Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Năm 2022, công tác PCTN
trên địa bàn tỉnh luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đạt được
nhiều kết quả rõ rệt, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế -
xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các chủ trương,
nhiệm vụ, giải pháp về PCTN đã được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị triển
khai thực hiện tích cực, đồng bộ, có hiệu quả. Các quy định của Đảng, pháp luật
của Nhà nước về phòng chống tham nhũng được ban hành và tổ chức
thực hiện nghiêm túc và UBND tỉnh Lào Cai quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Rõ nét trong các hình
thức là tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng
ngày càng đa dạng, phong phú, cụ thể và thiết thực. Các cấp, các ngành đã chấp
hành việc công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; thường xuyên
rà soát, sửa đổi các văn bản quy định về chế độ định mức, tiêu chuẩn phù hợp
với quy định hiện hành; cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị
địa phương. Các cuộc thanh tra được triển khai đảm bảo nội dung, tiến độ theo
kế hoạch đã được phê duyệt; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là tố
cáo hành vi tham nhũng được các cấp, các ngành kịp thời xem xét giải quyết.
Năm 2022, UBND tỉnh ban hành một số văn bản chỉ đạo, điều hành, yêu cầu các cấp, các
ngành nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định về công tác phòng, chống
tham nhũng; chỉ đạo các cấp,
các ngành tiếp
tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, pháp luật về công tác PCTN và các
văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung PCTN vào
giảng dạy theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ;
thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban
Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền
PCTN; Hướng dẫn số 27-HD/BTGTW ngày 20/02/2017 của Ban tuyên giáo Trung ương về hướng dẫn
công tác tuyên truyền về PCTN, lãng phí; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 01/8/2022 của Ban
Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hướng dẫn một số nội
dung về công tác phòng, chống tiêu cực. Việc tổ chức tuyên truyền được các cấp,
các ngành thực hiện thông qua các hình thức phù hợp, đảm bảo các biện pháp an
toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của
tỉnh. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 257/KH-UBND ngày 18/7/2022 về tổ chức Cuộc
thi Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2022 và tổ chức
cuộc thi theo hình thức sân khấu hóa, ghi hình cuộc thi gameshow truyền hình và
phát sóng 12 số. Chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành 04 kế hoạch tuyên truyền phổ biến
pháp luật 4 đợt/năm, trong năm 2022, kết quả hoạt động PBGDPL trên địa bàn toàn
tỉnh đã tổ chức 22.703 cuộc phổ biến GDPL trực tiếp với 2.195.955 lượt người
tham dự; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật 16 cuộc thi với số lượt người dự thi
244.610 lượt người; số tài liệu PBGDPL được phát hành tổng số 154.001, trong đó
số lượng tài liệu đăng tải trên Internet là 10.619.

Phần thi chào hỏi của Đội huyện Bảo Yên trong Cuộc thi Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2022
Thực hiện các biện pháp phòng
ngừa tham nhũng trong triển khai công tác cải cách hành
chính tỉnh Lào Cai năm 2022 góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,
nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ người dân, doanh
nghiệp. Thực hiện thẩm tra quyết toán dự
án, kinh phí hoàn thành theo quy định tại Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày
11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống biểu mẫu sử dụng trong công
tác quyết toán. Số dự án, công trình (HMCT) hoàn thành quyết toán trong năm 2022 là 397
công trình, hạng mục công trình (các huyện, thị xã, thành phố là 285 dự án; Sở
Tài chính Lào Cai 112 dự án).
Ông Nguyễn Đức Minh Phó chánh thanh tra tỉnh cho biết:
Thực hiện
quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn các cấp, các ngành tăng cường quán triệt tới toàn thể cán bộ, công
chức, viên chức thực hiện nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền
hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và các văn bản của Trung ương, của
tỉnh nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, có thái độ xử sự đúng mực trong thi hành
nhiệm vụ, công vụ tạo môi trường văn minh, lịch sự trong các cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác tập trung ở các lĩnh
vực, ngành, nghề định kỳ phải chuyển đổi vị trí công tác theo đúng Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Phòng, chống tham nhũng.Toàn tỉnh
có 26 cơ quan đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định đối với
320 cán bộ, công chức, viên chức.
Trong thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ
trong quản lý hành chính và thanh toán không dùng tiền mặt các cơ quan, đơn vị
thực hiện nghiêm các nội dung Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng
Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà
nước các cấp trong cải cách thủ tục hành chính; chủ động, tích cực xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng,
gửi, nhận văn bản điện tử; tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin,
ứng dụng chữ ký số cá nhân; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và tái cấu trúc quy
trình giải quyết thủ tục hành chính; thường xuyên đối thoại, lấy ý kiến của các
tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về những quy định không còn phù hợp, gây cản
trở, khó khăn cho hoạt động kinh doanh; đồng thời tích cực tham gia góp ý vào
phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh
doanh… đẩy mạnh truyền thông và quảng bá hiệu quả về dịch vụ công trực tuyến
của cơ quan để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc
sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Từng bước làm thay đổi thói quen của công dân
trong việc sử dụng dịch vụ công thông qua các bộ phận một cửa, giúp người dân,
doanh nghiệp lựa chọn hình thức xử lý dịch vụ công phù hợp. Đến nay, tổng số
thủ tục hành chính công được áp dụng tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh là 1.966 thủ tục (cấp tỉnh là 1.517, cấp huyện là 304, cấp
xã là 145), trong đó số thủ tục hành chính công được áp dụng lên mức độ 4 tại
cơ quan, tổ chức, đơn vị là 1.364/1.761 thủ tục, đạt 77%. Tỷ lệ thanh toán
không dùng tiền mặt chiếm trên 85% tổng thanh toán chung qua hệ thống ngân hàng.

Báo cáo viên pháp luật cấp huyện thực hiện phần thi thuyết trình
Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh giới thiệu nội
dung về kê khai tài sản
Thực hiện các quy định về kiểm soát tài
sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ông Nguyễn Văn Nhất trưởng phòng phòng chống tham nhũng của
Thanh tra tỉnh đã cho biết: Thanh tra tỉnh hướng dẫn các cơ quan, đơn vị kê khai minh bạch
tài sản, thu nhập lần đầu, kê khai hằng năm, kê khai bổ sung năm 2022 và đề nghị
các cơ quan, đơn vị triển khai kiểm tra, rà soát người có nghĩa vụ phải kê khai
hằng năm, kê khai bổ sung, kê khai lần đầu theo đúng quy định. Kết quả số cơ
quan, đơn vị đã tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập là 832; Số
người phải kê khai tài sản, thu nhập là 3.902, số bản kê khai đã được công khai theo quy
định đạt 100%.
Kết quả xử lý trách nhiệm
của người đứng đầu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên kiểm
tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ, tăng cường kiểm tra ở các
lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng thông qua công tác giải quyết đơn thư khiếu nại,
tố cáo, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm trên các lĩnh vực...
góp phần trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc tiêu cực, tham
nhũng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Qua công tác thanh tra, kiểm tra năm
2022, chưa phát hiện trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị nào bị xử lý kỷ
luật do để xảy ra tham nhũng.
Việc quán
triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách pháp luật về Phòng, chống
tham nhũng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, cơ
quan truyền thông trong tỉnh đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả
công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà
nước về Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Quá trình thực hiện công tác phòng chống tham nhũng
các cấp, các ngành phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, chỉ đạo kịp
thời, chính xác về công tác PCTN của tỉnh. Báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và
Truyền thông, Sở Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể... đã tích
cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về
công tác PCTN tới các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. UBND
tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành
viên trong việc thực hiện các góp ý, phản biện xã hội; tích cực thực hiện các
chương trình phối hợp giám sát, chú trọng những nội dung, lĩnh vực nhạy cảm,
dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, gây sách nhiễu, phiền hà đối với người dân
và doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp tiếp
nhận, xử lý các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp; phối hợp triển khai
quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng
phí, quy chế dân chủ ở cơ sở; phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN.
Ông Nguyễn Đức Minh phó
chánh thanh tra tỉnh cho biết: Trong thời gian tới tình hình tham nhũng còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, các cấp, các ngành cần chủ động
thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng, trọng tâm là thực hiện
tốt việc tự kiểm tra nội bộ trong cơ quan, đơn vị gắn với việc thực hiện tốt
quy chế dân chủ cơ sở, nhất là lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tiêu cực, dễ xảy ra
tham nhũng.
Một năm kết thúc đã khẳng
định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác PCTN trên địa bàn
Lào Cai được nâng lên cả chất và lượng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của
các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đảng viên, cán bộ công chức, viên chức,
nhân dân về công tác PCTN gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức
phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai. Để làm tốt công tác phòng
chống tham nhũng trong năm 2023 các cơ
quan, đơn vị cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương,
chính sách, pháp luật, các văn bản liên quan đến công tác PCTN. Tăng cường phối
hợp với các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan báo chí, các doanh
nghiệp trong tỉnh; phối hợp với các cơ quan điều tra, khởi tố, xét xử kịp thời
ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ
quan để xảy ra tham nhũng.