Bài 6: Quy định hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, cụ thể tại chương IV quy định từ Điều 48 đến Điều 53, nội dung cụ thể như sau:
Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm sau đây:
Tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tổ chức, cá nhân kinh doanh; phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm sau đây: Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này; Tư vấn, hỗ trợ cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân về các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tổ chức xã hội thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội được tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về hội, quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
1. Hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm: Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu. Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tham gia góp ý xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan. Tham gia hỗ trợ thương lượng, hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu. Độc lập khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm do mình thực hiện về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; phản ánh, đánh giá mức độ tin cậy của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đại diện cho người tiêu dùng thực hiện khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có yêu cầu và ủy quyền theo quy định của pháp luật. Tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng khi đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này. Tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và kiến thức tiêu dùng cho người tiêu dùng.
2. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng khi có đủ các điều kiện sau đây: Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật. Có tôn chỉ, mục đích hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng hoặc vì lợi ích công cộng liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Có thời gian hoạt động tối thiểu 01 năm kể từ ngày tổ chức xã hội được thành lập đến ngày tổ chức xã hội thực hiện quyền tự khởi kiện. Có phạm vi hoạt động từ cấp huyện trở lên.
Quyền của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tham gia các hoạt động kiểm tra liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Được cơ quan quản lý nhà nước thông báo kết quả tiếp nhận, xử lý, bảo mật thông tin do mình cung cấp, kiến nghị.
Được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Gia nhập các tổ chức quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về hội và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện, giám định xã hội và các hoạt động khác liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này. Tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện hoạt động quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 50 của Luật này. Tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được từ chối tư vấn, hỗ trợ những khiếu nại chính đáng của người tiêu dùng.