Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Lượt xem: 86

Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ  Phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.  Phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung chủ yếu sau:

Phạm vi quy hoạch toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, bao gồm một số đảo và quần đảo.

Đối tượng quy hoạch: Đất lâm nghiệp (gồm đất có rừng, đất chưa có rừng được quy hoạch để phát triển rừng), các công trình kết cấu hạ tầng lâm nghiệp như: hệ thống vườn ươm, đường vận chuyển lâm sản, các công trình phục vụ bảo vệ rừng như trạm bảo vệ rừng, chòi canh, đường băng cản lửa.

Quan điểm: Rừng được quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững; bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế môi trường, xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng. Bảo đảm công khai, minh bạch, sự tham gia của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong hoạt động lâm nghiệp. Tuân thủ các điều ước quốc tế liên quan đến ngành Lâm nghiệp mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Mục tiêu tổng quát: Xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu cụ thể: Đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,0% đến 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025 và 25 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030; giá trị tiêu thụ đồ gỗ và lâm sản trong nước đạt 5 tỷ đô la Mỹ (quy đổi) vào năm 2025, 6 tỷ đô la Mỹ (quy đổi) vào năm 2030. Trồng rừng sản xuất bình quân 238 nghìn ha/năm. Trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng bình quân 8,6 nghìn ha/năm. Phục hồi rừng tự nhiên bình quân 22,5 nghìn ha/năm; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2030 đạt trên 1,0 triệu ha. Sản lượng gỗ khai thác trong nước đạt 35 triệu m3 vào năm 2025 và 50 triệu m3 vào năm 2030. Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng 1,5 lần, đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020. Thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm. Giai đoạn 2021 - 2025 thu khoảng 3.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026 - 2030 thu khoảng 4.000 tỷ đồng/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin ngành lâm nghiệp, đặc biệt là hạ tầng phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng được đầu tư đồng bộ. Đến 2030, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

 Tầm nhìn đến năm 2050 đến năm 2050, xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật, phát huy tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới; ứng dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường; tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ, giá trị gia tăng cao, chủ động tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; đóng góp ngày càng tăng vào sự phát triển bền vững của đất nước; góp phần cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và không gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc; bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.

Quản lý rừng bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, chống mất rừng, suy thoái rừng, suy thoái đất, giảm thiểu tác động của thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia tích cực và thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm các nghĩa vụ cam kết quốc tế.

Định hướng quy hoạch lâm nghiệp toàn quốc đến năm 2030 về diện tích rừng, đất lâm nghiệp: Quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp thời kỳ 2021 - 2030 là 15.848,5 nghìn ha. Trong đó: Diện tích đất rừng đặc dụng là 2.454,9 nghìn ha, chiếm 15,5%; đất rừng phòng hộ là 5.229,6 nghìn ha, chiếm 33%; đất rừng sản xuất là 8.164,0 nghìn ha, chiếm 51,5%. Diện tích đất có rừng 14.696,8 nghìn ha, chiếm 92,7% diện tích đất lâm nghiệp. Trong đó, chia theo ba loại rừng: Đất, rừng đặc dụng: Tổng diện tích đất, rừng đặc dụng đến năm 2030 là 2.454,9 nghìn ha, tăng 126,5 nghìn ha so với năm 2020. Diện tích đất có rừng đạt 2.371,5 nghìn ha, chiếm 96,6% tổng diện tích đất rừng đặc dụng. Tổng số khu rừng đặc dụng đến 2030 là 225 khu, với tổng diện tích là 2.649.523 ha (bao gồm cả hợp phần biển).

Đất, rừng phòng hộ: Tổng diện tích đất rừng phòng hộ đến năm 2030 là 5.229,6 nghìn ha, giảm 282,5 nghìn ha so với năm 2020. Diện tích đất có rừng đạt 4.769,2 nghìn ha, chiếm 91,2% tổng diện tích đất rừng phòng hộ.

Đất, rừng sản xuất: Tổng diện tích đất rừng sản xuất đến năm 2030 là 8.164,0 nghìn ha. Diện tích đất có rừng đạt 7.556,1 nghìn ha, chiếm 92,6% tổng diện tích đất rừng sản xuất.

Về phát triển sản xuất lâm nghiệp: Bảo vệ rừng: Tổng diện tích rừng được bảo vệ thời kỳ 2021 - 2030 là 138.812 nghìn lượt ha (không gồm: diện tích rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư và diện tích khoanh nuôi tái sinh), bình quân 13.881 nghìn ha/năm.

 Phát triển rừng:

Phát triển giống cây trồng lâm nghiệp: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chọn tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao, giống cây bản địa mọc nhanh có năng suất, chất lượng phục vụ phát triển rừng sản xuất, rừng gỗ lớn. Đảm bảo cung cấp bình quân 575 triệu cây/năm. Quản lý chặt chẽ nguồn cung giống, đảm bảo tỷ lệ nguồn cây giống cho trồng rừng được kiểm soát đạt tối thiểu 95% vào năm 2030. Hỗ trợ xây dựng các khu rừng giống, trung tâm giống công nghệ cao dựa trên nhu cầu giống cây lâm nghiệp của từng vùng, với các sản phẩm giống cây trồng chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng từ 5 đến 7 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong mỗi khu có phân khu sản xuất giống công nghệ cao, công suất khoảng 200 triệu cây/năm;

Trồng rừng: 2.467,2 nghìn ha, trong đó: giai đoạn 2021 - 2025, trồng 1.178,4 nghìn ha, bình quân 235,7 nghìn ha/năm (trồng mới 178,4 nghìn ha, bình quân 35,7 nghìn ha/năm); giai đoạn 2026 - 2030, trồng 1.288,8 nghìn ha, bình quân 257,8 nghìn ha/năm (trồng mới là 88,8 nghìn ha, bình quân 17,8 nghìn ha/năm). Diện tích trồng rừng gỗ lớn đến năm 2030 dự kiến đạt 1,0 triệu ha, trong đó trồng khoảng 700 nghìn ha, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn khoảng 300 nghìn ha;

Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng: 934,4 nghìn lượt ha, bình quân 93,4 nghìn ha/năm; chia ra: Giai đoạn 2021 - 2025 là 687,2 nghìn lượt ha và giai đoạn 2026 - 2030 là 247,2 nghìn lượt ha. Diện tích khoanh nuôi thành rừng thời kỳ 2021 - 2030 là 280,9 nghìn ha;

Phát triển cây trồng phân tán: giai đoạn 2021 - 2025 là 690.000 nghìn cây, bình quân 138.000 nghìn cây/năm. Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu đạt 80% mức trồng cây phân tán của giai đoạn 2021 - 2025.

Phát triển lâm sản ngoài gỗ: Tăng cường các biện pháp bảo vệ, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị, các loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng; khai thác hợp lý và bền vững các loại lâm sản ngoài gỗ; hình thành các vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng và phù hợp với nhu cầu của thị trường; tập trung ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm. Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng: Đến năm 2025, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 500 nghìn ha và sẽ đạt khoảng 1 triệu ha vào năm 2030. Khai thác gỗ từ rừng trồng, cây lâm nghiệp trồng phân tán, vườn nhà, vườn cây cao su thanh lý: đến năm 2025 đạt 35 triệu m3 gỗ và 50 triệu m3 gỗ vào năm 2030.

Chế biến, thương mại gỗ và lâm sản: Ưu tiên sử dụng trang thiết bị hiện đại, tự động hoá, chuyên môn hoá. Khuyến khích phát triển công nghệ tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đổi mới nội dung chương trình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn; đào tạo trên cơ sở đặt hàng và nhu cầu của doanh nghiệp. Ưu tiên ngân sách nhà nước cho đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị đào tạo. Ưu tiên phát triển trung tâm giao dịch gỗ tại các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng 01 trung tâm giao dịch sản phẩm gỗ quốc tế; xây dựng các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.

Phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp: Bảo trì hệ thống đường lâm nghiệp hiện có và mở mới đường lâm nghiệp khoảng 6.000 km, trong đó: Vùng trung du và miền núi phía Bắc khoảng 3.000 km; vùng đồng bằng sông Hồng khoảng 100 km; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung khoảng 1.100 km; vùng Tây Nguyên khoảng 1.000 km; vùng Đông Nam Bộ khoảng 500 km; vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 300 km.  Phát triển các công trình, cơ sở hạ tầng: Xây dựng, đảm bảo vận hành ổn định trụ sở văn phòng làm việc của khoảng 400 ban quản lý rừng đặc dụng và ban quản lý rừng phòng hộ; xây dựng mới khoảng 350 trạm bảo vệ rừng và trạm Kiểm lâm, khoảng 5.400 km đường băng cản lửa tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các công trình cơ sở hạ tầng khác phục vụ công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng.

Phát triển dịch vụ môi trường rừng: Tiếp tục thực hiện các loại dịch vụ môi trường rừng hiện có; nghiên cứu, mở rộng thêm các loại hình, đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng, như: Duy trì nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ điều tiết cung cấp nước cho các công trình thuỷ điện, nước sinh hoạt, nước công nghiệp. Nghiên cứu, mở rộng các loại dịch vụ, đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng như: dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi trồng thủy sản...

Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng: Rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành, tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương; huy động nguồn lực xã hội trong phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Tổ chức thực hiện việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư. Diện tích 3.744,6 nghìn ha, gồm: đất có rừng là 2.890,1 nghìn ha và đất chưa có rừng là 854,5 nghìn ha.

 Định hướng phát triển lâm nghiệp theo vùng

Vùng trung du và miền núi phía Bắc: Tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 là 6.065,1 nghìn ha, gồm: 572,4 nghìn ha đất rừng đặc dụng; 2.220,9 nghìn ha đất rừng phòng hộ và 3.258,2 nghìn ha đất rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,4% vào năm 2030.

Vùng đồng bằng sông Hồng: Tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 là 491,8 nghìn ha, gồm 104,2 nghìn ha đất rừng đặc dụng; 141,5 nghìn ha đất rừng phòng hộ và 246,1 nghìn ha đất rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 20,6% vào năm 2030.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 là 5.819,2 nghìn ha, gồm 983,7 nghìn ha đất rừng đặc dụng; 2.048,6 nghìn ha đất rừng phòng hộ và 2.786,8 nghìn ha đất rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,6 % vào năm 2030.

Vùng Tây Nguyên: Tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030 là 2.730,4 nghìn ha, gồm 524,7 nghìn ha đất rừng đặc dụng; 579,3 nghìn ha đất rừng phòng hộ và 1.626,4 nghìn ha đất rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,7 % vào năm 2030.

Vùng Đông Nam Bộ: Tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030 là 464,9 nghìn ha, gồm 194,4 nghìn ha đất rừng đặc dụng; 151,0 nghìn ha đất rừng phòng hộ và 119,5 nghìn ha đất rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 18,9% vào năm 2030.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030 là 290,7 nghìn ha, gồm 75,5 nghìn ha đất rừng đặc dụng; 88,2 nghìn ha đất rừng phòng hộ và 127,0 nghìn ha đất rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 5,6% vào năm 2030.

Nguồn vốn: Khái toán nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch: 217.305 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, khoảng 106.960 tỷ đồng (Ngân sách nhà nước khoảng 27.517 tỷ đồng, chiếm 26%, các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 79.443 tỷ đồng, chiếm 74%). Việc bố trí vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Quy hoạch được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công và các quy định về quản lý tài chính hiện hành.

Giải pháp

Về cơ chế, chính sách:  Tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển lâm nghiệp; ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững; xây dựng chính sách, quy định trong việc truy xuất nguồn gốc để đảm bảo các nguồn gỗ khai thác hợp pháp từ các đối tượng rừng trồng, cây phân tán trên đất ngoài quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp được tham gia chuỗi cung ứng cho nguyên liệu chế biến, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tiếp tục ưu tiên thực hiện chính sách giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với các diện tích hiện đang do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý để phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân miền núi.

Về đầu tư, tài chính: Nhà nước đảm bảo ngân sách cho hoạt động bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng tự nhiên và các hoạt động điều tra, kiểm kê, phát triển giống cây lâm nghiệp. Khuyến khích, huy động các nguồn vốn hợp pháp tham gia đầu tư bảo vệ, phát triển rừng.

Về khoa học và công nghệ: Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong các hoạt động của ngành lâm nghiệp, như: công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản.

Về tuyên truyền và nâng cao nhận thức: Nâng cao nhận thức của xã hội về trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân.

Về đào tạo, tăng cường năng lực: Xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành lâm nghiệp trong thời kỳ mới, phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tập trung đào tạo, đào tạo lại, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên sâu của một số lĩnh vực quan trọng như giống, lâm sinh, chế biến gỗ... Nâng cao năng lực và cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị cho công tác đào tạo lâm nghiệp.

 Về hợp tác quốc tế: Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế về lâm nghiệp, tham gia chủ động, tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế mới lâm nghiệp, tài chính khí hậu và chủ động hợp tác chặt chẽ với các thể chế tài chính đa phương (WB, ADB, GEF, GCF), đối tác phát triển, tổ chức lâm nghiệp quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch: Thực hiện việc công khai quy hoạch lâm nghiệp; xây dựng kế hoạch hành động thực hiện và giám sát quy hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, giải quyết kịp thời các kiến nghị liên quan đến thực hiện quy hoạch các cơ chế, chính sách và pháp luật về lâm nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định này, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và các quy định có liên quan; lưu trữ, lưu giữ hồ sơ quy hoạch được duyệt theo đúng quy định. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, hoàn thành việc bàn giao cho các địa phương có rừng bản đồ số, tỷ lệ 1/100.000 (gồm: Bản đồ hiện trạng rừng, Bản đồ quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất; Sơ đồ định hướng phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch; xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch; cung cấp dữ liệu có liên quan để cập nhật vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định; tham mưu đề xuất thực hiện các nhiệm vụ giải pháp cần thiết theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật liên quan. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch. Định kỳ tổ chức báo cáo, đánh giá tình hình triển khai quy hoạch khi kết thúc từng giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030; đồng thời rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu Quy hoạch để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tiễn trong từng thời kỳ.

Tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án phối hợp hỗ trợ, phù hợp với yêu cầu của Quy hoạch.

Trường hợp chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia có sự thay đổi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch ba loại rừng cho phù hợp và tích hợp vào Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, bố trí vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia đảm bảo phù hợp với các quy hoạch liên quan.

Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương để thực hiện các nội dung của Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch lâm nghiệp, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch liên quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường:  Chủ trì quản lý thống nhất về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương thực hiện quy hoạch lâm nghiệp, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phù hợp, thống nhất với quản lý đất đai.

Các bộ, ngành khác có liên quan: Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ chuyên ngành trong quy hoạch lâm nghiệp. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch lâm nghiệp đảm bảo phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành theo chức năng nhiệm vụ.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật trong phạm vi của địa phương; quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch.

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch này; cập nhật nội dung các quy hoạch, đề án, dự án liên quan đang thực hiện trên địa bàn bảo đảm tuân thủ các định hướng về phát triển lâm nghiệp tại địa phương theo Quy hoạch này, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong quá trình lập, triển khai các quy hoạch liên quan, cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải bảo đảm khả năng tích hợp đồng bộ với Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.

Bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp khác để tổ chức triển khai các nội dung của Quy hoạch này, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Nguyễn Lê Hằng