Quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2022
của Thủ tướng chính phủ ban
hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Quan điểm, mục
tiêu tổng quát, mục
tiêu cụ thể như sau:
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là
quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là
động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng,
hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các
ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để
thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống
nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phát triển đồng bộ,
liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn,
khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Phát triển hệ thống đổi mới
sáng tạo quốc gia và các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành, vùng, trong đó lấy
doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên
cứu mạnh, Nhà nước thực hiện định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể
chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống. Kết
hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh với tận dụng tối đa cơ
hội, nguồn lực bên ngoài, ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh
chóng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, đặc biệt là chủ
động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để những cơ hội và thành tựu của
cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ
thiết thực đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời chú trọng nghiên cứu cơ
bản định hướng ứng dụng để tiến tới sáng tạo, tự chủ và cạnh tranh về công nghệ
ở những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng và lợi thế.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới
sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng,
góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại,
thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con
người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững,
nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ khoa học,
công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng,
thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng
lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của
thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế.
Mục tiêu cụ thể: Nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới
sáng tạo vào tăng trưởng
kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của
các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao
năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp. Đóng góp của năng suất nhân tố
tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%. Khoa học, công nghệ và đổi mới
sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là
công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế
theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm
2030; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của
cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, tỉ trọng
giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo
đạt tối thiểu 45%. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng
trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam; cung
cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát
triển đất nước; đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên
0,7. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc
nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới. Đến năm 2025, đầu tư cho khoa học và công
nghệ đạt 1,2% - 1,5% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và
phát triển công nghệ đạt 0,8% - 1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu
khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60% - 65%. Đến năm
2030, đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% - 2% GDP, trong đó tổng chi
quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1% - 1,2% GDP và
đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65% -
70%. Đến năm
2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời
gian) đạt 10 người trên một vạn dân, đến năm 2030 đạt 12 người trên một vạn
dân; trong đó chú trọng phát triển nhân lực trong khu vực doanh nghiệp.Hệ thống
tổ chức khoa học và công nghệ được cơ cấu lại gắn với định hướng ưu tiên phát
triển quốc gia, ngành và lĩnh vực theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn
mực quốc tế. Đến năm
2025, có 25 - 30 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế
giới, đến năm 2030 có 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu
vực và thế giới.Đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa
học và công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng hai lần
so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong
tổng số doanh nghiệp. Số lượng công bố quốc tế tăng trung bình 10%/năm. Số lượng
đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16% - 18%/năm;
số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12% - 14%/năm, 10%
- 12% trong số đó
được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt
8% - 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ. Phát triển được hạ tầng chất
lượng quốc gia (NQI) đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mạnh mẽ về tiêu chuẩn, đo
lường, chất lượng, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới.