Tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2023
Thực hiện
phong trào “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng,
trong những năm qua, các bộ, ngành, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và
nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng
rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và đạt được nhiều
thành tựu quan trọng, thiết thực góp phần phát triển kinh tế, xã hội, môi
trường và quốc phòng, an ninh.
Năm 2022,
mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, biến động phức tạp
của thị trường thế giới đến sản xuất nông lâm nghiệp, đời sống của người dân và
xuất khẩu lâm sản, nhưng các địa phương trong cả nước đã trồng được 245 nghìn
ha rừng trồng tập trung và 122 triệu cây xanh phân tán, đảm bảo nguồn cung cấp
nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng 31,5 triệu m3 gỗ,
giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 16,5 tỷ USD, đạt 102% so với kế hoạch
năm và tăng 5% so với năm 2021; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao
chất lượng rừng; công tác bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, vi phạm
pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể; thu dịch
vụ môi trường rừng đạt trên 3.600 tỷ đồng, đây là nguồn tài chính quan trọng và
bền vững của ngành, đóng vai trò đáng kể trong thành tích chung của toàn ngành
nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Công chức khối sáu chăm sóc cây xanh tại khuôn viên trụ sở làm việc
Đạt được
kết quả này là sự chỉ đạo sát sao, tháo gỡ khó khăn kịp thời của Đảng, Nhà nước
và sự quan tâm vào cuộc của các bộ, ngành cùng với sự nỗ lực của các địa
phương, tinh thần sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn của hàng
triệu bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội,… trên cả nước. Tuy
vậy, ngành lâm nghiệp vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: Nguồn
vốn và chính sách đầu tư cho lâm nghiệp còn hạn chế; lạm phát cao ở các nước
nhập khẩu gỗ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu; đời sống, thu nhập của
người dân làm nghề rừng còn thấp, các nguồn thu từ lâm sản và dịch vụ môi
trường rừng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; tình trạng phá rừng, lấn
chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, vi phạm về quản lý, bảo vệ
rừng và động vật hoang dã vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.
Nhằm phát
huy kết quả đạt được trong những năm qua, khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế,
chủ động tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào “Tết trồng cây đời
đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão gắn với triển khai thực hiện
công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và trồng cây, trồng rừng
ngay từ đầu năm 2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 8733/CT-BNN-TCLN
ngày 23 tháng 12 năm 2022 về tổ
chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác
Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ,
phát triển rừng năm 2023, theo đó đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tăng
cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng,
ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng; động viên các cấp, các ngành và nhân dân
tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, thực hiện các quy định của pháp luật
về lâm nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích
ứng với biến đổi khí hậu.
Chỉ đạo tổ chức triển khai
đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp; nội dung, nhiệm vụ
và giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021
- 2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01
tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai
hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 về bảo vệ và phát
triển rừng, trồng cây phân tán, phát triển lâm sản ngoài gỗ,… theo Chương trình
phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12 tháng
7 năm 2022; Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định
số 524/QĐ-TTg ngày 01
tháng 04 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, đề án trọng điểm
khác của ngành lâm nghiệp.
Việc tổ
chức phát động “Tết trồng cây” cần thiết thực, trở thành nét
đẹp văn hóa, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương hình thức; tạo điều
kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân
dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Thời điểm tổ chức phát động “Tết
trồng cây” đối với các tỉnh phía Bắc tiến hành vào đầu Xuân năm mới,
đối với các tỉnh phía Nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (ngày 19
tháng 5) hoặc các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng
rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể. Sau khi thực hiện “Tết
trồng cây”, các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu
dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình có cách làm hay, mô
hình tốt, sáng tạo; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn để theo dõi và phối hợp chỉ đạo.
Tiếp tục
thực hiện nghiêm túc, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày
12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các quy định
của pháp luật về Lâm nghiệp. Giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng
rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Thực
hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm
nghiệp, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, làm rõ trách nhiệm của
các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, có tiêu cực, để xảy ra vi phạm
và xử lý theo quy định của pháp luật. Đấu tranh, truy quét các “đầu nậu” mua
bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật và
xử lý nghiêm theo quy định. Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ
án trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được lực lượng chức năng phát
hiện và các cơ quan truyền thông phản ánh.
Thực hiện
nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đẩy mạnh
chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ
rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả. Chỉ đạo các lực lượng
liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực
hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng;
có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường
trực, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong
bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn; thường
xuyên kiểm tra, điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để
xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh
quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ,
cây dược liệu dưới tán rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ môi
trường rừng theo đúng quy định của pháp luật, nhằm phát huy giá trị đa dụng của
rừng, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính
do quốc gia tự quyết định.
Chỉ đạo
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh thu đủ tiền dịch vụ môi trường rừng năm
2022 và tổ chức giải ngân cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ
rừng trước dịp Tết Nguyên Đán, góp phần khuyến khích, nâng cao trách nhiệm bảo
vệ rừng, phát huy hiệu quả và lợi ích của dịch vụ môi trường rừng.