Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và khám sức khỏe đối với lực lượng Công an nhân dân
Lượt xem: 607

Đây là nội dung của Thông tư số 62/2023/TT-BCA ngày 14/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an. Thông tư này quy định về các nội dung: (i) Tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và khám sức khỏe tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân, bao gồm: Tiêu chuẩn sức khỏe, khám sơ tuyển, khám sức khỏe, khám phúc tra, phân loại sức khỏe và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khám sức khỏe tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân. (ii) Tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và khám sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, bao gồm: Tiêu chuẩn, kiểm tra, sơ tuyển, khám sức khỏe, khám phúc tra, giám định và phân loại sức khỏe để tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong khám sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Khám sức khỏe giải quyết xuất ngũ trước thời hạn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân. (iii) Công tác khám sức khỏe định kỳ, theo dõi, chăm sóc, phân cấp quản lý và truyền thông, giáo dục sức khỏe đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Thông tư được áp dụng đối với 04 nhóm đối tượng: (i) Đối tượng là công dân Việt Nam đăng ký tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn vào Công an nhân dân và hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp (không bao gồm lao động hợp đồng trong Công an nhân dân); hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân xuất ngũ trước thời hạn.(ii) Đối tượng khám sức khỏe tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, gồm: Công dân Việt Nam là nam giới trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự; Công dân Việt Nam là nữ giới trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. (iii)  Đối tượng khám sức khỏe định kỳ và quản lý sức khỏe bao gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ; công nhân Công an; học sinh đang học văn hóa bậc Trung học phổ thông tại Trường Văn hóa; học viên Công an nhân dân đang theo học tại các trường trong và ngoài Công an nhân dân được hưởng sinh hoạt phí; học viên là cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương được cử đi học tại các trường Công an nhân dân hoặc các trường ngoài ngành Công an; lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ).(iv) Công an các đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Một số quy định của Thông tư cụ thể như sau:

1. Tiêu chuẩn sức khoẻ đặc thù và khám sức khoẻ tuyển sinh mới, tuyển chọn công dân vào công an nhân dân, xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong công an nhân dân, tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân

1.1. Tiêu chuẩn sức khoẻ đặc thù

1.1.1. Tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù trong tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân

1.1.1.1. Tiêu chuẩn chung

Công dân tham gia tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn vào Công an nhân dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp được công nhận đủ điều kiện sức khỏe khi đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Có sức khỏe Loại 1 (một), Loại 2 (hai);

b) Chiều cao từ 1m64 đến 1m95 đối với nam, từ 1m58 đến 1m80 đối với nữ, trừ trường hợp cụ thể được giảm tiêu chuẩn về chiều cao được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

c) Thị lực không kính mỗi mắt đạt 09-10/10, tổng thị lực 02 mắt đạt 18/10 trở lên. Nếu mắt bị tật khúc xạ: Cận thị, viễn thị thì mỗi mắt không quá 03 (ba) đi-ốp; nếu loạn thị thì loạn thị sinh lý hoặc mỗi mắt dưới 01 (một) đi-ốp; kiểm tra thị lực một mắt qua kính tối thiểu đạt 09/10, tổng thị lực hai mắt qua kính đạt từ 19/10 trở lên (phải cam kết bảo đảm tiêu chuẩn thị lực theo quy định nếu trúng tuyển đối với đối tượng tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp trong Công an nhân dân), trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

d) Đáp ứng các chỉ số đặc thù theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

1.1.1.2. Tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù trong tuyển sinh tuyển mới công dân vào Công an nhân dân

Công dân tham gia tuyển sinh tuyển mới vào Công an nhân dân phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và tiêu chuẩn sau đây:

a) Công dân dự tuyển vào các trường Công an nhân dân là hạ sĩ quan nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân: Chiều cao áp dụng tiêu chuẩn chiều cao tại thời điểm tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

b) Công dân dự tuyển vào các trường Công an nhân dân là người dân tộc thiểu số: Chiều cao từ 1m62 đến 1m95 đối với nam, từ 1m56 đến 1m80 đối với nữ. Công dân thuộc đối tượng chính sách ưu tiên 01 Nhóm UT1 tại Phụ lục II Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ban hành quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non: Chiều cao từ 1m60 đến 1m95 đối với nam, 1m55 đến 1m80 đối với nữ;

c) Công dân dự tuyển vào các trường Công an nhân dân là công dân Việt Nam tốt nghiệp trình độ đại học tại các trường đại học trong và ngoài nước trở lên: Công dân tốt nghiệp khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật, khoa học máy tính, công nghệ thông tin được áp dụng tiêu chuẩn sức khỏe về chiều cao từ 1m62 đến 1m95 đối với nam, 1m56 đến 1m80 đối với nữ;

d) Công dân dự tuyển giáo dục văn hóa bậc trung học phổ thông là đối tượng tuyển thẳng và đối tượng xét tuyển: Chiều cao từ 1m55 trở lên đối với nam, từ 1m50 trở lên đối với nữ;

đ) Công dân có nhiều diện ưu tiên theo đối tượng thì chỉ được hưởng một diện ưu tiên cao nhất.

1.1.1.3. Tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù trong tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân

Công dân được tuyển chọn vào Công an nhân dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều này và tiêu chuẩn sau đây:

a) Đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp: Áp dụng tiêu chuẩn chiều cao tại thời điểm tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

b) Đối với tuyển công dân có trình độ khoa học kỹ thuật bố trí làm công tác kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ thuật hình sự, công nghệ thông tin, cơ yếu, an ninh mạng, tác chiến điện tử; người có trình độ bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I, dược sĩ chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành y học, dược học; có chức danh giáo sư, phó giáo sư; người dân tộc thiểu số: Chiều cao từ 1m62 đến 1m95 đối với nam, 1m56 đến 1m80 đối với nữ; nếu mắt bị tật khúc xạ: cận thị, viễn thị thì mỗi mắt không quá 05 đi-ốp, loạn thị thì loạn thị sinh lý hoặc mỗi mắt dưới 01 (một) đi-ốp, kiểm tra thị lực một mắt qua kính tối thiểu đạt 09/10, tổng thị lực hai mắt đạt t 19/10 trở lên.

1.1.2. Tiêu chuẩn, phân loại sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

1.1.2.1. Tiêu chuẩn sức khỏe, phân loại sức khỏe trong kiểm tra sức khỏe, sơ tuyển và khám sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

1.1.2.2. Chỉ công nhận đủ sức khỏe để tuyển chọn đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đảm bảo các tiêu chuẩn sức khỏe sau:

a) Đảm bảo các chỉ số đặc thù theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;

b) Công dân có sức khỏe Loại 1 (một), Loại 2 (hai) đối với các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, lực lượng Cảnh sát cơ động địa phương, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trường hợp khó khăn nguồn tuyển, Công an đơn vị, địa phương tuyển chọn công dân có sức khỏe Loại 3 (ba) để bố trí tại các đơn vị còn lại, trừ công dân có sức khỏe Loại 3 về chiều cao, sức khỏe Loại 3 ảnh hưởng tới thẩm mỹ, vận động hoặc mắt có tật khúc xạ (cận thị 1,5 đi-ốp trở lên, viễn thị các mức độ, loạn thị từ 01 đi-ốp trở lên). Tỷ lệ công dân sức khỏe Loại 3 không vượt quá 20% chỉ tiêu giao tuyển quân trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1.1.3. Chỉ số đặc thù

1.1.3.1. Công dân tham gia tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn vào Công an nhân dân và hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp phải bảo đảm các chỉ số đặc thù sau:

a) Không nghiện các chất ma túy, tiền chất được quy định tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất;

b) Màu và dạng tóc bình thường (theo Điều lệnh Công an nhân dân);

c) Không bị rối loạn sắc tố da, trừ trường hợp sạm da khu trú vùng má (rám má);

d) Không có lỗ bấm ở mũi và ở các vị trí khác trên cơ thể để đeo đồ trang sức. Đối với nam, không có lỗ bấm ở tai hoặc có lỗ bấm ở tai nhưng đã liền thành sẹo; đối với nữ, không có từ 02 lỗ bấm trở lên trên 01 tai hoặc chỉ có 01 lỗ bấm ở tai, các lỗ bấm khác ở tai đã liền thành sẹo;

đ) Không có sẹo lồi co kéo ở vùng đầu, mặt, cổ, cẳng tay, bàn tay, bàn chân;

e) Không có các vết trổ, vết xăm, kể cả phun xăm trên da, trừ trường hợp xăm lông mày, xăm môi thẩm mỹ đối với nữ.

1.1.3.2. Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phải đáp ứng các chỉ số đặc thù như sau:

a) Đáp ứng quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều này;

b) Không tuyển đối với các trường hợp trên cơ thể có các vết trổ, vết xăm, kể cả phun xăm trên da có nội dung phản cảm, chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kỳ dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực; hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như: Mặt, đầu, cổ, từ 1/2 cánh tay trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống; hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên. Trường hợp các vết trổ, vết xăm, kể cả phun xăm trên da ở vị trí lộ diện nhưng diện tích không quá 02 (hai) cm2, số lượng không quá 01 hình xăm và không phản cảm hoặc đã tẩy xóa hình xăm, chữ xăm hoặc xăm lông mày, xăm môi thẩm mỹ đối với nữ thì xem xét tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

1.1.4. Phương pháp phân loại sức khỏe

Phương pháp phân loại sức khỏe trong khám sức khỏe tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân

1.1.4.1. Việc phân loại sức khỏe căn cứ theo tiêu chuẩn sức khỏe tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

1.1.4.2. Cách cho điểm

Mỗi chỉ tiêu, sau khi khám bác sỹ cho điểm chẵn từ 1-6 vào cột “Điểm”, cụ thể:

Điểm 1 : Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt.

Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt.

Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá.

Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình.

Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém.

Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.

1.1.4.3. Cách phân loại sức khỏe

Loại 1: Tất cả các chỉ tiêu đều đạt điểm 1.

Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2.

Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3.

Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4.

Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5.

Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

1.2. Khám sức khoẻ tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn công dân vào công an nhân dân, xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong công an nhân dân

1.2.1. Nội dung khám sức khỏe và kết luận sức khỏe tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân và xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân

1.2.1.1. Nội dung khám sức khỏe

a) Khám thể lực, khám lâm sàng theo các chỉ tiêu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Khám cận lâm sàng

Xét nghiệm máu: Công thức máu; nhóm máu, glucose, AST, ALT, urê, creatinin, HIV, HBsAg, anti-HCV; xét nghiệm nước tiểu gồm tổng phân tích nước tiểu, ma túy và tiền chất; chụp X - quang tim phổi thẳng; siêu âm ổ bụng tổng quát; điện tim.

Trường hợp cần thiết, có thể chỉ định khám cận lâm sàng khác phục vụ cho kết luận sức khỏe theo yêu cầu của Hội đồng hoặc Ban khám sức khỏe.

1.2.2.2. Kết luận sức khỏe

a) Người thực hiện việc khám lâm sàng, cận lâm sàng cho đối tượng khám sức khỏe phải ghi rõ kết quả khám, phân loại sức khỏe các chuyên khoa, ký tên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám và kết quả khám của mình;

b) Căn cứ vào kết quả khám của từng chuyên khoa, Hội đồng hoặc Ban khám sức khỏe thực hiện việc kết luận phân loại sức khỏe theo quy định tại Điều 4, Điều 6 Thông tư này;

c) Sau khi phân loại sức khỏe, Chủ tịch Hội đồng hoặc Trưởng Ban khám sức khỏe có trách nhiệm ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của cơ sở khám chữa bệnh vào Phiếu khám sức khỏe. Trong kết luận của Hội đồng hoặc Ban khám sức khỏe cần ghi rõ: Công dân đủ hoặc không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để tuyển sinh tuyển mới hoặc tuyển chọn vào Công an nhân dân hoặc hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân đủ điều kiện sức khỏe xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp.

1.2.2.3. Những điểm cần chú ý

a) Trường hợp đang mắc bệnh cấp tính, bệnh có thể thuyên giảm hay tăng lên sau một thời gian hoặc sau điều trị, thì điểm đó phải kèm theo chữ “T” bên cạnh (nghĩa là “tạm thời”). Người khám phải ghi tóm tắt bằng tiếng Việt tên bệnh bên cạnh (có thể ghi bằng danh từ quốc tế giữa hai ngoặc đơn). Khi kết luận, nếu chữ “T” ở chỉ tiêu có điểm lớn nhất, phải viết chữ “T” vào phần phân loại sức khỏe;

b) Trường hợp nghi ngờ chưa cho điểm hoặc chưa kết luận được, Hội đồng hoặc Ban khám sức khỏe gửi công dân tới khám chuyên khoa tại một cơ sở y tế khác đủ điều kiện theo quy định để có kết luận chính xác. Thời gian tối đa 10 ngày phải có kết luận và chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết;

c) Những trường hợp phiếu sức khỏe có ghi chữ “T”, Hội đồng hoặc Ban khám sức khỏe có trách nhiệm hướng dẫn công dân đến các cơ sở y tế để điều trị;

d) Trường hợp công dân mắc bệnh tật chưa được phân loại theo Bảng số 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này thì Hội đồng khám sức khỏe đánh giá đầy đủ, toàn diện chức năng cơ quan bị bệnh tật; mức độ ảnh hưởng đến khả năng luyện tập, lao động, sinh hoạt; tiên lượng mức độ tiến triển bệnh tật để kết luận phân loại sức khỏe.

1.2.3. Ban khám sức khỏe sơ tuyển tuyển sinh tuyển mới và khám phúc tra sức khỏe tuyển sinh tuyển mới

1.2.3.1. Ban khám sức khỏe sơ tuyển tuyển sinh tuyển mới

Chủ tịch Hội đồng sơ tuyển tuyển sinh quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban khám sức khỏe sơ tuyển tuyển sinh tuyển mới. Thành phần của Ban khám sức khỏe sơ tuyển tuyển sinh tuyển mới gồm:

a) 01 Trưởng ban: Giám đốc bệnh viện, Trưởng phòng Phòng Y tế hoặc Bệnh xá trưởng của Công an các đơn vị, địa phương;

b) 01 Phó Trưởng ban: Phó Giám đốc bệnh viện hoặc Phó Trưởng phòng Phòng Y tế hoặc Phó Bệnh xá trưởng của Công an các đơn vị, địa phương;

c) Ủy viên: Đại diện lãnh đạo, cán bộ của đơn vị làm công tác tổ chức cán bộ; đại diện lãnh đạo và cán bộ làm công tác y tế của Công an các đơn vị, địa phương;

d) Thư ký: Cán bộ bệnh viện, phòng y tế hoặc bệnh xá có chuyên môn về nghiệp vụ Y;

đ) Ban khám sức khỏe sơ tuyển tuyển sinh tuyển mới có từ 03 - 05 bác sĩ, có tối thiểu 01 bác sĩ nội khoa và 01 bác sĩ ngoại khoa.

1.2.3.2. Ban khám phúc tra sức khỏe tuyển sinh tuyển mới

Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường Công an nhân dân quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban khám phúc tra sức khỏe tuyển sinh tuyển mới. Thành phần của Ban khám phúc tra sức khỏe tuyển sinh tuyển mới gồm:

a) 01 Trưởng ban: Trưởng phòng Phòng Y tế hoặc Bệnh xá trưởng của các trường Công an nhân dân;

b) 01 Phó Trưởng ban: Phó Trưởng phòng Phòng Y tế hoặc Phó Bệnh xá trưởng của các trường Công an nhân dân;

c) Ủy viên: Đại diện lãnh đạo Phòng Hậu cần, đại diện lãnh đạo Phòng Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao hoặc tương đương phụ trách công tác tuyển sinh đào tạo, đội trưởng hoặc cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh đào tạo, cán bộ Phòng Y tế hoặc bệnh xá có chuyên môn về nghiệp vụ Y của các trường Công an nhân dân;

d) Thư ký: Cán bộ phòng y tế hoặc bệnh xá có chuyên môn về nghiệp vụ Y;

đ) Ban khám phúc tra sức khỏe tuyển sinh tuyển mới có từ 03 - 05 bác sĩ, có tối thiểu 01 bác sĩ nội khoa và 01 bác sĩ ngoại khoa.

1.2.3.3. Nội dung khám phúc tra, kết luận sức khỏe tuyển sinh tuyển mới thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này. Sử dụng các kết quả cận lâm sàng đã được thực hiện khi khám sức khỏe sơ tuyển tuyển sinh, chỉ tiến hành phúc tra những nội dung cận lâm sàng không có trong hồ sơ khám sức khỏe hoặc những nội dung cận lâm sàng cần làm rõ.

1.2.3.4. Trường hợp có sai lệch giữa kết quả khám sức khỏe sơ tuyển tuyển sinh tuyển mới và kết quả khám phúc tra sức khỏe thì trường Công an nhân dân thông báo cho Công an đơn vị, địa phương nơi sơ tuyển hoặc cử đi đào tạo để thống nhất kết quả khám bằng văn bản giữa hai đơn vị.

Trường hợp không thống nhất được kết quả thì trường Công an nhân dân đề nghị Bệnh viện 19-8, Bệnh viện 30-4, Bệnh viện 199 (theo khu vực) để thành lập Hội đồng khám phúc tra sức khỏe; trong kết luận của Hội đồng khám phúc tra sức khỏe cần ghi rõ: Công dân đủ hoặc không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để tuyển sinh tuyển mới vào Công an nhân dân; kết luận của Hội đồng khám phúc tra sức khỏe là kết quả cuối cùng và là căn cứ để trường Công an nhân dân tiếp nhận nhập học hoặc trả về Công an đơn vị, địa phương nơi sơ tuyển.

1.2.3.5. Không bố trí tham gia Hội đồng khám sức khỏe, Ban khám sức khỏe đối với người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của công dân tham gia khám sức khỏe hoặc của bên vợ hoặc chồng của công dân tham gia khám sức khỏe; vợ hoặc chồng của công dân tham gia khám sức khỏe hoặc những người đang trong thời gian cơ quan xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật hoặc đã từng vi phạm kỷ luật trong công tác khám sức khỏe của công dân tham gia khám sức khỏe, khám phúc tra sức khỏe tuyển sinh tuyển mới vào các trường Công an nhân dân.

1.2.4. Khám sức khỏe tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân

1.2.4.1. Phân cấp khám sức khỏe tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân

a) Bệnh viện, bệnh xá Công an cấp tỉnh tổ chức khám sức khỏe cho công dân tuyển chọn vào Công an nhân dân và hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp vào đơn vị mình và các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng đóng quân trên địa bàn; khám sức khỏe cho hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp vào các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đóng quân trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

b) Phòng Y tế Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp vào các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đóng quân trên địa bàn Thành phố Hà Nội;

c) Bệnh viện 19-8, Bệnh viện 30-4, Bệnh viện 199 tổ chức khám sức khỏe cho công dân tuyển chọn vào Công an nhân dân và hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp vào các đơn vị trực thuộc Bộ.

1.2.4.2. Ban khám sức khỏe tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân và Ban khám sức khỏe xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân thuộc Công an cấp tỉnh và Ban khám sức khỏe xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động

a) Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, Chủ tịch Hội đồng xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân của Công an cấp tỉnh ra quyết định thành lập Ban khám sức khỏe tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân và Ban khám sức khỏe xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân, quy định nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn, phân công trách nhiệm các thành viên Ban khám sức khỏe. Thành phần Ban khám sức khỏe thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này;

b) Chủ tịch Hội đồng xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động ra quyết định thành lập Ban khám sức khỏe xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân, quy định nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn, phân công trách nhiệm các thành viên Ban khám sức khỏe. Thành phần Ban khám sức khỏe thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

1.2.4.3. Hội đồng khám sức khỏe tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân và xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân tại Bệnh viện 19-8, Bệnh viện 30-4, Bệnh viện 199

a) Giám đốc Bệnh viện 19-8, Bệnh viện 30-4, Bệnh viện 199 ra quyết định thành lập Hội đồng khám sức khỏe tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân và xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân, quy định nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn, phân công trách nhiệm các thành viên Hội đồng khám sức khỏe;

b) Thành phần Hội đồng khám sức khỏe:

01 Chủ tịch Hội đồng: 01 đồng chí lãnh đạo Bệnh viện.

01 Phó Chủ tịch Hội đồng: Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện.

Ủy viên: Trưởng khoa hoặc Phó trưởng khoa Khoa Khám bệnh.

Thư ký: cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp.

Các ủy viên khác: Đại diện lãnh đạo các khoa chuyên môn thuộc bệnh viện.

Hội đồng khám sức khỏe có quyền trưng dụng bác sỹ tại các khoa chuyên môn phục vụ cho việc khám sức khỏe;

1.2.4.4. Không bố trí tham gia Hội đồng khám sức khỏe, Ban khám sức khỏe đối với người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của công dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ tham gia khám sức khỏe hoặc của bên vợ hoặc chồng của công dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ tham gia khám sức khỏe; vợ hoặc chồng của công dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ tham gia khám sức khỏe hoặc những người đang trong thời gian cơ quan xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật hoặc đã từng vi phạm kỷ luật trong công tác khám sức khỏe của công dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ tham gia khám sức khỏe tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân và xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân.

1.2.5. Điều kiện của cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân

Các cơ sở y tế Công an nhân dân tham gia khám sức khỏe phải đảm bảo các điều kiện sau:

1.2.5.1. Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật.

1.2.5.2. Có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, phù hợp với nội dung khám sức khỏe và nội dung ghi trong mẫu phiếu khám sức khỏe được ban hành kèm theo Phụ lục III Thông tư này.

1.2.5.3. Có đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế tối thiểu và tổ chức các phòng khám theo quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.

1.2.5.4. Trường hợp cơ sở y tế Công an nhân dân chưa đủ bác sĩ chuyên khoa thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng thì ký hợp đồng với người có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Bộ luật Lao động.

1.2.5.5. Trong trường hợp cơ sở y tế Công an nhân dân không đủ điều kiện khám sức khỏe theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này thì cơ sở y tế Công an nhân dân đó chủ trì phối hợp với cơ sở y tế Công an nhân dân khác hoặc cơ sở y tế nhà nước ngoài ngành Công an đủ điều kiện để thực hiện. Quá trình phối hợp với cơ sở y tế ngoài ngành Công an cần phải đảm bảo các quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; đặc biệt là đảm bảo yếu tố bí mật về cơ cấu, tổ chức, biên chế, quân số của đơn vị Công an, thông tin cá nhân của cán bộ, chiến sĩ.

1.3. Khám sức khoẻ tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân

1.3.1. Kiểm tra sức khỏe, sơ tuyển sức khỏe, khám sức khỏe, giám định sức khỏe, yêu cầu đối với công dân khi kiểm tra sơ tuyển sức khỏe trong tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

Việc kiểm tra sức khỏe, sơ tuyển sức khỏe, khám sức khỏe, giám định sức khỏe, yêu cầu đối với công dân khi kiểm tra sơ tuyển sức khỏe trong tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Phiếu khám sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được in trên giấy trắng khổ A4 (21 x 29,7 cm) theo mẫu quy định tại Mẫu 1a Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

1.3.2. Khám phúc tra sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

1.3.2.1. Đối tượng khám phúc tra đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là công dân được Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện kết luận đủ sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân và có Lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

1.3.2.2. Hội đồng khám phúc tra sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

a) Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng khám phúc tra sức khỏe trên cơ sở đề nghị của cơ quan tổ chức cán bộ sau khi thống nhất ý kiến với Phòng Y tế. Mỗi địa phương tổ chức 01 Hội đồng khám phúc tra sức khỏe, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm;

b) Thành phần Hội đồng khám phúc tra sức khỏe bao gồm:

01 Chủ tịch Hội đồng: Giám đốc bệnh viện, Trưởng Phòng Y tế hoặc Bệnh xá trưởng.

01 Phó Chủ tịch Hội đồng: Phó Giám đốc bệnh viện, Phó Trưởng Phòng Y tế hoặc Phó Bệnh xá trưởng.

Các Ủy viên khác: Đại diện lãnh đạo cơ quan tổ chức cán bộ, thanh tra của Công an cấp tỉnh và đại diện lãnh đạo, cán bộ y tế của các đơn vị nhận quân thuộc Bộ (đối với đơn vị có cán bộ y tế) hoặc cán bộ tuyển quân (đối với đơn vị không có cán bộ y tế).

Hội đồng có từ 03 - 05 bác sĩ, có tối thiểu 01 bác sĩ nội khoa và 01 bác sĩ ngoại khoa;

c) Không bố trí tham gia Hội đồng khám phúc tra sức khỏe đối với người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của công dân tham gia khám phúc tra sức khỏe hoặc của bên vợ hoặc chồng của công dân tham gia khám phúc tra sức khỏe; vợ hoặc chồng của công dân tham gia khám phúc tra sức khỏe hoặc những người đang trong thời gian cơ quan xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật hoặc đã từng vi phạm kỷ luật trong công tác khám phúc tra sức khỏe đối với công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

1.3.3.3. Nội dung khám phúc tra sức khỏe

Nội dung khám phúc tra sức khỏe thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sử dụng các kết quả cận lâm sàng đã được thực hiện tại Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ cấp huyện, chỉ tiến hành phúc tra những nội dung cận lâm sàng không có trong hồ sơ khám sức khỏe hoặc những nội dung cận lâm sàng cần làm rõ.

Phiếu khám phúc tra sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được in trên giấy trắng khổ A4 (21 x 29,7 cm) theo mẫu quy định tại Mẫu 1b Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

1.3.3.4. Tổ chức các phòng khám phúc tra sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

a) Bố trí các phòng khám phải theo nguyên tắc một chiều, khép kín thuận lợi cho người khám và bảo đảm đủ điều kiện tối thiểu để khám đối với từng chuyên khoa;

b) Số lượng các phòng khám căn cứ vào số lượng nhân viên y tế của Hội đồng khám phúc tra sức khỏe và tình hình thực tế để bố trí, gồm có:

Phòng khám Thể lực, vận động, Mắt, Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt;

Phòng khám Nội tiết, Tiết niệu - Sinh dục, Da liễu, Ung bướu;

Phòng khám Tuần hoàn, Hô hấp, Tiêu hóa, Tâm thần, Thần kinh;

Phòng xét nghiệm đủ điều kiện để xét nghiệm theo các nội dung khám sức khỏe tại Điều 13 Thông tư này;

Phòng chụp X - quang (nếu có);

Phòng khám Sản phụ khoa (nếu có);

Phòng kết luận;

Phải có đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế tối thiểu và tổ chức các phòng khám theo quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Đối với các trường hợp, phiếu sức khỏe có ghi chữ “T” (tạm thời), Hội đồng khám phúc tra sức khỏe phải kết luận rõ: Nếu bệnh hoặc vấn đề sức khỏe khỏi thì bỏ chữ “T” và chuyển loại sức khỏe; Nếu bệnh hoặc vấn đề sức khỏe không khỏi hoặc có chiều hướng tiến triển xấu, cần phải tổ chức khám lại và có kết luận đủ sức khỏe hoặc không đủ sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phải trả về địa phương.

1.3.3.5. Thời gian tổ chức khám phúc tra sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

a) Công an cấp tỉnh chủ trì tổ chức khám phúc tra sức khỏe cho toàn bộ số công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân sau khi Trưởng Công an cấp huyện ra lệnh gọi công dân nhập ngũ và bù đổi quân trước ngày giao nhận quân (nếu có) đảm bảo chỉ tiêu, tiêu chuẩn theo quy định;

b) Các đơn vị nhận quân thuộc Bộ thống nhất bằng văn bản với Công an cấp tỉnh về thành phần tham gia Hội đồng, thời gian và kết quả khám phúc tra sức khỏe đối với công dân do Công an cấp tỉnh tuyển cho các đơn vị nhận quân thuộc Bộ.

1.3.4. Khám sức khỏe giải quyết xuất ngũ trước thời hạn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

1.3.4.1. Hội đồng Giám định y khoa Bộ Công an khám giám định và kết luận sức khỏe đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân có đủ sức khỏe (đạt Loại 1 hoặc Loại 2 hoặc Loại 3) hoặc không đủ sức khỏe để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

1.3.4.2. Tiêu chuẩn sức khỏe để Hội đồng Giám định y khoa Bộ Công an kết luận đủ sức khỏe hoặc không đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân quy định tại Thông tư này.

2. Khám sức khoẻ định kỳ và quản lý, chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân

2.1. Khám sức khoẻ định kỳ, hồ sơ sức khoẻ

2.1.1. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ

2.1.1.1. Việc khám sức khỏe định kỳ được tiến hành theo hình thức khám tập trung, trong một số trường hợp có thể tiến hành khám đơn lẻ và do cơ sở y tế Công an nhân dân chủ trì thực hiện.

2.1.1.2. Điều kiện của cơ sở khám sức khỏe định kỳ

Các cơ sở y tế Công an nhân dân tham gia khám sức khỏe định kỳ phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật;

b) Phải có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực phù hợp với nội dung khám sức khỏe định kỳ và nội dung ghi trong mẫu phiếu khám sức khỏe được quy định tại Phụ lục số VI, VII, VIII ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Phải có đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế tối thiểu và tổ chức các phòng khám theo quy định tại Phụ lục số IX ban hành kèm theo Thông tư này.

2.1.1.3. Cơ sở y tế Công an nhân dân có đủ điều kiện khám sức khỏe định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều này chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này.

2.1.1.4. Trường hợp cơ sở y tế Công an nhân dân chưa đủ bác sĩ chuyên khoa thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng thì ký hợp đồng với người có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Bộ luật Lao động.

2.1.1.5. Trường hợp cơ sở y tế Công an nhân dân chưa đủ điều kiện khám sức khỏe định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều này

Các cơ sở y tế Công an nhân dân chưa đủ điều kiện khám sức khỏe định kỳ báo cáo Thủ trưởng đơn vị để phối hợp với cơ sở y tế Công an khác có đủ điều kiện khám sức khỏe định kỳ một phần hoặc toàn phần theo quy định; hoặc ký hợp đồng một phần hoặc toàn phần với cơ sở y tế quân, dân y đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế; trong đó ưu tiên phối hợp với cơ sở y tế Công an khác. Quá trình phối hợp với cơ sở y tế ngoài ngành Công an cần phải đảm bảo các quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; đặc biệt là đảm bảo yếu tố bí mật về cơ cấu, tổ chức, biên chế, quân số của đơn vị Công an, thông tin cá nhân của cán bộ, chiến sĩ.

2.1.1.6. Số lần khám sức khỏe định kỳ được quy định như sau

a) Tổ chức khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần đối với: Lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên, sĩ quan có cấp hàm Thượng tá trở lên; cán bộ, chiến sĩ làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; cán bộ, chiến sĩ đang mắc bệnh nghề nghiệp;

b) Tổ chức khám sức khỏe định kỳ 12 tháng 1 lần đối với các đối tượng còn lại.

2.1.1.7. Nội dung khám sức khỏe định kỳ

a) Khám lâm sàng: Hỏi bệnh bao gồm các triệu chứng cơ năng, tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình; khám thực thể bao gồm khám thể lực và toàn thân; khám Nội khoa bao gồm Tuần hoàn, Hô hấp, Tiêu hóa, Thận - Tiết niệu, Cơ - Xương - Khớp, Nội tiết, Thần kinh; khám Tâm thần; khám Ngoại khoa; khám Mắt; khám Tai - Mũi - Họng; khám Răng - Hàm - Mặt; khám Da liễu; khám chuyên khoa Phụ sản theo Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này đối với nữ, khám Nam khoa đối với nam;

b) Khám cận lâm sàng: Chẩn đoán hình ảnh (X-quang, siêu âm); thăm dò chức năng; xét nghiệm bao gồm xét nghiệm máu (huyết học, sinh hóa, miễn dịch, vi sinh), xét nghiệm nước tiểu; xét nghiệm tế bào, xét nghiệm phân (nếu cần);

c) Khám lâm sàng và cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ hoặc các trường hợp khác ngoài quy định tại điểm a, b khoản 7 Điều này thì thực hiện phù hợp với các nhóm đối tượng được quy định tại mục 3 Bảng 2 Phụ lục IV Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức vật chất hậu cần trong Công an nhân dân;

d) Kết luận:

Sau khi khám sức khỏe, các bác sĩ phải tiến hành phân loại sức khỏe theo từng chuyên khoa, ký và ghi rõ họ tên vào Phiếu khám sức khỏe định kỳ và chịu trách nhiệm về kết luận của mình;

Người có trách nhiệm kết luận khám sức khỏe có trách nhiệm kết luận: các bệnh chính (nếu có); hướng theo dõi điều trị; phân loại sức khỏe tại các mẫu phiếu khám sức khỏe định kỳ quy định tại Phụ lục số VI, VII, VIII được ban hành kèm theo Thông tư này.

2.1.1.8. Kết luận khám sức khỏe gồm các nội dung sau:

a) Phân loại sức khỏe: Thực hiện theo quy định của Bộ Y tế;

b) Ghi rõ các bệnh, tật (nếu có) và đề xuất phương án điều trị, phục hồi chức năng, giới thiệu khám chuyên khoa để điều trị bệnh, khám bệnh nghề nghiệp.

2.1.1.9. Người có trách nhiệm kết luận khám sức khỏe ký vào Phiếu khám sức khỏe định kỳ và phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Phiếu khám sức khỏe định kỳ được lưu tại cơ sở y tế Công an nhân dân chủ trì tổ chức khám.

2.1.1.10. Sau khi khám sức khỏe định kỳ đối với các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này, cơ sở y tế Công an nhân dân phải tiến hành đánh giá tình hình sức khỏe sau khám sức khỏe định kỳ như sau:

a) Đánh giá tỷ lệ khám sức khỏe, tỷ lệ sức khỏe từng loại và so sánh kết quả với các lần khám trước;

b) Đánh giá mức độ ảnh hưởng của chế độ luyện tập, rèn luyện, sinh hoạt, dinh dưỡng, môi trường làm việc tới sức khỏe đối với các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này;

c) Đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong công tác khám sức khỏe định kỳ đối với các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này;

d) Lập danh sách đối với các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này có phân loại sức khỏe Loại IV, V hoặc Loại C, D tùy từng đối tượng khám sức khỏe định kỳ theo quy định của Bộ Y tế, mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp để hướng dẫn, tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập, điều trị, điều dưỡng; đề nghị đơn vị quản lý cán bộ, chiến sĩ có biện pháp khắc phục các nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ; kiến nghị với cấp có thẩm quyền phân công công tác phù hợp đối với cán bộ, chiến sĩ;

đ) Cập nhật kết quả khám sức khỏe định kỳ vào hồ sơ sức khỏe.

2.1.2. Hồ sơ sức khỏe

2.1.2.1. Hồ sơ sức khỏe bao gồm:

a) Phiếu khám sức khỏe tuyển chọn hoặc xét tuyển vào Công an nhân dân;

b) Phiếu khám sức khỏe định kỳ theo quy định tại Thông tư này;

c) Hồ sơ sức khỏe cá nhân theo quy định của Bộ Y tế;

d) Hồ sơ khám sức khỏe nghề nghiệp (nếu có) theo quy định của Bộ Y tế.

2.1.2.2. Hồ sơ sức khỏe được lập, cập nhật, lưu trữ bản giấy hoặc bản điện tử tại cơ sở y tế Công an nhân dân bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về lưu trữ và các quy định khác có liên quan; trường hợp tài liệu trong hồ sơ sức khỏe thuộc phạm vi bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Đối với hồ sơ sức khỏe bản điện tử được kết nối, đồng bộ, quản lý tập trung trên cơ sở dữ liệu y tế Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an.

2.2. Quản lý và chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ

2.2.1. Theo dõi sức khỏe thường xuyên đối với cán bộ, chiến sĩ

2.2.1.1. Công tác theo dõi sức khỏe thường xuyên được thực hiện như sau

Các cơ sở y tế Công an nhân dân tiến hành kiểm tra sức khỏe ban đầu, lập hồ sơ sức khỏe, theo dõi tình hình sức khỏe và xử trí cấp cứu, điều trị kịp thời đối với những trường hợp bị bệnh, bị thương, tai nạn trong công tác, chiến đấu và sinh hoạt; đặc biệt chú ý những người có phân loại sức khỏe loại IV, V hoặc loại C, D; người có bệnh cần chữa trị dài ngày; bệnh nghề nghiệp hoặc thay đổi sức khỏe do tuổi tác, tiếp xúc với các yếu tố có hại có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người công tác ở vùng sâu, vùng xa để thực hiện các biện pháp dự phòng, điều trị thích hợp.

2.2.1.2. Các cơ sở y tế Công an nhân dân căn cứ kết quả theo dõi sức khỏe thường xuyên để xác định chế độ, phương pháp luyện tập, rèn luyện, thực hiện các biện pháp phòng ngừa; đề xuất bố trí công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe của đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này.

2.2.1.3. Cán bộ, chiến sĩ khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong và ngoài ngành Công an phải có trách nhiệm cung cấp kết quả khám chữa bệnh cho cơ sở y tế Công an thuộc quyền quản lý.

2.2.2. Quản lý bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp đối với cán bộ, chiến sĩ

2.2.2.1. Đơn vị quản lý cán bộ, chiến sĩ lập danh sách cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp (nếu có) của đơn vị mình để quản lý, theo dõi tình hình diễn biến của bệnh đồng thời định kỳ kiểm tra, đánh giá sức khỏe cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp (nếu có). Các cơ sở y tế Công an theo phân cấp quản lý chịu trách nhiệm chủ trì tham mưu, quản lý, theo dõi cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp.

2.2.2.2. Công tác quản lý bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp:

a) Hướng dẫn chế độ sinh hoạt, công tác, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng phù hợp đối với từng cán bộ, chiến sĩ;

b) Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục kiến thức về cách phòng, chống các bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp đối với cán bộ, chiến sĩ;

c) Định kỳ kiểm tra sức khỏe căn cứ tình hình bệnh tật của cán bộ, chiến sĩ.

2.2.3. Kết quả theo dõi bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp phải được ghi chép vào hồ sơ sức khỏe. Các cơ sở y tế Công an nhân dân phải tổng hợp, phân tích kịp thời và báo cáo thủ trưởng đơn vị, y tế cấp trên, đồng thời đề xuất chế độ chính sách và các giải pháp để bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ.

2.2.2.4. Bệnh cần chữa trị dài ngày là các bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2016 ban hành danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.

2.2.2.5. Bệnh nghề nghiệp là bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và Thông tư số 02/2023/TT-BYT ngày 09 tháng 02 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

2.2.3. Kiểm tra sức khỏe khi cần thiết đối với cán bộ, chiến sĩ

Trong các trường hợp cần thiết các cơ sở y tế Công an nhân dân tiến hành kiểm tra sức khỏe cho các đối tượng sau:

2.2.3.1. Cán bộ, chiến sĩ sau đợt điều trị tại bệnh viện tuyến trên để nắm tình hình sức khỏe hiện tại; xác định các biện pháp điều trị dự phòng tiếp theo và chỉ định chuyên môn.

2.2.3.2. Cán bộ, chiến sĩ làm việc, tiếp xúc với các yếu tố dịch tễ có liên quan đến các bệnh truyền nhiễm hoặc tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

2.2.3.3. Cán bộ, chiến sĩ có phân loại sức khỏe loại IV, V hoặc loại C, D.

2.2.3.4. Cán bộ, chiến sĩ tham dự các đợt huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao và theo yêu cầu công tác.

2.2.3.5. Cán bộ, chiến sĩ trước khi nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí.

2.2.3.6. Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là nghề, công việc được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

2.2.4 Chế độ chăm sóc sức khỏe

2.2.4.1. Các đồng chí lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được chăm sóc sức khỏe theo quy định của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

2.2.4.2. Cán bộ lãnh đạo cấp Cục và tương đương trở lên được chăm sóc sức khỏe theo quy định của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp Bộ Công an.

2.2.4.3. Các đối tượng còn lại thực hiện chế độ chăm sóc sức khỏe như sau:

a) Sức khỏe bình thường: y tế đơn vị hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe;

b) Sức khỏe yếu và rất yếu: y tế đơn vị cần có chế độ theo dõi cụ thể và đề xuất biện pháp dự phòng và điều trị, phù hợp đối với từng trường hợp (đi điều trị, điều dưỡng).

4. Đối với cán bộ lãnh đạo cấp Phòng và tương đương trở lên, sĩ quan cấp hàm Thượng tá trở lên được bố trí phòng điều trị và hưởng chế độ chăm sóc y tế tại Khoa Cao cấp của các bệnh viện Công an nhân dân.

3. Thẩm quyền, trách nhiệm của công an các đơn vị, địa phương và kinh phí đảm bảo khám sức khoẻ

3.1. Thẩm quyền và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong khám sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

3.1.1. Cục Y tế

a) Chỉ đạo y tế Công an các đơn vị, địa phương nhận quân nắm chắc hồ sơ sức khỏe công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân và hướng dẫn việc khám phúc tra sức khỏe chiến sĩ mới theo quy định;

b) Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra công tác khám phúc tra sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

c) Tổng hợp báo cáo kết quả công tác khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định.

3.1.2. Các đơn vị nhận quân thuộc Bộ cử thành phần tham gia Hội đồng khám phúc tra sức khỏe thuộc Công an cấp tỉnh và thống nhất với Công an cấp tỉnh về kết quả khám phúc tra bằng văn bản đối với công dân được Công an cấp tỉnh tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho đơn vị nhận quân thuộc Bộ.

3.1.3. Cục Kế hoạch và Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương lập dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí khám sức khỏe, khám phúc tra sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

3.1.4. Công an cấp tỉnh

a) Phối hợp với cơ quan quân sự và cơ quan y tế cùng cấp chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra đôn đốc việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân của các địa phương theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp tỉnh;

b) Dự toán kinh phí và tổ chức khám phúc tra sức khỏe theo quy định;

c) Tổ chức hiệp đồng với từng đơn vị nhận quân về tiêu chuẩn sức khỏe, số lượng, thời gian, địa điểm và phương thức giao, nhận quân;

d) Phối hợp với cơ quan y tế cấp tỉnh xem xét, giải quyết vướng mắc, khiếu nại liên quan đến công tác khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác khám sức khỏe và khám phúc tra sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định, mẫu báo cáo theo mẫu 4 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Chỉ đạo cơ quan y tế Công an cấp tỉnh tham mưu thực hiện các nhiệm vụ khám phúc tra sức khỏe và báo cáo kết quả công tác khám phúc tra sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân về Cục Y tế theo quy định của Bộ Công an.

3.1.5. Công an cấp huyện

a) Phối hợp với cơ quan quân sự và cơ quan y tế cùng cấp đề xuất thành phần tham gia Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện, lập kế hoạch hiệp đồng khám sức khỏe cho công dân thuộc diện được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

b) Triệu tập công dân thuộc diện được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện;

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng của cấp huyện tham gia công tác tổ chức khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo kế hoạch; theo dõi số lượng, chất lượng sức khỏe của công dân đến khám;

d) Quản lý phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện bàn giao;

đ) Chủ trì, phối hợp với cơ quan y tế cấp huyện tổ chức bàn giao hồ sơ sức khỏe công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho các đơn vị nhận quân theo kế hoạch;

e) Phối hợp với cơ quan y tế và các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan của cấp huyện giải quyết các khiếu nại liên quan đến khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

g) Tổng hợp, báo cáo Công an cấp tỉnh kết quả công tác khám sức khỏe, tình hình giao nhận chiến sĩ mới về sau mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo mẫu 2, mẫu 3 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

h) Chỉ đạo y tế Công an cấp huyện chủ động tham mưu thực hiện các nhiệm vụ khám sức khỏe.

3.1.6. Công an cấp xã

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan y tế cấp xã tổ chức sơ tuyển sức khỏe; lập danh sách công dân đủ sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, thông qua Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã, báo cáo Công an cấp huyện và Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp cấp huyện;

b) Đôn đốc công dân thuộc diện được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đi khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện;

c) Thông báo kết quả khám sức khỏe theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện.

3.2. Kinh phí thực hiện khám sức khỏe sơ tuyển tuyển sinh tuyển mới, khám phúc tra sức khỏe tuyển sinh tuyển mới, khám sức khỏe tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, khám sức khỏe xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân

3.2.1. Định mức kinh phí

a) Công dân đăng ký khám sức khỏe sơ tuyển tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn vào Công an nhân dân có trách nhiệm chi trả theo khung giá khám sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế và cơ sở y tế thực hiện khám sức khỏe;

b) Định mức chi cho khám sức khỏe xét chuyển chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân; khám phúc tra sức khỏe đầu vào khi tuyển sinh tuyển mới thực hiện theo tiết b điểm 3 Bảng 2 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức vật chất hậu cần trong Công an nhân dân;

c) Định mức vật tư tiêu hao và kinh phí khám sức khỏe theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3.2.2. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí cho công tác khám sức khỏe tuyển sinh tuyển mới, tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Công an đơn vị, địa phương.

3.3. Kinh phí thực hiện khám sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

3.3.1. Kinh phí thực hiện khám sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng về khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

3.3.2. Kinh phí đảm bảo cho việc khám phúc tra sức khỏe được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Công an các đơn vị, địa phương. Định mức kinh phí cho hoạt động khám phúc tra sức khỏe được áp dụng theo tiết b điểm 3 Bảng 2 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức vật chất hậu cần trong Công an nhân dân.

3.3.3. Định mức vật tư tiêu hao và kinh phí khám phúc tra sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3.3.4. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí cho công tác khám phúc tra sức khỏe tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

3.4. Kinh phí khám sức khỏe định kỳ và quản lý, chăm sóc sức khỏe

3.4.1. Kinh phí đảm bảo cho công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe do ngân sách Nhà nước cấp, bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an.

3.4.2. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí cho công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

3.4.3. Chi phí khám sức khỏe định kỳ

a) Định mức chi cho khám sức khỏe định kỳ (bao gồm cả kinh phí chi cho việc khám chuyên khoa, chẩn đoán hình ảnh, các xét nghiệm cần thiết khác theo chỉ định chuyên môn) thực hiện theo tiết a điểm 3 Bảng 2 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức vật chất hậu cần trong Công an nhân dân;

b) Kinh phí khám sức khỏe định kỳ cho lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện theo định mức vật tư tiêu hao và kinh phí quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này (đảm bảo không vượt quá định mức khám sức khỏe định kỳ cho sĩ quan có cấp bậc hàm từ Trung tá trở xuống, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân Công an quy định tại tiết a điểm 3 Bảng 2 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức vật chất hậu cần trong Công an nhân dân);

c) Kinh phí chi cho vận chuyển dụng cụ, phương tiện và các nội dung chi khác phục vụ cho đoàn khám sức khỏe định kỳ thực hiện theo quy định hiện hành do ngân sách Bộ Công an đảm bảo;

d) Định mức vật tư tiêu hao và kinh phí khám sức khỏe theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 62/2023/TT-BCA có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024./.

Tải về

 

Lan Hương
Tin khác
1 2 3 4 5  ...