Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2021
Lượt xem: 288
Sáng ngày (23/12), Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tới dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tư pháp năm 2021. Dự Hội nghị có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban nội chính trung ương, các đồng chí là Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UNBD tỉnh ở các điểm cầu địa phương; đại diện các sở, ban, ngành ở địa phương và đại diện lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự . Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo phòng tư pháp các huyện, thành phố, thị xã.

Năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016 - 2020, công tác chỉ đạo, điều hành của ngành Tư pháp đã bám sát với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội. Là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, tham mưu để kịp thời góp ý, thẩm định các chính sách, quy định ứng phó với đại dịch Covid-19. Năm 2020, toàn ngành đã thẩm định 5.808 dự thảo văn bản, tính cả nhiệm kỳ là trên 42.000 văn bản.

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Lào Cai.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được triển khai hiệu quả, chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Song song với các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống, các mô hình mới, hiệu quả, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả cả trong thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19,  như: Triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật mới theo hình thức trực tuyến; thi tìm hiểu pháp luật gắn với các lĩnh vực, các nhóm đối tượng cụ thể, trong đó có thi trực tuyến…

Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được chú trọng triển khai, đóng góp tích cực trong việc xây dựng sự khối đoàn kết, giảm thiểu tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội. Trong năm, cả nước tiếp nhận trên 131.000 vụ việc hòa giải, trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt 80,73%. Tính cả nhiệm kỳ, cả nước đã tiếp nhận, giải quyết trên 707.000 vụ việc hòa giải, trong đó có khoảng 80% số vụ việc được hòa giải thành.

Các công tác khác, như thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý tiếp tục được chú trọng triển khai và tạo nhiều chuyển biến tích cực.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2021 và nhiệm kỳ mới 2021 - 2025, Bộ, ngành Tư pháp pháp xác định tiếp tục phát huy vai trò trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, nhất là những văn bản có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước và bổ trợ tư pháp; tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, hành chính, hằng năm giảm lượng án chuyển kỳ sau, bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật tố tụng hành chính…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Bộ, ngành Tư pháp đã đạt được thời gian qua. Trong năm mới, nhiệm kỳ mới với những thời cơ và thách thức mới, đồng chí yêu cầu toàn ngành Tư pháp  tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, có hiệu lực, hiệu quả cao, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm; tiếp tục tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt hơn nữa vai trò trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật; tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; đẩy mạnh kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật dể kịp thời phát hiện, xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn; chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước…

Ngọc Mai
Tin khác
1 2 3