Quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Thông tư số 25/2024/TT-BTTTT ngày 31/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Thông tư này quy định về phạm vi các vụ việc giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; tiếp nhận, thực hiện giám định tư pháp; áp dụng các quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp; thời hạn giám định tư pháp; hồ sơ, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp. Thông tư được áp dụng đối với công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Theo quy định của Thông tư:
Giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông là việc giám định về nội dung chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông theo quy định của pháp luật.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp:
Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp;
Tiêu chuẩn “Có trình độ đại học trở lên” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp là có bằng tốt nghiệp đại học trở lên do cơ sở giáo dục của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam phù hợp với chuyên môn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp thuộc các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, luật, kinh tế hoặc lĩnh vực đào tạo khác.
Tiêu chuẩn “đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp là có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên (trực tiếp làm công tác chuyên môn về chuyên ngành được đào tạo) tính từ ngày được tuyển dụng hoặc tiếp nhận làm việc, phù hợp với lĩnh vực giám định tư pháp mà người đó được bổ nhiệm.
Công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.
Trường hợp người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực cần giám định thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.
Điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, bao gồm:
Có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Giám định tư pháp.
Có trang thiết bị bảo quản, lưu giữ đối tượng, hồ sơ, tài liệu giám định và trang thiết bị khác đáp ứng yêu cầu thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và pháp luật khác có liên quan.
Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương:
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này, tiếp nhận hồ sơ của người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp quy định tại Điều 7 Thông tư này, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
Thời hạn giám định trong lĩnh vực thông tin và truyền thông thực hiện theo quy định tại Điều 26a Luật Giám định tư pháp (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Thời hạn của từng bước trong quy trình giám định được quy định tại sơ đồ quy trình giám định trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (Phụ lục I) ban hành kèm theo Thông tư này.
Sở Thông tin và Truyền thông giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông ở địa phương và có trách nhiệm:
Phân công đơn vị làm đầu mối giúp Sở trong việc quản lý công tác giám định tư pháp ở lĩnh vực thông tin và truyền thông thuộc thẩm quyền quản lý;
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông ở địa phương;
Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp theo thẩm quyền;
Đề xuất, thực hiện chế độ thi đua khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo quy định của pháp luật;
Hằng năm, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Vụ Pháp chế) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của mình ở địa phương.
Thông tư số 25/2024/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2025.
Các văn bản sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực:
Thông tư số 24/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Thông tư số 25/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về hồ sơ giám định tư pháp và các biểu mẫu giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông./.
Tải về