Quy định về đăng ký ghép và nguyên tắc điều phối lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ở người hiến sau khi chết
Đây là nội dung của Thông tư số 48/2024/TT-BYT ngày 31/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thông tư này quy định về: Đăng ký ghép mô, bộ phận cơ thể người; nguyên tắc điều phối lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ở người hiến sau khi chết.Thông tư này không quy định về điều phối lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ở người sống. Một số quy định của Thông tư cụ thể như sau:
1. Đăng ký ghép mô, bộ phận cơ thể người
Trường hợp chẩn đoán xác định người bệnh có chỉ định và có nguyện vọng ghép mô, bộ phận cơ thể người, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp thông tin về các bệnh viện ghép để người bệnh lựa chọn bệnh viện ghép.
Người bệnh được chỉ định và có nguyện vọng ghép mô, bộ phận cơ thể người phải làm đơn đăng ký ghép mô, bộ phận cơ thể người gửi bệnh viện ghép. Mẫu đơn đăng ký ghép mô, bộ phận cơ thể người quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp người bệnh muốn hủy bỏ đăng ký ghép mô, bộ phận cơ thể người tại bất kỳ thời điểm nào, người bệnh làm đơn hủy bỏ đăng ký ghép mô, bộ phận cơ thể người gửi đến bệnh viện ghép nơi người đó gửi đơn. Mẫu đơn hủy bỏ đăng ký ghép mô, bộ phận cơ thể người quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký ghép mô, bộ phận cơ thể người, bệnh viện ghép có trách nhiệm:
Thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh và theo dõi tình trạng của người bệnh;
Khi người bệnh đáp ứng tiêu chí chuyên môn trong tuyển chọn người nhận mô, bộ phận cơ thể người theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh viện ghép lập thông tin người bệnh vào danh sách chờ ghép mô, bộ phận cơ thể người của bệnh viện ghép và danh sách chờ ghép mô, bộ phận cơ thể người của quốc gia.
Trong quá trình chờ ghép, bệnh viện ghép có trách nhiệm bỏ người bệnh ra khỏi danh sách chờ ghép của bệnh viện ghép và cập nhật thông tin này trên danh sách chờ ghép mô, bộ phận cơ thể người của quốc gia đối với các trường hợp sau đây:
Người bệnh có đơn hủy bỏ đăng ký ghép mô, bộ phận cơ thể người;
Người bệnh không còn đáp ứng tiêu chí chuyên môn trong tuyển chọn người nhận mô, bộ phận cơ thể người theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Người bệnh không tuân thủ hướng dẫn theo dõi của bệnh viện ghép.
2. Nguyên tắc điều phối lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ở người hiến sau khi chết
Ngoài việc đáp ứng các nguyên tắc quy định tại Điều 37 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, việc điều phối ghép mô, bộ phận cơ thể người phải tuân thủ thêm các nguyên tắc sau đây:
Khoảng cách địa lý, thời gian đi lại từ cơ sở y tế nơi có người bệnh có tiềm năng chết não và cơ sở y tế ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Nguyện vọng của người hiến hoặc gia đình người hiến mô, bộ phận cơ thể người, trừ trường hợp nguyện vọng đó không phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của bệnh viện ghép
Thành lập hoặc phân công đơn vị hoặc bố trí nhân lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý người bệnh chờ ghép mô, bộ phận cơ thể người tại bệnh viện ghép; phối hợp với Trung tâm điều phối quốc gia trong việc điều phối lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Lập danh sách chờ ghép mô, bộ phận cơ thể người của bệnh viện ghép và cập nhật vào danh sách chờ ghép mô, bộ phận cơ thể người của quốc gia.
Báo cáo Trung tâm điều phối quốc gia về quá trình tham gia điều phối và việc thực hiện ghép mô, bộ phận cơ thể người.
4. Trách nhiệm của bệnh viện hiến
Thành lập hoặc phân công đơn vị hoặc bố trí nhân lực thực hiện nhiệm vụ tư vấn, vận động người hiến mô, bộ phận cơ thể người.
Tổ chức tôn vinh người hiến mô, bộ phận cơ thể người.
Phối hợp với bệnh viện ghép, Trung tâm điều phối quốc gia trong thực hiện nhiệm vụ tư vấn về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Thông tư số 48/2024/TT-BYT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/ 2025./.
Tải về