Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách an sinh xã
hội của Đảng và Nhà nước dành cho những người dân nghèo, đồng bào các dân tộc
thiểu số nghèo và những người yếu thế trong xã hội, đảm bảo quyền con người,
quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Ngày 06/9/1997, Thủ tướng
Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg về thành lập tổ chức trợ giúp pháp
lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đến ngày 18/5/1998, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 104/QĐ-UBND
thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước tỉnh Lào Cai.
Qua thời gian triển khai thực hiện, để phù
hợp với Hiến pháp năm 2013, ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ III
đã thông qua Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, đánh dấu mốc quan trọng trong việc
hoàn thiện thể chế về công tác trợ giúp pháp lý trong tình hình mới. Với
quan điểm lấy người được TGPL làm trung tâm và nâng cao
tiêu chuẩn của người thực hiện TGPL, đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong
nhận thức của các tổ chức và cá nhân đối với công tác trợ giúp pháp lý, giúp cho phần lớn các nhóm đối
tượng yếu thế trong xã hội có hoàn cảnh khó khăn về tài
chính, có
cơ hội được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ TGPL có chất lượng.
Trên
tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước, của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 336/KH-UBND ngày 26/12/2017
về việc
triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ
đạo Sở Tư pháp và đơn vị chuyên môn (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước), triển
khai thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) tới người dân nghèo và những
người yếu thế, như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng,
tổ chức các đợt truyền thông về địa bàn các thôn, bản nghèo, đặc biệt khó khăn.
Chú trọng công tác tuyên truyền Luật trợ giúp pháp lý tới các cơ quan, đoàn thể
qua các Hội nghị triển khai phổ biến pháp
luật của Sở Tư pháp, và 04 Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ
giúp pháp lý của Trung tâm TGPL cho các báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp
huyện, thành viên Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật, các cơ quan tố tụng, cán
bộ tư pháp,…
Công
tác tổ chức kiện toàn bộ máy của Trung tâm cũng được trú trọng, Trung tâm đã
tham mưu giúp Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 17/01/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết
định số 2978/QĐ-UBND ngày 24/9/2009 và Quyết định số 2490/QĐ-UBND ngày 15/7/2021 về việc kiện toàn chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm. Hiện tại, bộ máy của Trung tâm đã được kiện toàn theo
hướng tinh gọn gồm có Ban lãnh đạo, 03 phòng Hành chính -tổng hợp và chuyên môn
phòng Nghiệp vụ; 08 chi nhánh trực thuộc đặt tại 07 huyện và 01 thị xã Sa Pa. Với 19 trợ giúp viên pháp lý, trong đó có 05 trợ giúp viên pháp lý mới
được bổ nhiệm theo quy định của Luật TGPL 2017, dự kiến trong thời gian tới, Trung
tâm sẽ trình UBND tỉnh bổ nhiệm thêm 06 Trợ giúp viên pháp lý, tạo nguồn nhân lực
cho mạng lưới các Chi nhánh TGPL trên địa bàn tỉnh.
Với
Kế hoạch đã đặt ra, quá trình thực thi Luật TGPL 2017 đến nay, Trung tâm tiếp
nhận và giải quyết kịp thời 3.873 vụ việc cho 3.873 đối
tượng có yêu cầu. Trong đó, số vụ tham gia tố tụng là 1.951 vụ (chiếm 50,4%)
so với tổng số vụ việc tiếp nhận, đại diện ngoài tố tụng là 06 vụ (chiếm 0,1%),
số vụ tư vấn là 1.916 vụ (chiếm 49,5%). Số
vụ việc do TGVPL thực hiện là 3.429 vụ (chiếm 88,5%); Luật sư thực hiện
TGPL: 13 vụ (chiếm 0,3%); số vụ do cộng tác viên khác thực hiện 431 vụ (chiếm
11,2%. Tỉ lệ số vụ tham gia tố tụng hằng năm đều tăng lên, đảm bảo chỉ tiêu
vụ việc tố tụng mà Bộ Tư pháp giao hằng năm, trong đó có 193 vụ việc thành
công, hiệu quả, không có vụ
việc nào gây thiệt hại cho đối tượng được trợ giúp và phát sinh trách nhiệm bồi
thường.
Để có được thành quả như trên thì công tác phối hợp về TGPL
trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT được duy trì
thường xuyên và đạt hiệu quả. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã phổ biến, giải
thích cho các đối tượng biết và hiểu về TGPL, đồng thời thông tin cho Trung tâm
cử trợ giúp viên pháp lý tham gia kịp thời trong các buổi lấy lời khai ban đầu, bảo đảm
quyền được TGPL của người bị buộc tội, người bị tạm giữ, người bị tố giác,
đương sự… trong các vụ án hình sự, dân sự theo đúng các quy định của pháp luật.
Trợ giúp viên pháp lý bào chữa trong phiên tòa
sơ thẩm
Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ
tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc
thì Trung tâm và Các chi nhánh trên địa bàn tổ chức được 876 đợt truyền thông về địa bàn các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn
trong toàn tỉnh với hơn 30.720 lượt người tham
dự.
Phối hợp
với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tổ chức buổi truyền thông cho gần 100 lượt
người thuộc nhóm các đối tượng đặc thù, bao gồm trẻ em, người khuyết tật… đều
là những người đang được hưởng trợ cấp xã hội.
Qua các buổi truyền thông, đã tuyên truyền và phổ
biến các quy định của Luật TGPL năm 2017 nhằm nâng cao nhận thức hiểu biết của
người dân về hoạt động trợ giúp pháp lý, trình tự thủ tục yêu cầu TGPL…để có
thể tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ TGPL khi có yêu cầu. Ngoài ra, còn phổ biến
một số quy định của pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện trợ giúp
pháp lý như pháp luật về hình sự, về mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi,
các tội phạm về ma túy; các quy định về đất đai, về Hôn nhân và gia đình như
kết hôn, ly hôn, tảo hôn... Tổ chức lắp
đặt 59 bộ bảng thông tin, hộp tin về
TGPL đặt tại đồn biên phòng các xã biên giới, trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa
bàn tỉnh; đồng thời dán niêm yết, công khai danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên
pháp lý, địa chỉ của Trung tâm và các Chi nhánh để người dân tiện theo dõi và
liên hệ khi có yêu cầu; Thực hiện việc cung cấp miễn
phí mẫu đơn yêu cầu TGPL
và cấp phát tờ gấp
pháp luật cho người dân.
Ngoài ra, Trung tâm còn đẩy mạnh hoạt động truyền thông
trên các phương tiện thông tin đại chúng, như Tham dự buổi Tọa đàm về TGPL trong chuyên mục
Chuyện từ chính sách trên VTV5- Đài truyền hình Việt Nam; Phối hợp với Truyền
hình Quốc Hội, Báo dân tộc và phát triển thực hiện phóng sự, bài viết về TGPL
cho đồng bào dân tộc thiểu số; Phối hợp với VTV2- Đài Truyền hình Việt Nam thực
hiện phóng sự về TGPL cho nạn nhân bị mua bán; Phối hợp với Đài truyền hình Lào
Cai thực hiện phóng sự về bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của đồng bào dân tộc
thiểu số nhân ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, nội dung trợ giúp pháp lý trong
chuyên mục bảo vệ trẻ em nhân ngày Quốc tế thiếu nhi. Tổng hợp các tin, bài về
công tác trợ giúp pháp lý của Trung tâm đăng tải trên trang thông tin điện tử
của ngành và Cục TGPL.
Với mục tiêu
tập trung vào thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý trong đó chú trọng vụ việc
tham gia tố tụng, cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối
hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh thì số lượng và chất lượng
vụ việc tham gia tố tụng của trung tâm đều được nâng lên, góp phần thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp, bảo đảm
quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp
luật.
Công
tác triển khai thực thi Luật TGPL 2017 vẫn còn một số vướng mắc, việc lựa chọn,
ký hợp đồng với Luật sư, với các tổ chức hành nghề Luật sư, các cộng tác viên đã
được triển khai, tuy nhiên vẫn chưa có luật sư hay tổ chức, cộng tác viên nào
ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Vẫn còn một số đối tượng đặc thù, những người yếu thế trong xã hội, lại không
thuộc trường hợp khó khăn về tài chính nên không được
hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Quá trình triển khai các hoạt động gặp không ít
khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, không có phương tiện hỗ trợ cho việc truyền
thông về thôn bản đặc biệt khó khăn. Trung tâm rất mong được sự ủng hộ hơn nữa
từ các cấp chính quyền cơ sở, Cục TGPL, Bộ Tư pháp, sớm có lộ trình, đề xuất sửa
đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế công tác trợ giúp pháp lý, bỏ điều kiện khó
khăn về tài chính đối với người dân nghèo và những người yếu thế sinh sống ở
khu vực miền núi, vùng cao, biên giới./.