Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Bộ Công Thương quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện
Lượt xem: 190

Đây là Thông tư số 04/2025/TT-BCT ngày 01/02/2025 của Bộ trưởng Bộ Công thương. Thông tư này quy định trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện. Thông tư được áp dụng đối với:  Đơn vị phân phối điện; đơn vị bán lẻ điện; khách hàng sử dụng điện; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và tổ chức, cá nhân có liên quan. Một số quy định của Thông tư cụ thể như sau:

1. Thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện

(i) Mọi trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán điện phải thông báo trước cho bên mua điện, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư này.

(ii) Nội dung thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện bao gồm:

Địa điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện; mức công suất giảm hoặc khả năng cung cấp tối đa trong trường hợp giảm mức cung cấp điện;

Lý do ngừng, giảm mức cung cấp điện;

Thời gian bắt đầu ngừng, giảm mức cung cấp điện;

Thời điểm dự kiến đóng điện trở lại hoặc bảo đảm mức cung cấp điện bình thường.

(iii) Người của bên bán điện ký thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện phải là một trong những người sau:

Người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của bên bán điện;

Người giữ chức danh được uỷ quyền ký thông báo ngừng, giảm cung cấp điện do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.

(iv) Thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện được thực hiện bằng hình thức do hai bên thoả thuận và ghi trong hợp đồng mua bán điện.

2. Ngừng, giảm mức cung cấp điện khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng hoặc nhu cầu khác theo kế hoạch

Bên bán điện ngừng, giảm mức cung cấp điện khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng hoặc nhu cầu khác theo kế hoạch, cụ thể như sau:

(i) Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch của bên bán điện khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện và các nhu cầu khác theo kế hoạch của bên bán điện hoặc theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong trường hợp để bảo đảm an toàn thi công các công trình phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

(ii) Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo yêu cầu của bên mua điện.

(iii) Ngừng cấp điện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp để đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này. Tổ chức, cá nhân có liên quan phải phối hợp với bên bán điện xác định phạm vi ảnh hưởng của việc ngừng giảm cung cấp điện để báo cáo cơ quan quản lý tại địa phương thông qua trước khi thực hiện.

3. Ngừng, giảm mức cung cấp điện khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, sự cố mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện

Bên bán điện ngừng, giảm mức cung cấp điện khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, sự cố mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện, cụ thể như sau:

(i) Có sự cố xảy ra trên lưới điện cấp điện cho bên mua điện; sự cố trong hệ thống điện gây mất điện mà bên bán điện không kiểm soát được.

(ii) Có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện.

(iii) Thiếu nguồn điện đe dọa đến việc bảo đảm an toàn cân bằng cung cầu điện của hệ thống điện.

(iv) Có sự kiện bất khả kháng.

4. Ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật

Bên bán điện được ngừng cấp điện khi tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

(i) Bên mua điện không thực hiện thanh toán tiền điện theo quy định tại khoản 4 Điều 48 Luật Điện lực.

(ii) Bên mua điện có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 4, 7, 8, 9 và khoản 11 Điều 9 của Luật Điện lực (Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện);

(iii) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện biện pháp cưỡng chế ngừng cấp điện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.

(iv) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của luật khác và phải áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện theo quy định của luật đó.

5. Giám sát thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện

(i) Trường hợp thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện do thiếu nguồn điện, Tổng công ty Điện lực có trách nhiệm:

Giám sát việc thực hiện sản lượng điện tối đa cho phép và công suất phân bổ tại các công ty điện lực cấp tỉnh, đảm bảo các công ty điện lực cấp tỉnh thực hiện đúng sản lượng điện, công suất được phân bổ;

Giám sát công tác tiết giảm điện của các công ty điện lực cấp tỉnh, đảm bảo việc tiết giảm điện tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 16 Thông tư này.

Trước 8:00 hàng ngày, thông báo cho Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia kết quả thực hiện sản lượng điện, công suất được phân bổ của ngày D-1.

(ii) Trường hợp thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện do thiếu nguồn điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm:

Giám sát việc thực hiện sản lượng điện tối đa cho phép và công suất phân bổ tại các tổng công ty điện lực, đảm bảo các tổng công ty điện lực thực hiện đúng sản lượng điện, công suất được phân bổ;

Giám sát công tác cung cấp điện của các tổng công ty điện lực và các công ty điện lực cấp tỉnh, đảm bảo việc tiết giảm điện tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 16 Thông tư này.

(iii)  Sở Công Thương có trách nhiệm:

Hằng năm, căn cứ vào tầm quan trọng về chính trị, xã hội, an ninh và quốc phòng, Sở Công Thương địa phương chủ trì và phối hợp với Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Điện lực tỉnh trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh sách khách hàng thuộc diện ưu tiên cấp điện khi bên bán điện thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện trong hệ thống điện;

Giám sát việc thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Điện lực tỉnh, Đơn vị phân phối và Đơn vị bán lẻ điện tại địa phương theo quy định tại Thông tư này.

Giám sát việc cung cấp điện của công ty điện lực tại địa phương theo sản lượng điện, công suất được phân bổ khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện;

Giám sát công tác cung cấp điện tại địa phương theo phương án được duyệt và các nguyên tắc tiết giảm điện quy định tại Điều 6 Phụ lục I của Thông tư này khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện;

Giám sát việc sử dụng điện của các khách hàng sử dụng điện có biểu đồ phụ tải điện đã thỏa thuận với công ty điện lực cấp tỉnh tại địa phương khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện.

(iv) Bộ Công Thương có trách nhiệm:

Giám sát chung việc thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện của các đơn vị điện lực theo quy định tại Thông tư này.

Giám sát chung về phân bổ và thực hiện sản lượng điện, công suất khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện đảm bảo theo đúng các nguyên tắc quy định tại Điều 6 Phụ lục I của Thông tư này.

Thông tư số 04/2025/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2025.

Các Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 14/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện, Thông tư số 34/2011/TT-BCT ngày 07/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc lập và thực hiện kế hoạch cung cấp điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện, Thông tư số 23/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 quy định phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại hết hiệu lực thi hành từ ngày Thông tư này có hiệu lực./.

Tải về

 

Lan Hương