Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Bài 1: Những quy định chung của Luật Giá năm 2023
Lượt xem: 315

Luật Giá được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2023 thông qua.  Luật gồm 8 chương, 75 Điều,  có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. “Quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất 01 thành viên có một trong các chứng nhận chuyên môn sau đây: Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá, thẩm định giá; Thẻ thẩm định viên về giá; Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá; Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước.” Để tìm hiểu về nội dung Luật, mời bạn đọc theo dõi chùm bài viết gồm 05 bài giới thiệu Luật như sau:

Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; người tiêu dùng; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá, thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam.

Áp dụng Luật Giá và pháp luật có liên quan

Trường hợp có quy định khác nhau về giá giữa Luật Giá và luật khác được ban hành trước ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật Giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá khác với quy định tại Luật Giá thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành có quy định bổ sung hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì phải đánh giá tác động chính sách; hàng hóa, dịch vụ đó phải đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này; đồng thời quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm định giá, hình thức định giá đối với hàng hóa, dịch vụ đó, xác định cụ thể về căn cứ, phương pháp định giá, việc ban hành văn bản định giá thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định tại Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

Việc định giá của Nhà nước đối với một số mặt hàng được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan như sau: Giá đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; Giá nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở; Giá điện và giá các dịch vụ về điện được thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực; Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; Học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; Tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan, tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc trong trường hợp người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thỏa thuận được, tiền đền bù đối với quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao theo quyết định bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước

Quản lý, điều tiết giá theo cơ chế thị trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và Nhà nước.

Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công; có chính sách về giá phù hợp với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Công khai thông tin về giá, thẩm định giá

 Cơ quan nhà nước, đơn vị trực thuộc cơ quan nhà nước thực hiện công khai các nội dung sau đây:  Chủ trương, đề án, báo cáo về biện pháp quản lý, điều tiết giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; văn bản quy phạm pháp luật về giá; Văn bản định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trừ hàng dự trữ quốc gia;  Danh sách doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thẩm định viên về giá; danh sách doanh nghiệp thẩm định giá bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; danh sách người bị tước, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai các nội dung sau đây: Giá cụ thể hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân tự định giá trong khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; Mức giá của hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải kê khai giá theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này; Mức giá của hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá.

Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện công khai các nội dung sau đây:Danh sách thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp;Thông tin cơ bản về hoạt động của doanh nghiệp gồm giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, số lượng chứng thư đã phát hành hàng năm; Bảng giá dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá.

 Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm công khai thông tin quy định tại Điều này phải bảo đảm tính chính xác, trung thực, kịp thời và chịu trách nhiệm về nội dung công khai. Việc công khai không áp dụng đối với các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước và các trường hợp không được phép công khai theo quy định của pháp luật. Việc thông tin, truyền thông về các chính sách pháp luật về giá, cơ chế quản lý, điều hành giá phải bảo đảm tính khách quan, trung thực theo quy định của pháp luật.

Việc công khai các thông tin quy định tại Điều này được thực hiện theo hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoặc hình thức phù hợp khác. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì công khai bằng hình thức gửi văn bản đến cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan và cập nhật vào cơ sở dữ liệu về giá; đối với các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì công khai bằng hình thức cập nhật vào cơ sở dữ liệu về giá.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá

Đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá: Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật vào việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá và tổ chức, cá nhân hoạt động thẩm định giá; Cố tình tiết lộ, sử dụng thông tin về giá do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;  Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

Đối với tổ chức, cá nhân: Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết trong các giao dịch mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, phương thức vận chuyển, thanh toán, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ; Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi; Cản trở hoạt động quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá giả hoặc sử dụng chứng thư thẩm định giá giả cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này; Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá khi không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc sử dụng chứng thư đó cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không là thẩm định viên về giá; Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

Đối với doanh nghiệp thẩm định giá: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; thông tin không chính xác về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá; Cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho người có liên quan với doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; Kê khai không chính xác, không trung thực, giả mạo hồ sơ đăng ký cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, hồ sơ đăng ký hành nghề của thẩm định viên về giá; Phát hành khống chứng thư thẩm định giá; Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

 Đối với thẩm định viên về giá: Thông tin không chính xác, không trung thực về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá; Giả mạo, cho thuê, cho mượn, sử dụng thẻ thẩm định viên về giá trái với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; Lập chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá với tư cách cá nhân; Ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không đáp ứng các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này; Thực hiện thẩm định giá cho người có liên quan với doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; Lập khống báo cáo thẩm định giá, các tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định của Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam; Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

Đối với hội đồng thẩm định giá: Chỉ đạo, can thiệp vào hoạt động thẩm định giá làm ảnh hưởng đến tính độc lập về chuyên môn của thành viên hội đồng thẩm định giá nhằm vụ lợi; Lập khống thông báo kết quả thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá; Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

 Đối với thành viên hội đồng thẩm định giá: Lập khống các tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam; Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá. Đối với khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba có tên trong hợp đồng thẩm định giá: Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về tài sản thẩm định giá; Sử dụng chứng thư thẩm định giá đã hết hiệu lực; sử dụng chứng thư thẩm định giá không theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với tài sản thẩm định giá, số lượng tài sản thẩm định giá tại hợp đồng thẩm định giá; Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân ban hành văn bản có các hình thức, điều kiện nhằm hạn chế hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá trái quy định của Luật này.

Quỳnh Anh
Tin khác
1 2 3 4 5  ...