Ủy nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh ký kết và triển khai Chương trình phối hợp số 42/CTPH-TAND-STP ngày 17/6/2019 về phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019-2023. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp tăng cường công tác phối hợp với Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền chuyên đề về Luật Hòa giải ở cơ sở hoặc lồng ghép việc phổ biến, quán triệt Luật vào Hội nghị tuyên truyền pháp luật theo các buổi họp giao ban; họp thôn, bản, tổ dân phố với 5.158 buổi cho 1.030.620 lượt người và 6.740 lần tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở.

Hoạt động nâng cao năng lực cho người làm công tác hoà giải ở cơ sở được chú trọng. Tỉnh Lào Cai có 09 tập huấn viên cấp tỉnh và 113 tập huấn viên cấp huyện. Đây là đội ngũ đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Đội ngũ này thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật thông qua các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tổ chức. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến pháp luật, nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho đội ngũ hoà giải viên được tăng cường. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp đã phối hợp với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp tổ chức 02 Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải cho gần 200 hoà giải viên của các huyện Si Ma Cai, Mường Khương. Đồng thời tổ chức 20 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên. Tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức thành công Cuộc thi hòa giải viên giỏi trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023. Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi video. Đội thi hòa giải viên giỏi của tỉnh Lào Cai đã đạt giải khuyến khích tại Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, IV do Bộ Tư pháp và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức vào các năm 2016, 2023. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 61 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở gần 15.000 lượt hoà giải viên của các tổ hoà giải của địa phương. UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho đội ngũ hoà giải viên của địa phương trên địa bàn. Lồng ghép phổ biến các văn bản pháp luật do trung ương và địa phương ban hành cho đội ngũ hoà giải viên của địa phương tại 3.792 Hội nghị phổ biến pháp luật theo đợt và 13.560 Hội nghị tuyên vận hàng tháng.

Hoạt động kiểm tra việc thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở được tăng cường. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và công tác hoà giải ở cơ sở tại 09 huyện, thị xã, thành phố và 30 đơn vị cấp xã. Sở Tư pháp đã tổ chức 16 cuộc kiểm tra chuyên đề về công tác hoà giải ở cơ sở tại 02 huyện và 17 đơn vị cấp xã trên địa bàn các huyện Bảo Yên, Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát; lồng ghép kiểm tra việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thông qua hoạt động kiểm tra thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 41 xã đăng ký về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 154 đợt kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Nguồn lực thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở được đảm bảo và quan tâm. Hiên nay tỉnh Lào Cai có 176 cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở  các cấp có trình độ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, tổng kinh phí chi cho công tác này từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 10.254.479.400 đồng. 

Tình hình tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 1.541 tổ hòa giải với 7.386 hòa giải viên. Các tổ hòa giải được thành lập tại các thôn, tổ dân phố có cơ cấu từ 03 đến 05 hòa giải viên với thành phần gồm: Tổ trưởng là Trưởng thôn/Tổ trưởng tổ dân phố, Tổ phó là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn/tổ dân phố, các tổ viên được lựa chọn trong số người là Công an viên, Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Bí thư chi đoàn, cán bộ hưu trí, người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người có uy tín trong cộng đồng dân cư và người dân tộc thiểu số. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm hòa giải viên của Tổ hòa giải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. 100% các tổ hòa giải được Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ban hành Quyết định kiện toàn. Trong 10 năm qua, các tổ hòa giải tại các thôn, tổ dân đã tiến hành hòa giải 15.400 vụ việc. Nội dung chủ yếu của các vụ việc tập trung vào các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai và các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt cộng đồng dân cư. Trong đó: số vụ việc hòa giải thành: 12.833 vụ việc; số vụ việc hòa giải không thành: 2.312 vụ việc; Số vụ việc chưa giải quyết xong: 255 vụ việc. Tỷ lệ hoà giải thành đạt 83,3%. Tính trung bình hàng năm các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và tiến hành hòa giải: 1.540 vụ việc, trong đó số vụ việc hòa giải thành là 1.283 vụ việc. Một số huyện của tỉnh Lào Cai có tỷ lệ hòa giải thành cao như: Huyện Bảo Yên (trên 85%); huyện Mường Khương (87%); huyện Văn Bàn (84%); huyện Si Ma Cai (94 %); huyện Bắc Hà (94%). Các số liệu thống kê minh chứng đã cho thấy trình độ, năng lực của hòa giải viên ở cơ sở ngày càng được nâng lên. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Điều này được thể hiện thông qua tỷ lệ hòa giải thành các năm gần đây đều duy trì ở mức từ 79% đến trên 80%. Việc xây dựng các mô hình điển hình về hoà giải ở cơ sở đã được các địa phương trong tỉnh quan tâm. Hiện nay trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có 23 mô hình điển hình về hoà giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở trong thời gian tới tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

(i) Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các Đề án, Chương trình phối hợp có liên quan đến công tác hoà giải ở cơ sở, trong tâm là Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT/CP-UBTUWMTTQVN ngày 18/11/2014 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ Tài chính quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hoà giải ở cơ sở.

(ii) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở.

(iii) Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ hoà giải. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải và cung cấp tài liệu cho đội ngũ tập huấn viên và đội ngũ hoà giải viên.

(iv) Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở./.

anh tin bai

Ảnh: Kim Xuyến

Lan Hương
Tin khác
1 2 3