Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 08/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ
Đây là Thông tư số 09/2025/TT-BTC ngày 28/02/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Thông tư này hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” ban hành kèm theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 08/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Chương trình 167), bao gồm: các hoạt động phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững (sau đây gọi là doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững); hoạt động quản lý Chương trình. Thông tư được áp dụng đối với: (i) Các doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững (sau đây gọi là doanh nghiệp kinh doanh bền vững), doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững, tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững theo quy định của pháp luật. (ii) Các Bộ, cơ quan trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và các đơn vị trực thuộc. (iii) Các tổ chức hiệp hội được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động của Chương trình 167 (sau đây gọi tắt là tổ chức hiệp hội) gồm: tổ chức chính trị - xã hội, hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, được ngân sách nhà nước bảo đảm hoặc hỗ trợ để triển khai nhiệm vụ theo quy định hiện hành và có chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. (iv) Cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là Nghị định số 80/2021/NĐ-CP). (v) Các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình 167. Một số quy định của Thông tư như sau:
1. Nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình 167
(i) Quy trình lập, phân bổ, giao dự toán, chấp hành và kế toán, kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình 167 theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn thi hành và văn bản pháp luật liên quan; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, khả thi, tiết kiệm, không trùng lắp hoạt động và lồng ghép tối đa vào các chương trình khác có mục tiêu phù hợp với Chương trình 167; đảm bảo đúng đối tượng, nội dung chi, định mức chi, mức hỗ trợ quy định tại các văn bản pháp luật liên quan.
(ii) Việc hỗ trợ căn cứ khả năng cân đối nguồn lực ngân sách nhà nước hằng năm. Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần cho các hoạt động theo quy định tại Chương trình 167, nội dung chi và mức chi từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Chương II Thông tư này.
(iii) Các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình 167 chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành các quy định tại Thông tư này; tính hợp lý, hợp lệ, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng kinh phí; tính trung thực, chính xác, minh bạch, đầy đủ pháp lý của hồ sơ, chứng từ liên quan; thu, chi, hạch toán, quyết toán và lưu trữ hồ sơ theo đúng chế độ quy định.
2. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững
(i) Ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững theo các nội dung quy định tại Chương trình 167 và nội dung hỗ trợ tương ứng quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xác định nội dung hỗ trợ cụ thể và đối tượng được hỗ trợ theo đúng quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP khi thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững.
(ii) Nội dung chi, xác định chi phí, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững theo quy định tại Thông tư số 52/2023/TT-BTC. Mức ngân sách nhà nước hỗ trợ cho từng nội dung theo định mức hỗ trợ cao nhất quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
3. Lập, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước
(i) Việc lập dự toán, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình 167 theo quy định tại Điều 3, Điều 7 Thông tư này và Điều 15, Điều 17 Thông tư số 52/2023/TT-BTC.
(ii) Thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước.
Đối với kinh phí ngân sách nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này: thực hiện thanh toán theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 52/2023/TT-BTC.
Đối với kinh phí ngân sách nhà nước quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 7 Thông tư này: hình thức thanh toán, trình tự, thủ tục, hồ sơ, kiểm soát, thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, Thông tư số 17/2024/TT-BTC ngày 14 tháng 3 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước.
Thông tư số 09/2025/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/04/2025./.
Tải về