Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Lượt xem: 86

Đây là Nghị định số 88/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 của Chính phủ.  Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, khoản 1, 2 Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 193/2025/QH15). Nghị định được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Một số quy định của Nghị định cụ thể như sau:

1. Viên chức, viên chức quản lý tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập

Trường hợp có nhu cầu tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập hoặc tham gia thành lập, viên chức, viên chức quản lý phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức, cơ sở quản lý viên chức.

Người đứng đầu tổ chức, cơ sở quản lý viên chức quyết định cử viên chức, viên chức quản lý tham gia điều hành, quản lý hoặc làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức, cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập. Quyết định cử viên chức phải quy định rõ:

Thời gian, hình thức (kiêm nhiệm, biệt phái, điều động, đại diện phần vốn góp);

Đơn vị chi trả lương, thưởng, phụ cấp;

Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của viên chức đối với tổ chức, cơ sở cử viên chức và đối với doanh nghiệp mà viên chức, viên chức quản lý tham gia quản lý, điều hành, làm việc.

Quyền, nghĩa vụ của viên chức, viên chức quản lý khi tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp bao gồm:

Được trả lương, thưởng và các phụ cấp bảo đảm không thấp hơn mức hiện hưởng của viên chức, viên chức quản lý;

Được tổ chức, cơ sở cử tham gia quản lý, điều hành, làm việc và doanh nghiệp nơi viên chức làm việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi của viên chức, bao gồm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, đánh giá xếp loại, khen thưởng, kỷ luật;

Được bố trí công việc phù hợp khi hết thời hạn cử làm quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp. Chế độ, chính sách không thấp hơn thời điểm viên chức, viên chức quản lý được cử tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp;

Thực hiện đầy đủ nội quy, quy chế của doanh nghiệp nơi làm việc;

Viên chức tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ của viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức, pháp luật doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm được giao.

2. Việc hoàn trả kinh phí trong trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ không đạt được kết quả cuối cùng như dự kiến

Trong trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đạt được kết quả cuối cùng như dự kiến, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không phải hoàn trả lại ngân sách nhà nước số kinh phí đã sử dụng đúng mục tiêu, phạm vi, nội dung nghiên cứu được nêu tại Thuyết minh nhiệm vụ, trừ các khoản kinh phí sau:

Kinh phí đã cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại tài khoản tiền gửi ở Kho bạc Nhà nước của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ mà chưa sử dụng sau khi trừ đi số nợ phải trả của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Số nợ phải trả của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ là số tiền tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ phải thanh toán cho hàng hoá, dịch vụ, công lao động đã thực hiện mà chưa được thanh toán.

Kinh phí tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tạm ứng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai thực hiện nội dung nghiên cứu hoặc cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa thực hiện. Kinh phí này được xác định tương ứng với phần công việc, hàng hóa, dịch vụ chưa thực hiện.

Kinh phí đã sử dụng không đúng mục tiêu, phạm vi, nội dung nghiên cứu được nêu tại Thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

3. Lập dự toán, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ

Việc lập dự toán:

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ về kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi là bộ, cơ quan Trung ương) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi là địa phương) xây dựng dự toán kinh phí chi sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm gửi cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ) để rà soát, tổng hợp, trong đó:

Dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ dự kiến triển khai trong năm kế hoạch thực hiện thông qua cơ chế quỹ được lập theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 193/2025/QH15;

Dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ dự kiến triển khai trong năm kế hoạch không thực hiện thông qua cơ chế quỹ và các nhiệm vụ chi khác sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ được lập theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về khoa học và công nghệ;

Trên cơ sở đề xuất dự toán kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ) có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng phương án phân bổ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ gửi cơ quan tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính, Sở Tài chính);

Cơ quan tài chính (Bộ Tài chính, Sở Tài chính) có trách nhiệm tổng hợp đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ) để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm.

Việc phân bổ dự toán:

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao dự toán ngân sách, đơn vị dự toán cấp I ở trung ương và địa phương thực hiện phân bổ, giao dự toán ngân sách chi sự nghiệp khoa học và công nghệ (bao gồm chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số) cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới như sau:

Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ: ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ dự kiến thực hiện trong năm ngân sách thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, trong đó:

Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia được cấp về quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia;

Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, địa phương được cấp về quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp hàng năm để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ được cấp bằng lệnh chi tiền vào tài khoản tiền gửi của quỹ tại Kho bạc Nhà nước;

Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thuộc phạm vi cấp kinh phí vào các quỹ phát triển khoa học và công nghệ quy định tại điểm a khoản này và các nhiệm vụ chi khác sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ: đơn vị dự toán cấp I thực hiện phân bổ về đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ:

Đối với kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này;

Đối với kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thuộc quy định tại điểm a khoản này, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này và thực hiện thanh toán, chi trả qua Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước hiện hành;

Đối với kinh phí sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ không thuộc điểm a và điểm b khoản này, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí trong năm ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về khoa học và công nghệ.

Việc quyết toán, xét duyệt quyết toán, thẩm tra và tổng hợp quyết toán và các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

4. Hướng dẫn về các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản tài trợ (bằng tiền hoặc hiện vật) cho tổ chức, cá nhân để thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị quyết số 193/2025/QH15.

Đối tượng nhận tài trợ quy định tại khoản này bao gồm: Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập theo quy định của pháp luật; chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tổ chức có chức năng huy động tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật;

Hồ sơ xác định khoản chi tài trợ theo quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: Biên bản xác nhận tài trợ hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên tài trợ và đại diện của bên nhận tài trợ (trong trường hợp là doanh nghiệp); có chữ ký của bên nhận tài trợ trong trường hợp là chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân; kèm theo hóa đơn, chứng từ của khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật;

Bên nhận tài trợ có trách nhiệm sử dụng, phân phối đúng mục đích của khoản tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đã tiếp nhận. Trường hợp sử dụng sai mục đích của khoản tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị quyết số 193/2025/QH15 nếu có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định. Các khoản chi dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp bao gồm:

Toàn bộ các chi phí phát sinh để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được ghi nhận là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm: tiền lương, tiền công và các khoản đóng góp có tính chất lương cho nhân công tham gia thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chi phí nguyên liệu, vật liệu và dịch vụ đã sử dụng trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chi phí thuê, sử dụng các kết quả nghiên cứu; chi phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; chi phí khấu hao hoặc chi phí thuê máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm, nhà xưởng sử dụng trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chi phí sản xuất thử nghiệm trên quy mô công nghiệp trước khi thương mại hóa; chi phí đào tạo nhân lực cho công nghệ mới ở trong nước và ngoài nước; chi phí tư vấn và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

Toàn bộ các chi phí phát sinh phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo được ghi nhận là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm: tiền lương, tiền công và các khoản đóng góp có tính chất lương cho nhân công tham gia thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo; chi phí thuê chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo; chi phí sử dụng các dịch vụ đổi mới sáng tạo, không gian số, hỗ trợ trực tuyến; chi phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ, kiểm thử sản phẩm; chi phí tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở trong nước và ngoài nước; chi phí tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm trong nước và ngoài nước;

Chi phí thuê nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Hồ sơ xác định khoản chi thuê nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo bao gồm: Hợp đồng thuê; biên bản bàn giao, nghiệm thu sản phẩm, thanh lý hợp đồng kèm theo các tài liệu, hóa đơn, chứng từ có liên quan.

5. Hướng dẫn về việc thực hiện khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước

Không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Việc xác định cụ thể tiền lương, tiền công của cá nhân từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

6. Điều kiện, căn cứ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G

Doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 193/2025/QH15 khi đáp ứng các điều kiện sau:

Doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành triển khai tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G trên toàn quốc (tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) được nghiệm thu đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ ngày 19 tháng 02 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025;

Trạm 5G lắp đặt tại các vị trí hạ tầng sẵn có hoặc được triển khai mới. Mỗi trạm 5G chỉ được tính cho một nhà mạng duy nhất;

Trạm 5G được lắp đặt ngoài trời (outdoor), sử dụng các thiết bị 64T64R, 32T32R, 16T16R, 8T8R, 4T4R. Mỗi trạm có từ 1 khối thu phát vô tuyến trở lên;

Doanh nghiệp viễn thông đã đề xuất kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G với Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Đề xuất kế hoạch của doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp gửi văn bản đề xuất kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G kèm theo Kế hoạch triển khai hạ tầng mạng 5G trong năm 2025 của doanh nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Căn cứ hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G:

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận kết quả triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G cho doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ tài chính;

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ, được xác định theo từng chủng loại và xuất xứ hàng hóa của nhà sản xuất (nước phát triển hoặc nước đang phát triển);

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ tài chính triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G;

Đã bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

7. Quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và kế toán hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng 5G

Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G đáp ứng điều kiện hỗ trợ tài chính theo quy định tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 và Nghị định này là khoản hỗ trợ tài chính không hình thành tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thực hiện hạch toán khoản hỗ trợ tài chính quy định tại khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật về kế toán doanh nghiệp. Trường hợp hạch toán có vướng mắc, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

8. Triển khai thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thí điểm theo từng đề án cụ thể.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì đề xuất các yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất các yêu cầu, điều kiện cần thiết khác nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia theo phạm vi quản lý nhà nước của mình theo từng đề án thí điểm gửi Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thí điểm.

Điều kiện về triển khai mạng viễn thông đối với giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng cấp cho doanh nghiệp thí điểm bao gồm: các điều kiện về triển khai mạng viễn thông được quy định tại Nghị định số 163/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông tương ứng theo giấy phép và các yêu cầu, điều kiện thí điểm do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 193/2025/QH15.

Nghị định số 88/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 13/4/2025.

Quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định này được áp dụng kể từ ngày Nghị quyết số 193/2025/QH15 có hiệu lực thi hành./.

Tải về

Trần Lan Hương