Chính phủ ban hành Nghị định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật
Đây là Nghị định số 79/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ. Nghị định này quy định chi tiết Điều 63, Điều 64 và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Luật) về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Một số quy định của Nghị định cụ thể như sau:
Nguyên tắc kiểm tra, xử lý văn bản
Bảo đảm tính toàn diện, khách quan, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; kết hợp giữa việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền với việc tự kiểm tra của cơ quan, người ban hành văn bản; bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.
Bảo đảm không lợi dụng việc kiểm tra, xử lý văn bản vì mục đích vụ lợi, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và can thiệp vào quá trình xử lý văn bản trái pháp luật.
Bảo đảm không cản trở, gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, cơ quan kiểm tra trong quá trình kiểm tra văn bản.
Kịp thời kiểm tra khi có căn cứ kiểm tra văn bản và kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật.
Bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đối với việc kiểm tra, xử lý văn bản có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Văn bản thuộc đối tượng kiểm tra
Văn bản quy phạm pháp luật quy định từ khoản 3 đến khoản 14 Điều 4 của Luật; văn bản quy phạm pháp luật quy định từ khoản 3 đến khoản 14 Điều 4 của Luật có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước do người có thẩm quyền xác định.
Văn bản có dấu hiệu chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, bao gồm:
Văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
Văn bản của cơ quan thuộc Chính phủ; Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; các tổ chức thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (hoặc tương đương); chính quyền địa phương cấp xã.
Văn bản hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 61 của Luật.
Nội dung kiểm tra văn bản
Thẩm quyền ban hành văn bản.
Nội dung, hình thức của văn bản.
Trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản.
Căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày.
Tuân thủ quy định của pháp luật về xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước trong văn bản có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Căn cứ pháp lý để xác định văn bản trái pháp luật, văn bản sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày
Căn cứ pháp lý để xác định văn bản trái pháp luật là văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm các điều kiện sau đây:
Có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản được kiểm tra;
Đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành văn bản được kiểm tra hoặc chưa có hiệu lực tại thời điểm ban hành văn bản được kiểm tra nhưng đã được thông qua hoặc ký ban hành và sẽ có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản được kiểm tra.
Căn cứ pháp lý để xác định văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày là văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền quy định về nội dung này và bảo đảm điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Thẩm quyền kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.
Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra văn bản.
Thẩm quyền kiểm tra văn bản
Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện kiểm tra các văn bản không có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bao gồm:
Văn bản có dấu hiệu chứa quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đối với văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
Văn bản có dấu hiệu chứa quy phạm pháp luật của cơ quan thuộc Chính phủ; Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; các tổ chức thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (hoặc tương đương).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiểm tra văn bản hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; văn bản có dấu hiệu chứa quy phạm pháp luật của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các tổ chức thuộc, trực thuộc Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Công an kiểm tra văn bản quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra văn bản quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực do Bộ Quốc phòng quản lý.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra:
Văn bản có dấu hiệu chứa quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp huyện nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đối với văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương cấp huyện ban hành;
Văn bản có dấu hiệu chứa quy phạm pháp luật của Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (hoặc tương đương) ban hành.
Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện kiểm tra đối với các văn bản có dấu hiệu chứa quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phân công tổ chức thuộc hoặc trực thuộc giúp Bộ trưởng kiểm tra văn bản quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra, xử lý văn bản quy định tại khoản 1 Điều này; Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân
Trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật
Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ:
Đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền;
Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, xử lý văn bản; tổ chức và quản lý đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản thuộc quyền quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ;
Sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, xử lý văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ.
Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp:
Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý văn bản trong phạm vi toàn quốc;
Đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương;
Hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý văn bản trong phạm vi toàn quốc; tổ chức và quản lý đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản;
Sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, xử lý văn bản.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp:
Đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản ở địa phương;
Hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý văn bản; tổ chức và quản lý đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản tại địa phương;
Sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, xử lý văn bản của địa phương.
Nghị định số 79/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025./.
Tải về