Quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện
Đây là nội dung Thông tư liên tịch số 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 27/02/2025 của Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Thông tư liên tịch này quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) được áp dụng đối với: (i) Cơ quan Cảnh sát điều tra, cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan quản lý, thi hành án hình sự của Công an nhân dân; (ii) Viện kiểm sát nhân dân; (iii) Tòa án nhân dân; (iv) Người có thẩm quyền của các cơ quan trên và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.Theo đó
Việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân; việc thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ việc, vụ án khi không tổ chức Công an cấp huyện; việc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và việc kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện được thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch này và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực mà không trái với quy định của Thông tư liên tịch.
Cơ quan ban hành các lệnh, quyết định, thông báo, bản án và các văn bản khác trong tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự phải gửi đến cơ quan có thẩm quyền và có trách nhiệm thi hành theo thẩm quyền được quy định trong Thông tư liên tịch này và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực mà không trái với quy định của Thông tư liên tịch.
Hoạt động phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự được quy định cụ thể tại các Chương II, III của Thông tư liên tịch.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện chủ động tiến hành rà soát, thống kê, tổng hợp, chốt danh sách hồ sơ vụ việc, vụ án, tài liệu, vật chứng, tài sản đang thụ lý, quản lý, giải quyết và bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra
Công an cấp tỉnh khi không tổ chức Công an cấp huyện để tiếp tục tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, Thông tư liên tịch này và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Đối với những vụ việc, vụ án đang tạm đình chỉ thì khi có căn cứ phục hồi, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định phục hồi và tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật và Thông tư liên tịch này.
Thông tư liên tịch số 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2025./.
Tải về