Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025
Nhằm
tiếp tục triển khai có hiệu quả
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống
bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, các
ngành, gia đình và cộng đồng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tiến
tới giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, thực hiện xây dựng gia đình no ấm,
tiến bộ, hạnh phúc và văn minh; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý nhà nước
của các cấp, các ngành về thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm
đảm bảo xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng
quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, sự thành công của sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội; chú trọng áp dụng
các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và hỗ trợ người bị bạo lực gia
đình; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngày
22/3/2022 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND triển
khai thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới
trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025.
Kế
hoạch xác định rõ các mục tiêu cần thực hiện, cụ thể:
- Đạt 40% số hộ gia đình tham gia các buổi nói
chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình do Ủy ban nhân dân cấp xã tổ
chức tại các thôn, bản, tổ dân phố.
- Phấn đấu 50% các cơ quan truyền thông, báo
chí; Trung tâm Văn hóa, Thể thao - truyền thông các huyện, thị xã, thành phố thực
hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của địa phương có chuyên trang,
chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Trên 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia
đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình.
- Tối thiểu 95% người bị
bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, được trợ giúp
pháp lý (khi thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định).
- Trên 80% những người có hành vi bạo lực gia
đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo
lực.
- Phấn đấu 90% các huyện, thị xã, thành phố
có cộng tác viên dân số thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực gia đình
tại cộng đồng. - Trên 95% xã, phường, thị trấn có mô hình phòng, chống bạo lực
gia đình.
- Đạt 90% địa phương có mô hình can thiệp,
phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình,
đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.
- Đạt
90% người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp được được bồi
dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Phấn đấu 90% số vụ bạo lực gia đình được xử
lý theo quy định pháp luật .
Bên
cạnh đó Kế hoạch cũng đã xác định 08 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, cụ thể:
(i) Hoàn thiện chính sách về
phòng, chống bạo lực gia đình; (ii) Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối
hợp của các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện phòng, chống bạo lực
gia đình; (iii) Hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình liên quan, cơ sở
cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình; (iv) Thông tin, giáo dục,
truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; (v) Nâng cao năng lực chuyên
môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo
lực gia đình các cấp, các ngành; (vi) Xã hội hóa; (vii) Hợp tác quốc tế, nghiên
cứu khoa học; xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; (viii)
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo
lực gia đình.
Kế
hoạch giao cho Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh; Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố tổ chức triển khai, thực hiện./.