Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (9-11): Chú trọng thực hiện chính sách pháp luật về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, thời gian qua, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện, bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Cho đến nay, chính sách nổi bật nhất về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên đó là Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đây cũng là hành lang pháp lý để đảm bảo thực hiện chính sách pháp luật về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh Lào Cai đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, triển khai của UBND tỉnh, Sở LĐ-TBXH đã ban hành hơn 30 văn bản hướng dẫn chuyên môn có lồng ghép nội dung liên quan đến các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp, tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp”... để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ triển khai thực hiện.
Từ năm 2021 đến nay, Sở LĐ-TBXH đã triển khai tổ chức 10 hội nghị nâng cao năng lực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho gần 3.000 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tại 10 cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh; 54 Hội nghị đối thoại tư vấn, định hướng học nghề cho học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với hơn 14.000 lượt người tham gia. Đồng thời, tổ chức 04 lớp tập huấn về kỹ năng dạy học, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn cho 129 cán bộ, nhà giáo, người dạy nghề; phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức 01 lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho gần 40 cán bộ quản lý, trong đó có lồng ghép các kỹ năng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền về khởi nghiệp và tổ chức các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia, một số đơn vị đã có các mô hình/dự án và cách làm hay về khởi nghiệp ngay tại trường học cho học sinh, sinh viên.
Theo Nhà giáo Phạm Đức Bình- Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai, để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, hằng năm, Trường phối hợp với đoàn thanh niên, hội sinh viên, hội cựu sinh viên tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của người học trong nhà trường cũng như trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền trực tiếp các văn bản, kiến thức về khởi nghiệp qua tuần sinh hoạt công dân đầu khóa học cho 100% học sinh, sinh viên toàn trường. Thường xuyên đăng tải các thông tin, hoạt động về khởi nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Nhà trường. Treo panô, băng rôn tuyên truyền về các vòng thi của cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp”.
Đặc biệt, Trường Cao đẳng Lào Cai đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tư vấn và Đào tạo về phát triển địa phương (STG) triển khai đào tạo khởi nghiệp tự thân cho 70 học sinh, sinh viên đến từ các lớp đang theo học tại trường; qua chương trình huấn luyện các em học sinh, sinh viên được các chuyên gia ở các lĩnh vực kinh doanh truyền cảm hứng và định hướng ý tưởng. Đây là chương trình rất ý nghĩa, để các em học sinh, sinh viên được rèn luyện thêm kỹ năng mềm, đồng thời có nhiều cơ hội cạnh tranh việc làm sau tốt nghiệp.
Tổ chức thành công nhiều dự án khởi nghiệp thông qua Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp”; thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia, các dự án thuộc nhiều lĩnh vực (Nông - Lâm nghiệp, Du lịch, Kinh tế, Công nghệ - Thông tin, Ngoại ngữ...).
Kết quả, từ năm 2021-2023, đã có 11 ý tưởng/dự án đạt từ giải khuyến khích đến giải nhất cấp trường. Qua đó, chọn cử ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham dự các cuộc thi chung kết về khởi nghiệp với kết quả dự án có 02 dự án: "Kinh doanh online gạo lứt Séng Cù - Mường Vi - Bát Xát Lào Cai" và dự án "Xây dựng thương hiệu các loại măng khô đặc sản của Văn Bàn - Lào Cai"đạt giải khuyến khích cấp Bộ.
Cùng với đó, mô hình khởi nghiệp của Nhóm sinh viên lớp Cao đẳng Kỹ thuật máy lạnh điều hòa và không khí K22 của Trường Cao đẳng Lào Cai đã thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp "lắp đặt sửa chữa, bảo dưỡng điện dân dụng". Với đội ngũ sinh viên được đào tạo bài bản, kỹ năng tay nghề tốt đã mang lại nguồn thu nhập chính đáng cho các em từ việc nhận lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị điện bao gồm máy giặt, máy lọc nước, điều hòa, tủ lạnh, bình nóng lạnh, các loại quạt mát và chiếu sáng...
Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Lào Cai Vũ Thị Tuyết Nhung cho biết: với 10 thành viên cùng sở thích và đam mê là học sinh đang học các lớp trung cấp nghề tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Lào Cai đã có sáng kiến thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp “chăm sóc sắc đẹp”. Ngoài giờ học, các em còn tham gia làm dịch vụ (sơn móng, nối mi, chăm sóc sắc đẹp...) phục vụ khách hàng có nhu cầu làm đẹp tại nhà. Số tiền các thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp làm được sẽ trích một phần vào quỹ chung để học các modul nâng cao hoặc mua nguyên - vật liệu thực hành, hướng dẫn các bạn có tay nghề yếu; còn một phần để các em tự phục vụ nhu cầu cuộc sống của mình, giảm bớt khó khăn cho gia đình.nCâu lạc bộ vừa là nơi thực hành nghề, vừa là sân chơi để học sinh thỏa sức sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê, nâng cao tay nghề, giúp các em tự tin hơn với nghề và khi tốt nghiệp, cơ hội tìm việc sẽ rộng mở hơn.
Ngoài ra các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác như: Trường Trung cấp nghề Apatit; Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - HNDN- GDTX tỉnh; Trung tâm GDNN - GDTX các huyện, thị xã đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp.cho khoảng trên 50.000 lượt học sinh sinh viên; lồng ghép các nội dung khởi nghiệp vào giảng dạy, các hoạt động ngoại khóa của nhà trường qua đó trang bị cho học sinh, sinh viên các kiến thức cơ bản về nghề nghiệp, sáng tạo, khởi nghiệp.
Thời gian tới để tiếp tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về khởi nghiệp cho học sinh sinh viên; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cần tập trung triển thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Trong đó, tăng cường hoạt động tuyên truyền giúp học sinh, sinh viên hiểu ý nghĩa và lợi ích của việc tham gia hoạt động khởi nghiệp đối với bản thân trong quá trình học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo nguồn cảm hứng, sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.
Tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tham gia đầu tư và hỗ trợ phát triển sản phẩm khởi nghiệp của học sinh sinh viên. Nghiên cứu xây dựng dự thảo cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ giảng viên, giáo viên, người làm công tác hướng nghiệp hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; quy định về công tác hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp...
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp, khoá tập huấn về truyền cảm hứng khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở địa phương./.