Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Lượt xem: 62

Ngày 15/5/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2025/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.  Nghị định này quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bao gồm: hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nghị định được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi lãnh thổ, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Một số quy định của Nghị định cụ thể như sau:

1. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

Các hình thức xử phạt chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bao gồm:

Cảnh cáo;

Phạt tiền.

Các hình thức xử phạt bổ sung trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bao gồm:

Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính;

Tước quyền sử dụng giấy phép là văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy từ 06 tháng đến 12 tháng.

Các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bao gồm:

Biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Các biện pháp khác được quy định cụ thể tại Nghị định này.

Thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy phép bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung:

Người có thẩm quyền ra quyết định, cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thi hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy phép bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Người có thẩm quyền ra quyết định thi hành biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản này phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép đó.

Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm thực hiện việc tước quyền sử dụng giấy phép dưới dạng văn bản điện tử đã được cấp trước đó trên môi trường điện tử đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định này trên môi trường điện tử. Việc tước quyền sử dụng văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy được cập nhật trạng thái trên hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an xây dựng, quản lý và ứng dụng thông tin điện tử khác theo quy định.

2. Mức phạt tiền trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân đến 50.000.000 đồng. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.

Hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư vi phạm các quy định của Nghị định này bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính.

3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là 01 năm.

Thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức được giao quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cung cấp được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Quá thời hạn nêu trên mà người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm không ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền thì kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không còn giá trị sử dụng.

Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;

Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;

Đối với các hành vi vi phạm được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận hành vi vi phạm.

Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều này trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:

Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Nghị định này được tính từ ngày bàn giao công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông theo quy định;

Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 18 Nghị định này được tính từ ngày công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông chấm dứt hoạt động.

Người có thẩm quyền xử phạt căn cứ các hồ sơ, tài liệu có liên quan để xác định thời điểm tính thời hiệu xử phạt theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật khác có liên quan.

4. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các Chương II và III của Nghị định này.

Nghị định số 106/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Bãi bỏ mục 3 của Chương II Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình./.

Tải về

Trần Lan Hương
Tin khác
1 2 3 4 5  ...