Tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn, chống gian lận hoàn thuế GTGT
Ngày 01/6/2022,
Tổng cục Thuế ban hành Công văn 1873/TCT-TTKT tăng cường rà soát, kiểm tra phát
hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn, chống gian lận hoàn thuế.
Theo đó để kịp thời
phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hóa đơn nhằm thu lợi
bất chính, Tổng cục Thuế đề nghị Cơ quan Thuế các cấp căn cứ vào các quy định
hiện hành, tiếp tục thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo tại các văn bản: Công
văn số 3928/TCT-TTKT ngày 18/09/2020 v/v tăng cường các giải pháp của cơ quan
Thuế về ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng
hóa đơn; Công văn số 2838/TCT-KTNB ngày
28/07/2021 v/v chấn chỉnh, kiểm tra, rà soát, có biện pháp phòng ngừa xử lý đối
với NNT có rủi ro về hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp...
Ngoài ra, cần thực hiện
đồng bộ các biện pháp cụ thể như sau:
Cơ quan thuế các cấp tổ chức triển khai, phổ
biến, tổ chức thực hiện, tổng kết, đánh giá và trao đổi kinh nghiệm về các dấu
hiệu, hành vi vi phạm trong việc quản lý hóa đơn: Phát hành, sử dụng, mua bán
hóa đơn không hợp pháp. Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá phân loại các
doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn thông qua các dấu hiệu nghi vấn.
Trường hợp có rủi ro cao về thuế thì cơ quan thuế yêu cầu giải trình làm rõ.
Khi chứng minh được cơ sở nghi vấn rủi ro thì đưa vào kiểm tra giám sát trọng
điểm, còn qua giải trình không đủ cơ sở chứng minh rủi ro thì tổ chức thanh tra, kiểm tra thuế kết hợp với kiểm
tra hóa đơn ngay.
Một số dấu hiệu, hành vi vi phạm gồm:
-
Doanh nghiệp thay đổi người đại diện trước pháp luật từ 2 lần trở lên trong
vòng 12 tháng hoặc thay đổi người đại diện trước pháp luật
đồng thời chuyển địa điểm kinh doanh;
- Doanh nghiệp có số lần
thay đổi trạng thái hoạt động hoặc số lần thay đổi kinh doanh từ 2 lần trong
năm.
- Doanh nghiệp mới thành
lập có địa điểm kinh doanh không cố định (chuyển địa điểm kinh doanh nhiều lần
trong 1-2 năm hoạt động).
- Doanh nghiệp chuyển địa
điểm hoạt động kinh doanh sau khi đã có Thông báo không hoạt động tại địa chỉ
đã đăng ký.
- Doanh nghiệp thành lập
do các cá nhân có quan hệ gia đình cùng tham gia góp vốn như Vợ, Chồng, anh,
chị em ruột....
- Doanh nghiệp thành lập
mới do người đứng tên giám đốc, đại diện theo pháp luật có Công ty do cơ quan
thuế đã có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh (còn nợ thuế), tạm ngừng hoạt động
kinh doanh có thời hạn.
- Doanh nghiệp thành lập
nhiều năm không phát sinh doanh thu, sau đó bán lại, chuyển nhượng cho người
khác.
- Doanh nghiệp thành lập
không có giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản nhưng xuất hóa đơn tài
nguyên, khoáng sản.
- Doanh nghiệp có hàng
hóa bán ra, mua vào không phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng vùng.
- Doanh nghiệp chưa nộp
đủ vốn điều lệ theo đăng ký;
- Các doanh nghiệp mua
bán, sáp nhập với giá trị dưới 100 triệu đồng;
- Doanh nghiệp kinh doanh
siêu thị (bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, hàng điện máy); kinh doanh ăn uống, nhà
hàng, khách sạn; kinh doanh vận tải; kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh
xăng dầu; kinh doanh trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi; kinh doanh
khoáng sản (than, cao lanh, quặng sắt ...); kinh doanh nông lâm sản (dăm gỗ, gỗ ván, gỗ thanh,...); có phát sinh ngành nghề cho
thuê nhân công (phát sinh lớn).
- Doanh thu tăng đột
biến, cụ thể: Kỳ kê khai trước doanh thu rất thấp, xấp xỉ bằng 0 nhưng kỳ sau
đột biến về doanh thu hoặc có doanh thu kỳ sau đột biến tăng (từ 3 lần trở lên
so doanh thu bình quân của các kỳ trước) nhưng số thuế giá trị gia tăng
(GTGT) phát sinh phải nộp thấp (thuế GTGT phải nộp < 1 % doanh số phát sinh
trong kỳ);
- Doanh thu lớn nhưng kho
hàng không tương xứng hoặc không có kho hàng, không phát sinh chi phí thuê kho;
- Doanh thu kê khai hàng
năm phát sinh từ trên 10 tỷ đồng nhưng số thuế phát sinh phải nộp thấp dưới 100
triệu đồng (1 %);
- Doanh nghiệp sử dụng
hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 đến 2000 số hóa đơn). Số lượng hóa đơn xóa bỏ
lớn, bình quân chiếm khoảng 20% số hóa đơn sử dụng.
- Doanh nghiệp sử dụng
hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ,
Thông tư số 78/2021/TT-BTC có
số lượng hóa đơn điện tử giảm bất thường so với số lượng hóa đơn đã sử dụng
theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP .
- Doanh nghiệp không có thông báo phát hành hóa đơn hoặc có thông
báo phát hành nhưng không có báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (hoặc chậm báo
cáo).
- Doanh nghiệp có giá trị hàng hóa bán ra, thuế GTGT đầu ra bằng hoặc chênh lệch rất nhỏ so với giá trị hàng hóa mua
vào, thuế GTGT đầu vào.
- Doanh nghiệp có hàng
hóa dịch vụ bán ra không phù hợp với hàng hóa dịch vụ mua vào;
- Doanh nghiệp có doanh
thu và thuế GTGT đầu ra, đầu vào lớn nhưng không phát sinh số thuế phải nộp, có
số thuế GTGT âm nhiều kỳ.
- Doanh nghiệp không có
tài sản cố định hoặc giá trị tài sản cố định rất thấp;
- Doanh nghiệp có giao
dịch đáng ngờ qua ngân hàng (tiền vào và rút ra ngay trong ngày);
- Doanh nghiệp sử dụng
lao động không tương xứng với quy mô và ngành nghề hoạt động;
- Một cá nhân đứng tên
(người đại diện theo pháp luật) thành lập, điều hành nhiều doanh nghiệp.
Trong công tác thanh tra, kiểm
tra, cần thực hiện những công việc như: Xác minh chứng từ, hóa đơn nguồn
gốc của hàng hóa mua vào đến khâu cuối cùng (khi có dấu hiệu xuất hóa đơn lòng
vòng); Kiểm tra thực tế kho hàng, thông tin về giao nhận hàng hóa từng lần xuất
hàng; Kiểm tra, xác minh hàng hóa mua vào trong trường hợp NNT có đầu vào mua
từ các doanh nghiệp hoạt động tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu,
hàng hóa đó; So sánh sự phù hợp giữa hàng hóa, dịch vụ của hóa đơn mua vào và
của hóa đơn bán ra tương ứng; Đối chiếu chứng từ thanh toán tiền mua bán hàng
hóa hạch toán tại doanh nghiệp với chứng từ thực tế phát sinh tại ngân hàng mà
NNT giao dịch để phát hiện việc chuyển tiền lòng vòng, giao dịch đáng ngờ qua
ngân hàng, tiến hành xác minh giao dịch qua ngân hàng (sao kê ngân hàng) và
phối hợp với chính quyền địa phương xác minh ngay những vấn đề còn tồn tại của
doanh nghiệp.
Đối với những hóa đơn
phục vụ cho việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT, qua thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện NNT có sử
dụng đầu vào trực tiếp của doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn không hợp
pháp nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng
thì: Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để kê khai điều
chỉnh thuế GTGT, điều chỉnh hồ sơ hoàn thuế. Nếu doanh nghiệp vẫn khẳng định các việc mua bán hàng hóa gắn liền với hóa đơn
GTGT đầu vào là có thực và đúng quy định thì doanh nghiệp phải cam kết chịu
trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ kê khai, hoàn thuế của mình. Đồng thời, cơ
quan thuế quản lý doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan thuế trực tiếp quản lý
doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn không hợp pháp để kiểm tra hồ sơ khai
thuế của doanh nghiệp này nhằm xác minh, kết luận hành vi vi phạm của doanh
nghiệp liên quan đến các hóa đơn (nếu có).
Cơ quan thuế các cấp khi nhận được yêu cầu xác minh
về hóa đơn, nguồn gốc hàng hóa, vận chuyển,... thì phải phối hợp xác minh
và trả kết quả xác minh chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được
phiếu yêu cầu xác minh, trường hợp phức tạp thì thời gian trả kết quả không quá
30 ngày làm việc, về vấn đề này, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu
không nhận được sự phối hợp hoặc phối hợp không kịp thời của Cục Thuế khác, đề
nghị Cục Thuế báo cáo ngay với Tổng cục Thuế để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với đơn vị xác minh
và các đơn vị có liên quan đến đơn vị được yêu cầu xác minh, đề nghị các Cục
Thuế rà soát và xem xét như một thông tin cảnh báo về doanh nghiệp có dấu hiệu
rủi ro thuộc địa bàn quản lý thuế của mình để xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát trọng điểm.