Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Những quy định chung của Luật Giao dịch điện tử
Lượt xem: 99

Ngày 22/6/2023, Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 5 đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), thay thế Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2005. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có hiệu lực từ 01/7/2024.Để tìm hiểu nội dung luật, xin trân trọng giới thiệu chùm bài viết gồm 6 bài giới thiệu các nội dung của luật. Bài 1  về những quyđịnh chung của luật như sau: 

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 7 chương và 54 điều, với nội dung chính như sau: Chương I - Những quy định chung (Điều 1 - 9): quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định (Luật GDĐT năm 2005 không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác).

Chương II - Thông điệp dữ liệu: Mục 1 - Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu (Điều 10-16): Luật GDĐT năm 2023 bổ sung các quy định về: hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu; chứng thực và công chứng thông điệp dữ liệu; chuyển đổi giữa hình thức văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; Mục 2 - Gửi, nhận thông điệp dữ liệu (Điều 17 - 21); Mục 3 - Chứng thư điện tử (Điều 22 - 24): quy định về: xác nhận, chứng nhận, văn bằng, chứng chỉ, văn bản chấp thuận dưới hình thức điện tử (những nội dung mới so với Luật GDĐT năm 2005).

Chương III – Chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy: Mục 1 - Chữ ký điện tử (Điều 25 - 30): quy định về chữ ký điện tử dùng riêng, chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, chữ ký điện tử nước ngoài (Luật GDĐT năm 2005 chỉ quy định chữ ký điện tử, không đề cập chữ ký số); Mục 2 – Dịch vụ tin cậy (Điều 31 - 36): quy định các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến GDĐT, gồm 03 dịch vụ: Dịch vụ cấp dấu thời gian; Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu; Dịch vụ chữ ký số công cộng (Luật GDĐT năm 2005 chỉ quy định về Dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử).

Chương IV: Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử (Điều 37 - 41).

Chương V: Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (Điều 42 - 47): bổ sung các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; Quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung; Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước.

Chương VI: Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử (Điều 48 - 51): nội dung mới so với Luật GDĐT năm 2005.

Chương VII: Điều khoản thi hành (Điều 52-54).

Luật Giao dịch điện tử được xây dựng với mục tiêu cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, cụ thể: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chỉ rõ cần phải: “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng,... Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu”; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03/12/2021 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2021, Chính phủ đã thống nhất về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật GDĐT năm 2005 nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành luật để có các chính sách mới phù hợp; đồng thời không để khoảng trống pháp lý vì các công nghệ mới phát triển rất nhanh đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế để thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Luật GDĐT  vừa được thông qua đã khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành của Luật GDĐT 2005 bảo đảm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật GDĐT năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Luật Giao dịch điện tử quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia giao dịch điện tử hoặc có liên quan đến giao dịch điện tử.

Chính sách phát triển giao dịch điện tử

Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bảo đảm tự nguyện lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử; tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ, phương tiện điện tử, chữ ký điện tử, hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch điện tử, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Phát triển giao dịch điện tử toàn diện, toàn trình để thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số; tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn so với các phương thức giao dịch khác.

Áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện phát triển giao dịch điện tử; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực trong giao dịch điện tử, đặc biệt tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng trong giao dịch điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về an toàn thông tin mạng, pháp luật về an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan khi thực hiện giao dịch điện tử. Thông tin trong thông điệp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật về cơ yếu.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử

Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

Minh Hằng
Tin khác
1 2 3 4 5  ...