UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật
Sáng 27/10/2022, UBND
tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật
Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ
tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và đồng chí Lê Ngọc Quỳnh,
Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo
dục pháp luật đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị
Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể
cấp tỉnh; HĐND, UBND, phòng tư pháp các huyện, thành phố, thị xã và UBND một số
xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật là cơ sở pháp lý
quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo nền tảng vững chắc
cho việc triển khai thực hiện hoạt động này. Luật được thông qua đã góp phần
củng cố, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực
hiện công tác.
Trong 10 năm qua, việc triển khai
thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và Ngày pháp luật Việt Nam
trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản đã đáp ứng các
yêu cầu đặt ra. Căn cứ vào các quy định của Luật và các văn bản chỉ đạo có liên
quan, UBND tỉnh Lào Cai đã kịp thời đề xuất với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh
ban hành các văn bản về lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, về cơ chế chính sách
thực thi Luật PBGDPL, đồng thời chủ động xây dựng, tổ chức triển khai đồng bộ,
có hiệu quả các chương trình, Kế hoạch, nhiệm vụ PBGDPL theo giai đoạn cũng như
hàng năm tại địa phương, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục chính trị,
tư tưởng, nâng cao nhận thức cũng như ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ,
công chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức
trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, đoàn thể đối với
công tác TT, PBGDPL, hỗ trợ tích cực nhu cầu tiếp cận pháp luật, tìm hiểu pháp
luật, góp phần nâng cao trình độ dân trí của Nhân dân, giữ vững trật tự, kỷ
cương trong bộ máy nhà nước và toàn xã hội, góp phần bảo vệ an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của
dân, do dân và vì dân, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cán bộ, công chức và Nhân dân thực hiện tốt phương châm “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Đại biểu Sở Lao động, Thương binh xã hội tỉnh tham luận tại hội nghị.
Nội dung,
hình thức TT, PBGDPL có nhiều đổi mới,
sáng tạo, cơ bản đáp ứng và phù hợp với từng nhóm đối tượng, phù hợp với điều
kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã coi
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục
chính trị, tư tưởng. Cơ quan tư pháp các cấp đã phát huy vai trò thường trực
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tham mưu, đề xuất để
HĐND, UBND cùng cấp kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai
thực hiện các kế hoạch, chương trình về phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc xây
dựng thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh được
quan tâm, hoàn thiện cùng với việc đảm bảo nguồn lực cho triển khai thực hiện.
Cán bộ, đảng viên đã tự xác định việc tìm hiểu, học tập pháp luật là nhiệm vụ
thường xuyên, liên tục. Các tầng lớp Nhân dân cũng đã nhận thức được việc tìm
hiểu, tuân thủ pháp luật là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi công dân.
Trong 10 năm qua, nhiều cách làm hay, mô hình điểm về
giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư tại các địa bàn trọng điểm, phức
tạp về an ninh, trật tự được các cấp, ngành xây dựng và duy trì hiệu quả. Qua
đó đã nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, huy động người dân tham gia
giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụ thể, thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp
luật, Ủy ban nhân dân tỉnh đã
ban hành 08 Kế hoạch triển khai thực hiện
Ngày Pháp luật theo định kỳ hàng năm; các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ
chức được 25.887 buổi tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, học tập, sinh hoạt,
giao ban chuyên đề, lồng ghép tuyên truyền pháp luật theo đợt cho 2.342.582 lượt
cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, hội viên, đoàn viên. Đã phổ
biến, tuyên truyền, phát sóng 1.059 giờ trên Đài truyền thanh - truyền hình các
huyện, thành phố, thị xã và hệ thống loa truyền thanh công cộng tại các xã, phường,
thị trấn. Điển hình như: Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và
đơn vị có liên quan (Sở Giáo dục và Đào tạo; Trường cao đẳng Lào Cai; Tỉnh đoàn
Lào Cai; Công ty TNHH MTV Apatít Việt Nam) đã tổ chức 04 Diễn đàn hưởng ứng
"Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam" tại cấp tỉnh, các diễn đàn đã thu hút được sự
hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức; học
sinh, sinh viên, học viên; cán bộ quản lý, người lao động tại doanh nghiệp. Tỉnh
đoàn Lào Cai đã chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc phối hợp
với các đơn vị có liên quan tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật
cho học sinh, thanh thiếu niên trong các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh
thông qua tổ chức các Diễn đàn "Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tảo
hôn và hôn nhân cận huyết thống"; Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo toàn
Ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật
trong hệ thống trường học thông qua việc lồng ghép với các buổi chào cờ đầu tuần,
sinh hoạt ngoại khóa, diễn đàn; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thành lập
các Tổ Tư vấn chính trị pháp luật tại trụ sở Bộ chỉ huy và các Đồn Biên phòng đồng
thời thực hiện mô hình "Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án" vào thứ Hai
hàng tuần trong tháng với thời lượng từ 40 đến 60 phút để cán bộ, chiến sĩ tìm
hiểu, thảo luận và trả lời các câu hỏi
pháp luật. Coi đây là hình thức cụ thể hóa việc triển khai công tác quán
triệt, học tập, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước
tới cán bộ, chiến sĩ.
Đại biểu dự hội nghị đã có 08 ý kiến phát biểu tham
luận về cách làm hiệu quả trong phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở; công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi,biên
giới; cho đoàn viên, hội viên phụ nữ, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nội
dung, góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Giàng Thị Dung khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp
luật, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn
tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thực hiện
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đồng bộ, thường xuyên, rộng khắp, hướng
mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm, trọng điểm, nòng cốt để tuyên
truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng,
hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời
gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung đề nghị: Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp về
vị trí, vai trò của công tác PBGDPL trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện
nghiêm túc Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 02 tháng 12 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh
ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ,
Nhân dân; các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị
số 19-CT/TU của tỉnh ủy, các Đề án về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
được ban hành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022 – 2027
(chú trọng các đối tượng đặc thù, yếu thế, cư dân vùng biên giới, vùng dân tộc
thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn). Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của
Hội đồng PHPBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện; tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật
cho người dân. Nội dung PBGDPL phải có
trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, phù hợp với tình hình thực
tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, thời
điểm, địa bàn, tối tượng cụ thể, bảo đảm 100% người dân được PBGDPL. Đẩy mạnh
hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò, hiệu quả của các
phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các chuyên trang,
chuyên mục, trong đó cần nhân rộng và phát huy hiệu quả của các trang zalo,
facebook theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương, các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu
pháp luật… Xây dựng và nhân rộng các mô hình PBGDPL có hiệu quả. Việc thực hiện
công tác PBGDPL tiếp tục cần được gắn kết chặt chẽ với công tác kiểm tra, giám
sát, điều tra, truy tố xét xử, công tác dân vận, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng
xã phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tiếp
cận pháp luật; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn mình.... và những nhiệm vụ
chính trị trọng tâm của ngành, lĩnh vực, địa phương ở từng giai đoạn, thời điểm.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời
trong việc vận động, giáo dục quần chúng nhân dân tích cực, chủ động tự nghiên
cứu tìm hiểu pháp luật và tham gia, hưởng ứng các hoạt động tuyên truyền PBGDPL
do các cơ quan có thẩm quyền tổ chức. Kết hợp có hiệu quả việc tuyên truyền
pháp luật với việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chương trình, đề án của
Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, xoá đói giảm
nghèo... Duy trì và tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình Ngày pháp luật 09/11
hàng năm. Quan tâm đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và tích cực huy
động nguồn xã hội hóa để tăng cường nguồn lực đáp ứng nhu cầu triển khai các hoạt
động TT, PBGDPL đến với mọi tầng lớp nhân dân trong tình hình mới. Kịp thời động
viên, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình trong công tác PBGDPL.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung trao Bằng khen cho các tập thể
Tại hội nghị, 13 tập thể, cá nhân có thành tích xuất
sắc trong 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã được
nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.
Giám đốc
Sở Tư pháp Lê Ngọc Quỳnh trao Bằng khen cho các cá nhân.