Những
năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự cố gắng,
nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, nòng cốt
là lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH),
công tác PCCC và CNCH đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định được vị trí,
vai trò, tầm quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật
tự an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, góp phần tạo môi
trường an toàn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong
giai đoạn hiện nay.
Tuy
nhiên, thời gian gần đây, cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, nhất là
tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh
doanh, quán karaoke..., một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh
thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an
toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận. Tình hình trên do nhiều nguyên
nhân, nhưng chủ yếu là do: Kinh tế, xã hội đất nước phát triển nhanh nhưng hạ
tầng PCCC chưa được đầu tư phát triển đúng tầm, quy hoạch phát triển các ngành,
lĩnh vực, địa phương chưa coi trọng đến công tác PCCC và CNCH; công tác quản lý
nhà nước về PCCC và CNCH không ít nơi bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ, phó mặc cho
các lực lượng chuyên trách; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa
nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”, chưa quan tâm phân tích nguyên nhân
các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm
khắc để răn đe, ngăn chặn; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; một bộ phận
không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác
phòng, chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan, coi
nhẹ công tác này; đầu tư cơ sở vật chất cho công tác PCCC và CNCH còn rất khiêm
tốn, chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Tình
hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn hiện nay là nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu cấp bách
phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới trong lãnh đạo, quản lý,
điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các
địa phương, nòng cốt là các lực lượng chuyên trách trong công tác PCCC và CNCH
và đòi hỏi ý thức rất cao của người dân đối với công tác này. Công tác PCCC và
CNCH phải
quán triệt quan điểm: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính
mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế,
xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Trong
công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa
là “chống”, lấy
phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng
cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn -
Từng nhà máy, xí nghiệp,
doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an
toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy
động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là
trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với
phương châm: Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần
ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân.
Mục
tiêu đối với công tác PCCC và CNCH: Phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt
xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên
nhân chủ quan. Đề cao
hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ,
sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC và CNCH.
Thủ
tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2023 về tăng cường công tác phòng cháy,
chữa cháy trong tình hình mới yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính
quyền các địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Tập
trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm
2015 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
PCCC; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư khóa XIII về
tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW; Nghị quyết số 99/2019/QH14
ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu
lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; Quyết định số 630/QĐ-TTg
ngày 11 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện
Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả
thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC (Quyết định số 630/QĐ-TTg); Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10
tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện
Kết luận số 02-KL/TW và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác PCCC và CNCH
(Quyết định số 1492/QĐ-TTg); Công văn số 319/TB-VPCP ngày 05 tháng 10 năm 2022
của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính tại Hội nghị công tác PCCC và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số
83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 quy định về công tác CNCH của lực lượng
PCCC (Công văn số 319/TB-VPCP).
Đổi
mới tư duy, nhận thức phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong
công tác PCCC và CNCH phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay. Xác định rõ
vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, là nhiệm vụ quan
trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội,
coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cần thiết, hằng ngày. Các bộ, ngành, địa
phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước
về PCCC theo quy định của pháp luật. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy,
chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi
chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm
trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện
không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác PCCC
và CNCH.
Tập
trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác
PCCC và CNCH đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, đảm
bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu
chuẩn, quy chuẩn, quy trình về PCCC và CNCH phù hợp với điều kiện thực tiễn,
tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và năng lực quản lý, năng lực
sản xuất của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Chú trọng nghiên cứu, xây dựng
chiến lược, kế hoạch, phương án PCCC và CNCH, nhất là tại các địa bàn, công
trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại có nguy
cơ cháy, nổ cao, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Xây dựng thực hiện đồng bộ quy
hoạch hạ tầng PCCC gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của ngành, lĩnh
vực, địa phương, xây dựng mạng lưới giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc
đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy, CNCH.
Tiếp
tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào
toàn dân PCCC và CNCH vừa có chiều rộng, vừa chuyên sâu, dễ hiểu, dễ tiếp thu,
bằng các giải pháp cụ thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động
của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác PCCC và CNCH. Tăng cường
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH cho mọi tầng
lớp nhân dân, nhất là đối với học sinh, sinh viên, đội ngũ lao động trẻ trong
xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Xây dựng phong trào
toàn dân PCCC và CNCH, nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH
tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; kịp
thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Siết
chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và
CNCH. Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo
quy định và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an
toàn PCCC và CNCH. Công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC trên
phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên cảnh báo cộng đồng dân cư xung
quanh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình
đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an
toàn về PCCC và CNCH gây hậu quả nghiêm trọng. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng
dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ, đúng quy
định, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Kiện
toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cho các lực lượng dân phòng, lực
lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực
chất. Xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Công an, Quân đội và
các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH. Thường xuyên tổ
chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy,
nổ và CNCH.
Tăng
cường nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC và CNCH, xây dựng, trang bị cơ sở vật
chất, hậu cần cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Tập trung các nguồn lực để
xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và CNCH (giao
thông, nguồn nước, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn...).
Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ chữa cháy và CNCH hiện đại, phù hợp
với tình hình, sự phát triển của đất nước. Khẩn trương nghiên cứu tăng cường
ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PCCC và CNCH. Huy
động mọi nguồn lực hợp pháp (trong đó có hợp tác công tư, xã hội hóa) để mua
sắm trang thiết bị PCCC và CNCH.