Một số quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Pháp
lệnh xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có hiệu lực thi
hành từ ngày 01/9/2022. Pháp lệnh gồm 4 chương, 48 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày
01/9/2022.
Về phạm vi điều chỉnh,
Pháp lệnh quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành
chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn
và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành
quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Pháp lệnh này, bao
gồm: 2 biện pháp đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (buộc khôi
phục lại tình trạng ban đầu; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực
hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng); 6 biện pháp khác đã được Chính phủ quy
định tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực có
liên quan (buộc xin lỗi công khai; buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu,
vật có chứa bí mật điều tra; buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí
mật điều tra; buộc thu hồi thông tin sai sự thật; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự
thật; buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh).
Nguyên tắc áp
dụng biện pháp khắc phục hậu quả thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 28
của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trường
hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động
tố tụng
Pháp lệnh quy
định trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc
xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thì có thể
áp dụng các biện pháp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 119 của
Luật Xử lý vi phạm hành chính, gồm: Tạm giữ người; áp giải người vi phạm; tạm
giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính.
Nguyên tắc áp
dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi
cản trở hoạt động tố tụng thực hiện theo quy định tại Điều 120 của Luật Xử lý
vi phạm hành chính.
3
nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Đối với hành vi
cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả,
Pháp lệnh quy định cụ thể hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt
và biện pháp khắc phục hậu quả đối với 3 nhóm hành vi.
Cụ thể, nhóm
hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, gồm: Hành vi tố giác, báo tin về tội
phạm sai sự thật; hành vi tiết lộ bí mật điều tra; hành vi vi phạm quy định về
sự có mặt theo giấy triệu tập; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức
hoặc cá nhân tham gia tố tụng; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập
chứng cứ; hành vi ngăn cản việc cấp, giao nhận, thông báo hoặc không thực hiện
trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng; hành
vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng.
Nhóm thứ hai là
nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem
xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, đưa
người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt
buộc, gồm: Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án; hành vi
cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu
cầu của tòa án; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ
quan, người có thẩm quyền; hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt,
thông báo văn bản tố tụng của tòa án; hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ
án, vụ việc; hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của tòa án;
xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền
hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án và hành vi đưa
tin sai sự thật.
Nhóm thứ ba là
hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố
tụng; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, gồm: Hành vi vi phạm
nội quy phiên tòa, phiên họp và hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng.
Để bảo đảm nguyên
tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý đúng với tính chất, mức độ vi
phạm theo pháp luật hành chính và pháp luật hình sự, Pháp lệnh quy định: Khi
xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành
vi vi phạm quy định tại Pháp lệnh này có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền
xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành
tố tụng hình sự.